ClockThứ Ba, 13/11/2018 13:37

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Tăng cường phòng ngừa tội phạm

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 13/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2018.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận về công tác tư phápLuật Thi hành án hình sự cần thống nhất trong hệ thống pháp luậtQuốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Nguồn: TTXVN

* Xử lý nghiêm nhiều cán bộ có hành vi phạm tội

Cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; giải quyết những điểm nóng về an ninh, trật tự; xử lý nghiêm nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao có hành vi phạm tội, tiếp tay, bao che cho các đối tượng phạm tội… Nhìn chung, các biện pháp phòng ngừa được triển khai đồng bộ đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; một số loại tội phạm giảm sâu so với năm trước.

Mặc dù tội phạm được kiềm chế trên nhiều lĩnh vực, nhưng lại gia tăng về số người chết do hậu quả các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc lĩnh vực xâm phạm trật tự xã hội. Một số loại tội phạm tăng như: tội phạm cướp tài sản tăng 5,1%, tội phạm giết người tăng 3,9%, trong đó có một số vụ án giết nhiều người với thủ đoạn dã man, tàn bạo gây bức xúc, lo lắng trong xã hội.

Công tác quản lý cán bộ trong lực lượng phòng, chống tội phạm vẫn còn sơ hở, đã xảy ra một số vụ án có sự tham gia của một số sỹ quan cấp cao trong lực lượng Công an. Một số đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và sơ hở trong quy trình tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2018, gây bất bình trong xã hội, làm mất lòng tin của người dân, nhất là học sinh về sự công bằng, nghiêm minh, khách quan của kỳ thi.

Các loại ma túy mới liên tục xuất hiện, trong đó có nhiều loại mạnh, cực độc gây tác hại nghiêm trọng. Việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần đến nay vẫn chưa có giải pháp để khắc phục triệt để và đang có dấu hiệu diễn biến trầm trọng hơn. Tình trạng mua bán người vẫn tồn tại ở cả 63 tỉnh, thành phố, trong đó nhiều nạn nhân là phụ nữ và trẻ em ở các vùng miền núi…

Năm 2018, công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Số vụ án tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ được phát hiện tăng 32,23% số vụ, 13,23% số bị can. Tuy nhiên, nhóm tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (51,79%), song tỷ lệ phát hiện chưa nhiều. Việc xử lý tội phạm về chức vụ, tham nhũng được tăng cường, nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, nhất là hiếp dâm trẻ em mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo điều tra, xử lý, nhưng vẫn tiếp tục xảy ra một số vụ án nghiêm trọng…

* Đẩy nhanh tiến độ giải quyết án tham nhũng

Về kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2018, qua thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cho rằng, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân các cấp tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Công tác xét phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn được thực hiện cơ bản đúng pháp luật. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh đạt 99,9%. Công tác giải quyết án tham nhũng được Viện kiểm sát nhân dân chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực, đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Tuy nhiên, một số Viện kiểm sát nhân dân chưa kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác về tội phạm, dẫn tới còn để 3.368 tố giác vi phạm thời hạn giải quyết, tăng 193%. Chất lượng giải quyết một số vụ án chưa đáp ứng yêu cầu; còn 24 bị can bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố, có trách nhiệm của Viện Kiểm sát. Đáng lưu ý, số vụ án Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, sau đó phân công cho Viện kiểm sát nhân dân địa phương thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm bị Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung chiếm tới 39,2%. Đây đều là những vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm, cho thấy chất lượng điều tra và kiểm sát điều tra ở cấp trung ương chưa được cải thiện. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao khẩn trương khắc phục hạn chế này.

Thực hiện yêu cầu nhiệm vụ, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Trách nhiệm công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa tiếp tục được nâng lên. Tuy nhiên, chất lượng tranh tụng của một số kiểm sát viên tại phiên tòa chưa thuyết phục, chưa đạt yêu cầu. Nhiều Viện Kiểm sát nhân dân chưa thực hiện tốt trách nhiệm kiểm sát, chưa kịp thời phát hiện vi phạm để kháng nghị phúc thẩm.

Năm 2018, số lượng tố giác, tin báo về tội phạm thụ lý điều tra tăng 20,9% và giải quyết tăng 17,3%; trong đó phát hiện, khởi tố mới tăng 39,3%. Song có thực tế là tỷ lệ giải quyết tin báo về tội phạm là 85,1%, chưa đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết 37 của Quốc hội. Số vụ việc đã kết thúc điều tra trong kỳ báo cáo chỉ có 35 vụ, giảm 14,1% là chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp hiện nay.

Chất lượng công tác kiểm sát thi hành án hình sự năm 2018 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đã kịp thời yêu cầu trả tự do cho 4 người bị tạm giam trái pháp luật. Trong hoạt động kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, một số Viện kiểm sát nhân dân địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm do pháp luật giao trong công tác kiểm sát thi hành án. Vẫn tồn tại tình trạng kiểm sát viên còn nể nang, ngại va chạm với chính quyền địa phương nên nhiều trường hợp chậm thi hành án hành chính, thậm chí có những tỉnh, thành phố, số lượng bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật tồn đọng lớn nhưng Viện kiểm sát cũng không ban hành bất cứ yêu cầu, kiến nghị nào về thi hành án.

* Tạo điều kiện cho nhân dân giám sát thực hiện các bản án

Qua thẩm tra Báo cáo của Chánh án tòa án nhân dân Tối cao về công tác của ngành Tòa án nhân dân, Ủy ban Tư pháp cơ bản nhất trí với đánh giá của Tòa án nhân dân Tối cao về những kết quả đạt được. Năm 2018, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa được nâng lên. Hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc cho các bị cáo hưởng án treo và áp dụng tình tiết giảm nhẹ bảo đảm đúng pháp luật. Đặc biệt, Tòa án nhân dân Tối cao đã tiến hành công khai các bản án trên Cổng thông tin điện tử, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát, qua đó buộc mỗi thẩm phán phải đề cao hơn nữa trách nhiệm của mình.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp Tòa án tuyên mức án chưa tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội; 86 trường hợp phải hủy án, 149 trường hợp phải sửa án; còn 117 trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định, thậm chí có trường hợp tuyên án treo gây bất bình trong dư luận như vụ Nguyễn Khắc Thủy phạm tội dâm ô với trẻ em xảy ra tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Năm 2018, số lượng các vụ, việc dân sự được Tòa án nhân dân các cấp thụ lý tăng 50.907 vụ. Công tác hòa giải được chú trọng, tỷ lệ hòa giải thành các vụ án dân sự tăng. Số vụ án để quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan giảm mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn 81 bản án tuyên không rõ, khó thi hành; tồn tại một số vi phạm về tố tụng liên quan đến thụ lý đơn khởi kiện; xác định tư cách người tham gia tố tụng; thu thập, đánh giá chứng cứ; tính án phí, lệ phí. Tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện kiểm sát nhân dân được Tòa án chấp nhận tăng 3,9%.

Về công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà các Tòa án phải giải quyết năm 2018 là 16.107 đơn/vụ. Ủy ban Tư pháp cho rằng, Tòa án nhân dân Tối cao đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, qua đó nâng cao chất lượng và tỷ lệ giải quyết đơn so với năm 2017. Kết quả, đã giải quyết được 6.408 đơn. Chất lượng trả lời đơn và kháng nghị được bảo đảm; người có thẩm quyền đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 616 vụ, các kháng nghị đã đưa ra xem xét hầu hết đều được Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận.

* Quyết liệt thực hiện các giải pháp ngăn chặn tội phạm

Tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được trong công tác thi hành án dân sự năm 2018, Ủy ban Tư pháp đánh giá, Chính phủ đã triển khai và chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ. Mặc dù số vụ việc phải thi hành án tăng cao nhất từ trước đến nay, nhưng đã thi hành xong 80,3% về việc và 38,4% về tiền trong số vụ việc có điều kiện thi hành; số vụ việc khiếu nại, tố cáo được giải quyết đạt 97,1%. Tuy nhiên, số án tồn đọng chuyển kỳ sau vẫn ở mức cao và tăng. Việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án trọng điểm kết quả rất thấp; kết quả thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng vẫn đạt tỷ lệ thấp và giảm. Công tác chuyên môn, nghiệp vụ còn để xảy ra nhiều vi phạm.

Các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện theo dõi 363 bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Kết quả thi hành xong đạt 38,3%. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm 2018, nhưng kết quả công tác thi hành án hành chính chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Đến nay, vẫn còn 151 bản án mà người phải thi hành án là Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân chưa được thi hành xong, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân và có giải pháp quyết liệt nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.

Từ những thực trạng trên, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành chức năng có giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tội phạm ngay trong chính các lực lượng chuyên trách về phòng, chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và củng cố niềm tin của nhân dân. Đặc biệt, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công an, các ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng “bảo kê” cho vi phạm, tội phạm, nhất là tại bến xe, các chợ đầu mối; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các quán bar, vũ trường, lễ hội âm nhạc…, ngăn chặn tình trạng sử dụng ma túy, chất gây nghiện trong giới trẻ.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan liên quan trong việc chấn chỉnh, khắc phục tình trạng vi phạm về chuyên môn, nghiệp vụ kéo dài qua nhiều năm trong công tác thi hành án dân sự, nhất là về xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế, xử lý tài sản; tập trung chỉ đạo thi hành các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm và các vụ án hành chính mà người phải thi hành là Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân. Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao có các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng công tác của ngành, tăng cường hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, bảo đảm các chỉ tiêu được Quốc hội giao.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đón xe buýt về xuôi làm việc

5 giờ sáng, chuông điện thoại vang lên. Anh Nguyễn Mạnh trú tại thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông (cũ) nay là huyện Phú Lộc bật dậy khỏi giường, sửa soạn để về thị trấn Phú Lộc để bắt đầu cho một ngày làm việc mới.

Đón xe buýt về xuôi làm việc

TIN MỚI

Return to top