ClockThứ Ba, 25/10/2022 14:50

Cần thiết có hình thức thanh tra đặc biệt để xử lý ngay khi phát hiện sai phạm

Tiếp tục chương trình Kỳ họp, sáng 25/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Cần làm rõ một số quy định trong Luật Phòng chống rửa tiềnNgày 25/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các dự án luậtTận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung QuốcQuy định rõ cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công lậpNgày 24/10, Quốc hội thảo luận nhiều dự án luật quan trọng

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp toàn thể tại nghe hội trường để nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chia sẻ quan điểm bên hành lang kỳ họp, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới cần phải công khai trước kế hoạch thanh tra, tránh chồng chéo, khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời rất cần thiết có một hình thức thanh tra đặc biệt để có thể can thiệp, xử lý ngay lập tức khi phát hiện ra vụ việc sai phạm..

Công khai trước kế hoạch thanh tra, tránh chồng chéo

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) Luật Thanh tra đang được sửa đổi toàn diện và đây là thời điểm để luật hóa các cơ chế, quyết định hành chính của Chính phủ trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Theo đại biểu, năm 2016, Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng có quy định riêng nội dung về thanh tra, kiểm tra, yêu cầu các cơ quan nhà nước khi tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phải theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan. Đồng thời, công khai trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực về quản lý thuế... Tuy nhiên, đây là các chỉ đạo hành chính, không bền vững, không khiến doanh nghiệp an tâm. Theo đại biểu Hiếu, những nội dung này phải được luật hóa và việc sửa đổi Luật Thanh tra là cơ hội để thực hiện yêu cầu này.

Đại biểu phân tích, hoạt động của doanh nghiệp là đa ngành, đa địa bàn, nên sẽ là đối tượng của các cơ quan thanh tra chuyên ngành, trùng lắp, chồng chéo, nếu không có quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, các nguyên tắc thừa nhận kết quả thanh tra của nhau... Theo báo cáo của Chính phủ, có tới 72 cơ quan chuyên ngành có chức năng thanh tra. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hoạt động liên tục, khó có thể hồi tố, còn thanh tra có thời hiệu, nếu không có quy trình, thủ tục rõ ràng, nhất là các nguyên tắc về hồi tố, doanh nghiệp không chỉ bị đối mặt với rủi ro hoạt động kinh doanh đình trệ, mà có thể ảnh hưởng quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư...

Đại biểu Hiếu nhấn mạnh, thanh tra là để thúc đẩy doanh nghiệp thực thi pháp luật, chứ không phải vì mục tiêu bắt sai phạm, nên cần theo nguyên tắc quản lý rủi ro, phù hợp với tính chất, quy mô kinh doanh và tình hình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhất trí với các đại biểu về xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra. Đại biểu cho rằng cụm từ không chồng chéo, trùng lặp, được lặp lại nhiều lần nhưng thực tế cho thấy là tuy không trùng về nội dung, không trùng về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra ảnh hưởng đến điều hành hoạt động của địa phương. Đại biểu Thuý đề nghị, nên quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với mỗi bộ, ngành, địa phương.

Cần thiết có một hình thức thanh tra đặc biệt

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhấn mạnh việc ông quan tâm nhất là vấn đề liên quan đến cải cách thể chế, cụ thể là phương thức hoạt động Luật Thanh tra. Theo đại biểu, cải cách thể chế là nhấn mạnh những yếu tố phân cấp, phân quyền, kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, nhưng vẫn chưa thấy nổi bật trong Luật sửa đổi lần này.

Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, cùng với việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay, số lượng các vụ việc rất nhiều, nếu như việc gì cũng chờ đến Ban Chỉ đạo thì sẽ tồn đọng rất lớn. Vì vậy, cần tăng quyền hạn của cơ quan thanh tra theo hướng được phép xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân dưới một cấp, tương tự như cơ chế vận hành của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

"Thậm chí, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể được quyền xử lý kỷ luật cán bộ sai phạm ở tất cả các cấp, trừ những cán bộ và tổ chức đảng thuộc diện quản lý của cấp có thẩm quyền, như thế công việc mới thông suốt được", đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Đại biểu cũng phân tích: Thanh tra Chính phủ là cơ quan hoạt động theo cơ chế tự kiểm soát quyền lực trong nhánh hành pháp, và tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xử lý ngay những vi phạm trong nội bộ nhánh hành pháp. Việc trao cho cơ quan này những quyền đó và phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng và trước pháp luật là cần thiết để đẩy nhanh việc xử lý vi phạm pháp luật, giúp cho nền tư pháp không còn phải áp lực, xử lý những vụ việc đó nữa. Nghĩa là Thanh tra Chính phủ sẽ xử lý trước một bước, uốn nắn, răn đe, chấn chỉnh kịp thời trong bộ máy hành pháp, làm cho bộ máy hoạt động tích cực hơn.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, Thanh tra Chính phủ hiện nay có Cục phòng, chống tham nhũng hoạt động kém hiệu quả vì chỉ hoạt động như một cơ quan tham mưu cấp Vụ, vai trò không được phát huy. Chính vì vậy, trong bối cảnh toàn Đảng đang đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phải có một chế độ pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn đối với Cục phòng, chống tham nhũng, theo hướng cơ quan này thực hiện chế độ song trùng trực thuộc. Một mặt chịu sự quản lý, điều hành của Tổng Thanh tra Chính phủ, mặt khác chịu sự chỉ đạo và kiểm tra của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó có thể kiểm soát chính trong nội bộ cơ quan thanh tra, tránh lạm dụng quyền lực, đồng thời khi Thủ tướng phát hiện ra những sai phạm sẽ giao trực tiếp cho Cục phòng, chống tham nhũng xem xét.

Đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh, từ năm 1945 khi mới ra đời Nhà nước công nông đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh về tổ chức hoạt động của thanh tra đặc biệt, nhưng hiện nay không có bộ phận này là rất đáng tiếc. "Trong bối cảnh hiện nay khi cuộc chiến chống tham nhũng đang được đẩy mạnh, rất cần thiết có một hình thức thanh tra đặc biệt để có thể can thiệp, xử lý ngay lập tức khi phát hiện ra vụ việc sai phạm, giúp cho bộ máy Đảng, Nhà nước trong sạch sớm hơn", đại biểu Lê Thanh Vân khẳng định.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát hiện vi phạm về kinh tế gần 158 nghìn tỷ đồng và 245 ha đất

Ngày 28/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Thanh tra. Dự và chỉ đạo hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình. Tại điểm cầu Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương; cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Phát hiện vi phạm về kinh tế gần 158 nghìn tỷ đồng và 245 ha đất

TIN MỚI

Return to top