ClockThứ Sáu, 29/09/2023 21:40

Hệ luỵ của sự “không trùng khớp”

TTH.VN - Cứ ngỡ đã là chuyện xưa cũ, ai dè bây giờ vẫn tồn tại, và mới biết cái chuyện hình thể hiện trạng không khớp giữa thực tế và trên “thẻ đỏ, thẻ hồng” không hề là cá biệt…

Mặt bằng cho dự án trọng điểmĐẩy nhanh tiến độ các công trình chỉnh trang đô thịĐẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm.Chậm tiến độ, nhiều nhà thầu thuộc dự án đô thị xanh bị phê bìnhKhi “cò bay, khách biến” - Bài 1: Ngậm đắng, nuốt cayPhó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh phê bình địa phương chậm bàn giao mặt bằng

 Tiến độ các dự án lệ thuộc một phần lớn vào tiến độ giải phóng mặt bằng

Đã và đang có rất nhiều dự án, nhiều công trình xây dựng cơ bản triển khai bị chậm tiến độ. Có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng này, trong những nguyên nhân đó, được biết có nguyên nhân “bản vẽ hiện trạng thửa đất so với hiện trạng trên giấy chứng nhận đã cấp không trùng khớp”. Điều này khiến cho việc xác nhận của chính quyền cơ sở đối với diện tích thu hồi trong và ngoài giấy chứng nhận không thể thực hiện được. Mà không thực hiện được thì chưa thể đền bù, cũng đồng nghĩa mặt bằng chưa thể giải phóng, bàn giao. Mặt bằng chưa bàn giao thì dự án, công trình phải “đứng”. Tiến độ do vậy chậm, vốn đầu tư công không thể giải ngân, hệ lụy tiếp sau nữa là trượt giá, đội vốn v.v.. 

Nói về “bản vẽ hiện trạng thửa đất so với hiện trạng trên giấy chứng nhận đã cấp không trùng khớp” thì tôi có lẽ là một trong những người thấm thía cái nỗi khổ cực kỳ vô lý vô sự này. Số là mấy anh em trong nhà lo xa chuyện ăn ở sau này nên cùng góp vốn để mua mảnh đất con con miệt Thủy Xuân. Kiểm tra thấy đất thực tế có, thẻ đỏ có, vậy là nộp hồ sơ để đo vẽ phân thửa, ra chính quyền địa phương chứng hợp đồng, ký tên đóng dấu đỏ cái cộp. Xong khâu ấy là an tâm chồng tiền. Bao giờ có đủ điều kiện nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất thì bê toàn bộ hồ sơ đến cơ quan chức năng để tách sổ là hoàn tất.

Cho đến bây giờ, nghĩ đến cảnh chen chúc làm cho được cái "thẻ đỏ" tôi vẫn còn bị ám ảnh 

Nhưng sự đời không đơn giản như thế. Tiền thuế sẵn rồi, hồ sơ cũng sẵn rồi, mang về thành phố nộp vào, đến ngày trả kết quả theo giấy hẹn, thì hồ sơ bị trả lại. Lý do trả thấy ghi đại khái bản vẽ hiện trạng thửa đất so với hiện trạng ở giấy chứng nhận đã cấp không trùng khớp. Mà ở cái thời chưa có “một cửa”, đến đợi cho đến lượt nộp được bộ hồ sơ, rồi lại đợi đến phiên để lấy được cái kết quả là cả một hành trình vô cùng khổ ải. Song, cho dù có khổ ải, muốn được việc thì không cách nào khác là phải chịu “dấn thân”. Và sau khi bị trả lại hồ sơ bởi cái lý do “hiện trạng không trùng khớp” kia, tôi đã nộp đơn đo vẽ lại đến 3 lần, 2 lần “nhờ” Trung tâm Đo đạc địa chính tỉnh, và 1 lần nộp “nhờ” ngay chính đơn vị địa chính thành phố đo vẽ. Và kết quả là… vẫn bị trả lại với cùng lý do cũ(!)

Ôm cả chồng hồ sơ bị trả đi trả lại mà tôi thiếu đường sôi máu: “Thẻ đỏ” cũng nhà nước cấp; hợp đồng mua bán cũng nhà nước chứng; đo vẽ cũng nhà nước cử cán bộ thực hiện. Thế mà cứ bảo không trùng khớp, bị sai biệt, và buộc dân phải đi hiệu chỉnh là hiệu chỉnh thế nào, hiệu chỉnh đến bao giờ?! Đúng là bó tay! Tôi ôm hồ sơ về bỏ tủ khóa lại, thề không thèm làm nữa, tới đâu thì tới. Phải đến 6 năm sau đó, may mắn anh Nguyễn Đăng Chỉnh là chỗ quen biết lên làm lãnh đạo tại Trung tâm Hành chính công thành phố Huế. Nghe chuyện, anh bảo đưa hồ sơ anh xem lại, rồi nhờ anh mà mọi chuyện đã được giải quyết rất nhẹ nhàng. Cảm ơn và rất nhớ anh, người anh thân thương nay đã vội rong chơi nơi thế giới người hiền, chẳng còn vướng bận với những hồ sơ đất đai nhà cửa…

Cứ ngỡ đó đã là chuyện xưa cũ, chuyện xa lắc xa lơ và chỉ là cá biệt do tôi “xui xẻo” sao đó. Ai dè bây giờ vẫn tồn tại, và mới biết cái chuyện hình thể hiện trạng không khớp giữa thực tế và trên “thẻ đỏ, thẻ hồng” không hề là cá biệt. Thế cho nên cái chuyện giải phóng mặt bằng (GPMB) vốn đã nhiêu khê lại càng nhiêu khê gấp bội. Nâng cấp mở rộng một con đường, chỉ cần vướng 1 hộ chưa GPMB được là xem như tắc cả công trình. Huống gì không chỉ 1 mà nhiều trường hợp như thế. Trách gì dự án nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu vốn rất bức thiết, được nhiều người hoan nghênh, ngóng đợi mà mãi đến bây giờ người dân gần như vẫn “chưa thấy gì”. Khả năng cái mốc thời gian 2024 hoàn thành đưa vào sử dụng bị kéo dài là rất cao.

Công trình chậm khổ nhất vẫn là người dân (Ảnh minh họa) 

Chuyện hiện trạng thửa đất với hiện trạng trong giấy sai khác do hệ tọa độ thay đổi có thể không nói, không nói nhưng cơ quan hữu trách cũng rất nên rà soát để chủ động hiệu chỉnh để người dân đỡ khổ và khỏi sinh những hệ lụy về sau. Còn nếu sai khác do chủ quan, do trình độ của cán bộ thực hiện không đảm bảo thì lại là chuyện khác, rất đáng nói, rất cần phải rà soát, xử lý chấn chỉnh. Như trường hợp của chúng tôi ở trên vừa kể, chỉ trong một thời gian ngắn, hệ tọa độ chắc chưa biến động, đo vẽ 3 lần cùng trên 1 thửa đất mà vẫn “sai khác” là điều không thể hiểu nổi và không thể chấp nhận! Chỉ hy vọng đó là chuyện xưa cũ, còn bây giờ tuyệt nhiên không xảy ra tình trạng ấy nữa, rất mong! Mong và hy vọng như vậy, nhưng chợt nhớ trong một lần trò chuyện với một đồng chí lãnh đạo ngành thanh tra, anh cho biết, đang rất muốn mở một đợt thanh tra chuyên đề về công vụ, vì tiếp xúc thực tế, thấy “cán bộ mình yếu quá”. Rất ủng hộ động thái này, thanh tra nếu thấy yếu về nghiệp vụ thì để đánh động cho cán bộ lo mà tu dưỡng học tập, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu công việc; còn “yếu” do cố tình, do thiếu trách nhiệm thì xử lý mạnh tay, thậm chí đưa vào tinh giãn. Cán bộ là cái gốc của vấn đề, và tiến độ của các dự án, các công trình, của giải ngân vốn đầu tư công, của tăng trưởng, phát triển kinh tế- xã hội đều từ đó mà ra cả.

Diên Thống
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thưởng tiền người giao mặt bằng sớm

Sau khi Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định hướng dẫn thi hành có hiệu lực, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhanh chóng tham mưu, dự thảo, lấy ý kiến trình UBND tỉnh ban hành các quy định thuộc thẩm quyền để sớm triển khai tại địa phương.

Thưởng tiền người giao mặt bằng sớm
Tháo nhiều điểm nghẽn trong quản lý đất đai - Bài 1: Tạo đồng thuận trong giải phóng mặt bằng

Cùng thời điểm, Luật Đất đai 2024 và các luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực vào 1/8. Các nhà chuyên môn đánh giá đây là bước đột phá tháo gỡ những rào cản, vướng mắc, chồng chéo các chính sách liên quan trong việc quản lý đất đai để khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Tháo nhiều điểm nghẽn trong quản lý đất đai - Bài 1 Tạo đồng thuận trong giải phóng mặt bằng

TIN MỚI

Return to top