ClockThứ Ba, 27/08/2019 08:59

Lãi suất rục rịch tăng

TTH - Hôm qua, nhân viên một ngân hàng nằm trên đường Lý Thường Kiệt (TP. Huế) điện cho khách hàng chào giá - tiền gửi kỳ hạn 6 tháng được hưởng lãi suất 8% năm, cao hơn trước rất nhiều. Nhìn quanh mặt bằng lãi suất ở nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đều có sự điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng lên.

VPI huy động thành công 800 tỷ đồng Trái phiếu Doanh nghiệpLãi suất cho vay mua nhà ở xã hội 5%Ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất tiền gửi sau Tết Nguyên đán

Lãi suất huy động tiền gửi tăng nói lên điều gì?

Thường, lãi suất huy động tăng là biểu hiện sự “căng thẳng" thanh khoản của ngân hàng. Ngân hàng tăng lãi suất một mặt, với mục đích hút tiền về ngân hàng. Mặt khác giữ cho dòng tiền gửi khỏi dịch chuyển qua ngân hàng khác hoặc là một số kênh đầu tư khác.

Lãi suất huy động tăng làm cho người gửi tiền vui mừng nhưng đồng thời là sự lo lắng cho người vay, đặc biệt là doanh nghiệp. Ngân hàng là khâu trung gian kết nối giữa người thừa tiền và người cần tiền - cũng là người đi vay để cho vay. Họ vay tiền giá cao, có thể nó không tác động tức thì đến chiều cho vay ngay, nhưng nếu tình trạng này (huy động vốn giá cao) kéo dài, đến một lúc nào đó sẽ tác động lên lãi suất cho vay theo hướng tăng lên.

Lãi suất vay cao có thể tác động không nhiều đến các món vay tiêu dùng. Vì nếu cao quá người tiêu dùng sẽ không vay hoặc trì hoãn món vay nhưng với doanh nghiệp, phần lớn là không thể. Vì họ phải duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ khách hàng (thị trường), nuôi quân… Doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và của Huế nói riêng khi sản xuất kinh doanh phụ thuộc một phần rất lớn vào tiền vay ngân hàng, đặc biệt là nguồn vốn lưu động. Lãi vay tăng sẽ ảnh hưởng ngay đến hoạt động sản xuất kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Chúng ta đều biết, so với nhiều nước trong khu vực, mức lãi vay của Việt Nam thuộc vào hàng cao nhất. Vì vậy, một trong những nỗi lo của doanh nghiệp là những biến động của lãi suất theo chiều hướng bất lợi.

Lãi suất huy động tăng còn ảnh hưởng đến điều gì nữa? Nó ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nghĩa là mức độ trượt giá của đồng tiền nhiều hơn. Ví dụ như trước đây mười đồng chúng ta có thể mua được ba quả trứng thì nay chừng ấy tiền chỉ mua được ít hơn con số ấy. Chính phủ thường rất hết sức quan tâm đến điều này bởi nó ảnh hưởng đến đời sống của phần lớn người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Chính vì vậy, giữ cho mức giá ổn định hoặc tăng rất ít là một nhiệm vụ chính trong chính sách điều hành tiền tệ.

Điều đáng mừng là chỉ số CPI của Việt Nam tăng thấp. Trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng ở mức 2,64%, phần lớn các tháng đều có mức tăng dưới 0,5%, có những tháng rất thấp như tháng 6 tăng chỉ 0,09%. Nhiều chuyên gia dự báo, cả năm 2019, CPI chỉ tăng ở mức từ 3,3-3,9%.

Thanh Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top