ClockThứ Sáu, 27/01/2023 10:36
KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH PARIS (27/1/1973 – 27/1/2023)

Nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình tại hội đàm Paris qua báo giới phương tây

TTH - Tròn nửa thế kỷ trôi qua, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tại Paris vào ngày 27/1/1973 giữa bốn bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) và Việt Nam Cộng hòa, mở ra bước ngoặt mới cho cách mạng miền Nam, nhằm thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, tạo tiền đề để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975 lịch sử.

Chuyện chiếc bàn trong hội đàm ParisLãnh đạo Nga, Pháp điện đàm về hội nghị thượng đỉnh NormandyTổng thống Nga sẽ gặp Tổng thống Mỹ tại Paris vào tháng 11

Bà Bình ký các văn bản tại Hội nghị Paris. Ảnh: Tư liệu

Có được thành quả ngoại giao xuất sắc đó, ngoài nỗ lực to lớn của quân và dân ta trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, thì dấu ấn của những nhà ngoại giao kỳ cựu, khôn ngoan, mềm dẻo nhưng vô cùng quyết đoán trên bàn đàm phán Paris như: Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Hà Văn Lâu (của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và Nguyễn Thị Bình (của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam)… đã buộc đối phương phải chấp nhận những điều khoản và đi đến ký kết Hiệp định. Trong đó, hình ảnh, bản lĩnh và vai trò của nhà ngoại giao nữ xuất sắc Nguyễn Thị Bình luôn gây ấn tượng, cùng sự ngưỡng mộ đối với dư luận và báo chí phương Tây.

Trong hơn 4 năm diễn ra cuộc đàm phán ở Paris, người dân và báo giới phương Tây đã rất ấn tượng với hình ảnh “Madam Bình”, một người phụ nữ nhỏ nhắn, lịch thiệp đến từ vùng đất đầy khói lửa chiến tranh, nhưng lại có phong cách ngoại giáo lịch lãm, sang trọng. Nét mặt và nụ cười luôn cởi mở, thân thiện, mà họ còn rất ấn tượng bởi những lời phát biểu đầy thuyết phục, thông minh, lúc rắn rỏi, lúc ví von, dí dỏm... khiến cho thế giới phải nể trọng.

Ấn tượng đầu tiên về nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình ngay từ giờ phút đầu tiên bà đặt chân đến Paris, khiến người dân và báo giới bị cuốn hút: Hai giờ chiều 2/11/1968, bầu trời Paris giá lạnh, bà Nguyễn Thị Bình trong bộ áo dài màu hồng sẫm, khoác măng tô xám với chiếc khăn quàng đen điểm hoa, dẫn đầu đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam bước xuống sân bay Bourget giữa đám đông người chào đón. Trong đó, có nhiều nhà báo của các tòa báo và hãng thông tấn quốc tế. Đón đoàn bà Bình trong không khí sôi động, với rừng cờ đỏ sao vàng (Quốc kỳ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), cờ nửa đỏ - nửa xanh với sao vàng năm cánh (cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) tung bay kiêu hãnh trên bầu trời Paris, cùng với băng rôn, biểu ngữ long trọng trong tiếng hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam muôn năm!” (Trần Công Tấn (2004), Hà Văn Lâu – người đi từ bến làng Sình, Nxb Phụ nữ, tr.478).

Nhà ngoại giao Xuân Thủy (Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) cùng bà Bình (lúc này là Phó đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) được đón trên đoàn xe bóng loáng, phấp phới lá cờ nửa đỏ - nửa xanh, có ô tô, mô tô của cảnh sát Pháp dẫn đường và hộ tống, bà con Việt kiều và người dân Paris đứng chật hai bên đường sững sờ, xúc động, vỡ òa niềm vui khôn xiết…

Lần đầu tiên bước vào phòng khách danh dự, bà Bình tự tin nói to, dõng dạc về 5 điểm giải pháp của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đem đến Hội nghị, khiến cánh nhà báo ngạc nhiên và vô cùng ngưỡng mộ trước phong thái của bà Bình. Nhiều nhà báo đeo bám, tranh nhau để tìm cách ghi được những tấm hình đặc biệt của “đoàn Việt cộng”, nhất là hình ảnh Madam Bình.

Hôm sau, tất cả báo chí Pháp và báo của các nước đều chạy tít lớn trên trang nhất nhiều tin tức cùng bài viết về Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và hình ảnh bà Bình đến tham dự Hội đàm Paris: “Đại diện của Việt cộng đã đến Paris”, cùng những lời bình luận, nhận xét đầy tự hào… Nữ nhà báo người Pháp Madeleine Riffau viết: “Việt cộng đã thắng lớn qua cuộc đón tiếp Madam Bình ở Paris”; “Madam Bình như một bà hoàng được đón như một Quốc trưởng với đủ nghi thức chính quy, lại được hoan nghênh nhiệt liệt”; “Madam Bình đã làm chấn động dư luận Paris và thế giới. Cờ Mặt trận đã tung bay ở Paris! Rất tuyệt! Thật hiếm có”(Trần Công Tấn (2004), Hà Văn Lâu – người đi từ bến làng Sình, Nxb Phụ nữ, tr.479).

Bà Bình ngày càng gây sự chú ý cho cánh báo giới khi tham gia các cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn, tham dự các hội nghị quốc tế với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao – Trưởng đoàn đàm phán Paris của Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong suốt quá trình tham dự Hội nghị, ngoài những cuộc đàm phán, tranh luận nảy lửa trên bàn hội nghị, trong các phòng họp báo quốc tế có tới hàng trăm nhà báo của nhiều hãng thông tấn, truyền hình quốc tế đều bị bà cuốn hút bằng phong thái, lời lẽ súc tích, linh hoạt và đầy sức thuyết phục; bà còn tranh thủ đi khắp các châu lục để tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp đấu tranh vì chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam, chuẩn bị thông tin để đưa ra những đòn tấn công ngoại giao sắc bén cho cuộc đàm phán sắp tới... 

Dù rất căng thẳng, hồi hộp, nhưng lúc nào bà cũng cười thật tươi, nói năng từ tốn, nhẹ nhàng với ngôn ngữ tiếng Pháp đầy lưu loát và cuốn hút người nghe. Hãng AFP mô tả: “Madam Bình mặc áo dài truyền thống của Việt Nam bằng lụa vân màu xanh lá cây, trông rất thoải mái. Đôi lúc Madam Bình nở nụ cười làm khuôn mặt càng rạng rỡ, trả lời các nhà báo rõ ràng, khúc chiết, làm cho người ta có cảm giác đứng trước một quý bà đầy bản lĩnh, đầy tự tin” (Theo Nguyễn Cúc, Nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình – người phụ nữ Việt Nam nổi tiếng thế kỷ 20, Tạp chí Doanh nghiệp, tháng 1/2022).

Hình ảnh lịch thiệp và đầy kiêu hãnh của nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị Paris 50 năm trước phản ánh tâm thế và khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, cùng thiện chí hữu nghị - hợp tác của Nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần quan trọng vào sự thành công và thắng lợi của Hiệp định Paris – một sự kiện ngoại giao có một không hai trên thế giới.

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển

Chiều 28/11, tại tỉnh Xê Kông, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Xê Kông, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào tổ chức Hội đàm lần thứ XVIII năm 2024 với Đoàn đại biểu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) 3 tỉnh: Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển
Hội đàm phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mùa khô 2024 - 2025 tại Lào

Ngày 24/10, tại tỉnh Salavan (Lào), đoàn Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Thừa Thiên Huế do Đại tá Lê Huy Nghĩa, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh dẫn đầu tiến hành Hội đàm với Ban Công tác đặc biệt tỉnh Salavan về việc phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS) mùa khô 2024 - 2025. Thiếu tướng Phu Văn Phim Ma Chăn, Chỉ huy trưởng Chính trị, Trưởng Ban Công tác đặc biệt tỉnh Salavan tiếp và làm việc cùng đoàn.

Hội đàm phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mùa khô 2024 - 2025 tại Lào

TIN MỚI

Return to top