ClockThứ Sáu, 09/12/2016 14:01

Người về lại bến làng Sình

TTH - LTS: Ngày 6/12/2016, tại TP. Hồ Chí Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Đại tá Hà Văn Lâu (quê ở làng Sình - Lại Tân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) đã qua đời, thọ 98 tuổi. Nhân dịp này, Báo Thừa Thiên Huế trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Người về lại bến làng Sình” của tác giả Trần Công Tấn, như là một nén tâm nhang cho người con của quê hương đã ra đi.

Ông bà Hà Văn Lâu đến thăm gia đình đồng đội Trần Công Tấn

Nhớ lại những ngày đánh Pháp gian khổ ở mặt trận Bình Trị Thiên, tôi không thể nào quên được những kỷ niệm với ông Hà Văn Lâu - vị chỉ huy đầu tiên của tôi.

Sau gần hai tháng ta vây hãm quân Pháp tại Huế, đầu tháng 2/1947, hàng ngàn quân Pháp từ Đà Nẵng kéo ra, từ ngoài cửa biển Thuận An đánh vào, từ máy bay nhảy dù xuống giải vây cho đồng bọn và ào ạt tấn công. Quân ta đã ít, vũ khí lại thô sơ, không thể cản được giặc dài ngày, mặt trận Huế vỡ.

Lúc này, tôi làm liên lạc nên chạy từ pháo đài của Tư lệnh Mặt trận Hà Văn Lâu mang tin đến Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh. Rồi từ chỗ ông Thanh mang mệnh lệnh của Đảng về vị trí chiến đấu của ông Lâu.

Quân và dân Huế đã vô cùng anh dũng chống lại giặc suốt mấy ngày đêm liền cho đến lúc bị giặc vây, ta phải rút lui.

Tôi nhớ khi cầm tờ lệnh của ông Nguyễn Chí Thanh trở lại, thấy ông Hà Văn Lâu đứng bên khẩu đại bác bị đạn pháo địch đánh trúng vỡ toác đầu nòng. Mở tờ giấy tôi trao, ông Hà Văn Lâu đọc nhanh rồi gọi một anh bảo vệ đến dặn đưa tôi về nơi đội trinh sát của trung đoàn giấu ngựa. Giữa lúc bom rơi đạn nổ, ông Lâu nói to: “Em đi lấy ngựa và cùng đội rút lên chiến khu trước đi”. Ông ôm chầm lấy tôi rồi đẩy vào lưng như ra lệnh phải chấp hành ngay. Tôi vội chạy theo anh bảo vệ. Sau đó chúng tôi, gồm các chiến sĩ liên lạc gom lại, được bảy cặp người - ngựa vừa đánh giặc, vừa phóng lên rừng.

Đến chiến khu Hòa Mỹ (Phong Điền) đã mấy ngày, chờ mãi vẫn không thấy ông Nguyễn Chí Thanh và ông Hà Văn Lâu đâu. Trên rừng nhìn về cửa biển Thuận An thấy tàu chiến Tourville và Brezze của Pháp vẫn bắn đại bác vào thành phố Huế. Tiếng bom, đạn ầm ầm và mịt mù đầy trời.

Anh em bộ đội một số thoát vây chạy lên Hòa Mỹ kể lại, ông Nguyễn Chí Thanh đưa toàn bộ cán bộ Thường vụ Tỉnh ủy về bám sát dân ở đồng bằng Quảng Điền. Trung đoàn Trần Cao Vân và tự vệ thành phố hầu như tan rã. Số thì chạy ra phía bắc, một số chạy theo dân. Ông Hà Văn Lâu cùng Phó Chủ tịch tỉnh Hoàng Anh đứng đầu cầu An Lỗ chặn bộ đội lại và chỉ dẫn họ rẽ vào Hiền Sĩ để tìm đường lên chiến khu.

Biết không còn cách nào ngăn được địch, ông Hà Văn Lâu và Hoàng Anh cho phá sập cầu Phú Ốc và Hiền Sĩ rồi chia tay nhau. Ông Hà Văn Lâu đi kêu gọi tập hợp lại bộ đội trên chiến khu. Ông Hoàng Anh thay mặt Thường vụ Tỉnh ủy đi nắm lại các cơ sở Đảng ở các huyện. Chỉ một tuần sau, ông Hoàng Anh đã lo xong đường dây liên lạc từ đồng bằng lên chiến khu. Còn ông Lâu, với uy tín và tình cảm thương yêu chiến sĩ, đã tập hợp về chiến khu được gần hai tiểu đoàn.

Mùa đông năm ấy chiến khu Hòa Mỹ thật ảm đạm. Mưa rừng, sên vắt, thú dữ và bệnh tật xảy ra khắp các đơn vị, cơ quan. Người tập trung về chiến khu đông, lương thực cạn kiệt, đói quá phải đi đào củ mài, bẻ măng hái rau rừng về ăn thay cơm.

Trong lúc cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, ác liệt, một mất một còn với giặc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh đã mở hội nghị tại làng Nam Dương, kêu gọi toàn Đảng bộ và Nhân dân đứng dậy chống giặc xâm lược, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Sau khi đọc thư Bác Hồ gửi vào động viên và nhắc nhở rằng: “Mới đầu địch còn mạnh, nó đến đâu cũng giết hại tàn phá đến đó. Ta không nên hoang mang, phải nhẫn nại và kháng chiến, đánh du kích tiêu diệt nó dần dần để đi đến thắng lợi cuối cùng”...

Sau hội nghị Nam Dương, hai ông Nguyễn Chí Thanh và Hà Văn Lâu về bám các cơ sở cách mạng, các đơn vị bộ đội và du kích. Giặc ráo riết truy tìm hai ông. Có lần giặc vây, cả hai ông phải nhảy xuống ao sâu, phủ bèo lên đầu để tránh giặc. Từ sau đó, những trận đánh mới tiếp tục nổ ra, địch phải co cụm lại.

Hai năm sau, ta đã thành lập Mặt trận của ba tỉnh Bình Trị Thiên. Ông Nguyễn Chí Thanh trở thành Bí thư Khu ủy, ông Hà Văn Lâu là Chỉ huy trưởng của Mặt trận. Ông Nguyễn Chí Thanh được Nhân dân gọi là:” Vị cứu tinh của Bình Trị Thiên” và ông Hà Văn Lâu là “Nhà quân sự tài năng”, được ra Việt Bắc báo cáo chiến công với Bác Hồ.

Cuộc kháng chiến ngày càng thắng lợi. Ông Nguyễn Chí Thanh trở thành Bí thư Khu ủy Liên khu 4, lãnh đạo cả 6 tỉnh Bắc miền Trung. Năm 1950, Trung ương và Bác Hồ điều động ông ra Việt Bắc, làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 5/1951, Tư lệnh Mặt trận Bình Trị Thiên Hà Văn Lâu bàn giao lại nhiệm vụ cho Chính ủy Trần Quý Hai để ra Việt Bắc làm Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng.

Khi ông Hà Văn Lâu ra Việt Bắc làm Cục trưởng Cục Tác chiến phục vụ Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ huy một số chiến dịch lớn cho đến Điện Biên Phủ chiến thắng, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông được phong quân hàm đại tá, làm Trưởng phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ giữa ta và Pháp. Tiếp sau đó, ông được chuyển sang ngành ngoại giao tham gia các hòa đàm với Pháp và Mỹ ở Giơ-ne-vơ về Việt Nam, Lào và dự hòa đàm ở Paris với Mỹ, góp phần mang lại hòa bình cho toàn cõi Đông Dương. Thắng giặc rồi, ông được cử làm Đại diện Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc, rồi làm đại sứ tại các nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, Cu Ba… Hết làm đại sứ ông được điều về nước làm Chủ nhiệm Ủy ban người Việt ở nước ngoài và là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho đến năm 72 tuổi, xin về hưu để chăm sóc bà Diệu Hương - vợ ông đang ốm nặng.

Năm 1997, để hưởng ứng cuộc vận động viết hồi ký của các tướng lĩnh trong quân đội, tôi được phân công đi viết về Thượng tướng Trần Sâm. Khi tiếp xúc với ông Trần Sâm, ông hỏi đã có ai viết về ông Lâu chưa, rồi ông nói: “Người ta bảo Bình Trị Thiên có đến hàng chục tướng lĩnh. Cứ quân hàm cao nhất thì chọn viết trước. Anh Hà Văn Lâu chỉ là đại tá thôi. Nhưng anh Lâu chưa viết hồi ký, thì tụi tôi đều là lính dưới quyền anh trong kháng chiến, chưa ai dám viết trước anh Lâu đâu”. Tôi về trình bày lại với Ban liên lạc Cựu chiến binh Mặt trận Bình Trị Thiên, mọi người đều đề nghị và thuyết phục mãi, ông Lâu nên viết trước. Gặp tôi, ông Lâu lúng túng nói không biết viết hồi ký như thế nào. Tôi đề nghị ông cứ kể chuyện cuộc đời theo biên niên lịch sử, cho tôi viết lại. Ông ngẫm nghĩ hồi lâu rồi hỏi có cách nào viết  mà ông không phải xưng “ tôi “ để kể. Tôi nói nếu theo yêu cầu của ông thì tôi viết dạng tiểu thuyết tư liệu sự kiện. Ông đồng ý. Trong lúc ông đang vui, tôi nói: “Mọi người đều kêu anh mang quân hàm đại tá lâu đến hơn 20 năm”. Ông cười nói vui:  “Bởi cái tên tôi là Lâu mà “.  Rồi giọng ông nghiêm túc nói thêm: “Mình là đảng viên, Đảng giao chức gì thì trước hết phải lo làm tròn nhiệm vụ ”. Nhưng ông  thêm: “Lúc đó đại diện của Pháp ở Ban Liên lạc là một thiếu tướng, đảng ta chỉ cần một đại tá tiếp xúc hàng ngày với họ là đủ” …

Có lần tôi đến thăm bà Diệu Hương, thấy ông ngồi cầm tay bà giọng rất buồn, bảo lần này chắc bà không qua khỏi. Nếu bà “đi” trước, thì sẽ đưa bà về bến làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) và khi nào ông “nhắm mắt”, ông cũng xin về nằm bên cạnh mộ bà...

Người đi từ bến làng Sình để cứu nước. Nay tuổi già, ông muốn về lại bến làng Sình để an nghỉ...

TP. Hồ Chí Minh đêm 6/12/2016

Trần Công Tấn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cuộc “hành quân” cuối cùng của Đại tá Tôn Nữ Ngọc Toản

Sinh năm 1930 tại làng Lại Thế (ngoại vi TP. Huế), sống thọ đến 95 tuổi như chị Ngọc Toản là rất hiếm. Do hai gia đình vốn có chút thân quen, tôi xin được gọi người phụ nữ đặc biệt này là “Chị” như mỗi lần “chị-em” gặp nhau trước đây; chứ lẽ ra phải kèm thêm các chức vị: Đại tá – Giáo Sư – Bác sĩ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Sản Bệnh viện Quân đội 108… Và còn “chức” cũng “đặc biệt”: Chị là phu nhân của Trung tướng Cao Văn Khánh (1917 - 1980), nguyên Phó Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cuộc “hành quân” cuối cùng của Đại tá Tôn Nữ Ngọc Toản

TIN MỚI

Return to top