ClockThứ Tư, 17/07/2024 09:53

Bốn nhóm vấn đề được chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khoá VIII

TTH.VN - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh khoá VIII, sáng nay (17/7), HĐND tỉnh tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn xung quanh 4 nhóm vấn đề về quy hoạch; kết quả triển khai, thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh; văn hóa du lịch; an ninh quốc phòng.

Đề xuất giải pháp đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma tuýHội đồng Nhân dân tỉnh thông qua nhiều nghị quyết về đầu tư côngKinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm có nhiều điểm nhấnĐột phá từ các hoạt động của Hội đồng Nhân dân tỉnh

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu điều hành phiên chất vấn. Các thành viên UBND tỉnh trả lời chất vấn; lãnh đạo UBND tỉnh cũng sẽ làm rõ thêm các vấn đề liên quan.

 Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu điều hành phiên chất vấn

09h45

* Ở nhóm vấn đề quy hoạch, mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trần Lưu Quốc Doãn cho rằng, quy hoạch là nội dung quan trọng trong việc triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội cũng như giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân.Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch chung các xã, quy hoạch phân khu các phường, các khu vực dự kiến thành lập phường; công tác lập nhiệm vụ, thẩm định quy hoạch phân khu chức năng để kêu gọi đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các công trình, dự án trên địa bàn toàn tỉnh. Ông Doãn đề nghị UBND tỉnh cho biết giải pháp đẩy mạnh công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch thời gian tới. 

 Đại biểu Trần Lưu Quốc Doãn

10h01

- Trả lời chất vấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trương Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch tổ chức lập quy hoạch (Kế hoạch 51, Kế hoạch 164, Kế hoạch 208), làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí nguồn lực. 

 Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trương Nguyễn Thiện Nhân trả lời chất vấn

Từ năm 2023 trở về trước là giai đoạn Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 chưa được phê duyệt (QHC 108), song tất cả các đô thị đều đã có quy hoạch chung được phê duyệt. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu (QHPK) cho khu vực đô thị trung tâm đạt khoảng 60,1%. Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) chủ yếu được phê duyệt tại khu vực TP. Huế và An Vân Dương; hoàn thành phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng vùng huyện Quảng Điền, vùng huyện Nam Đông; hoàn thành phê duyệt 95/95 xã, đạt 100%. Địa bàn Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, địa bàn khu công nghiệp cơ bản phủ kín QHPK…

Sau khi Quy hoạch tỉnh, QHC 108 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Xây dựng đã tổ chức thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt 23 đồ án QHPK trong giai đoạn 7 tháng đầu năm 2024; đến nay, đã cơ bản hoàn thành phủ kín QHPK các phường hiện hữu và các khu vực dự kiến thành lập phường phục vụ đề án Trung ương (tỷ lệ phủ kín QHPK đạt 100%), 

Hiện nay, đang tổ chức lập các đồ án QHPK xây dựng các khu du lịch để làm cơ sở kêu gọi đầu tư; đang tiếp tục lập các quy hoạch chung đô thị mới Vĩnh Tu, Phú Mỹ, Phú Hồ, Vinh Hưng theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh,...

Về những tồn tại hạn chế, đó là việc hoàn thành QHPK còn chậm so với kế hoạch đề ra. Một số quy hoạch có chất lượng thấp, chưa gắn với nguồn lực thực hiện; tính khả thi của các đồ án quy hoạch được phê duyệt chưa cao. Quá trình tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư liên quan đến một số đồ án quy hoạch còn mang tính hình thức…

Nguyên nhân xuất phát từ việc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành từ lâu, chậm rà soát sửa đổi kịp thời cho phù hợp tình hình thực tế, gây ra nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Khối lượng công việc đang triển khai rất lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách bố trí để thực hiện công tác quy hoạch còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của các đơn vị, địa phương hoặc được bố trí nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ. Đồng thời, nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý quy hoạch ở các phòng, ban thuộc các đơn vị liên quan chưa được bổ sung, tăng cường nên góp phần gây nên sự chậm trễ trong công tác thẩm định, phê duyệt các quy hoạch khác chưa mang tính cấp thiết  

Chất lượng một số đồ án quy hoạch còn thấp do hạn chế về năng lực chủ đầu tư, tư vấn, cán bộ thẩm định; quy trình lập quy hoạch kéo dài. Các chủ đầu tư lập quy hoạch chưa thực sự bám sát các bước triển khai thực hiện, chưa kịp thời báo cáo các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện...

Thời gian đến, các cơ quan liên quan sẽ tổ chức triển khai song song nhiều quy trình  để rút ngắn thời gian thực hiện; tăng cường công khai lấy ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức nghiệm thu, thẩm định bản đồ khảo sát phục vụ lập quy hoạch để nâng cao chất lượng bản đồ hiện trạng; phát huy vai trò công tác phản biện, công tác thanh tra, kiểm tra trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai quy hoạch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số lĩnh vực quy hoạch xây dựng để nâng cao hiệu suất, hiệu quả công việc.  

10h07

* Ở nhóm vấn đề về kết quả triển khai, thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, đại biểu Dương Thị Thu Truyền chất vấn về kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết (NQ) 02/2022/NQ-HĐND ngày 25/01/2022 của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025; NQ số 97/NQ-HĐND ngày 14/10/2021 của HĐND tỉnh về chủ trương đầu tư Dự án Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 – 2025; NQ 05/2019/NQ-HĐND ngày 9/7/2019 của HĐND tỉnh về chính sách phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025; NQ 26/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

 Đại biểu Dương Thị Thu Truyền nêu câu hỏi chất vấn

10h07

- Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thanh thông tin về việc triển khai Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 25/01/2022 của HĐND tỉnh.

 Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh

Triển khai NQ, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện; công bố thủ tục hành chính, phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính nhằm đảm bảo triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ di dời; ban hành Kế hoạch số 321/KH-UBND ngày 30/8/2022 về hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025.

Để có mặt bằng sản xuất phục vụ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 12/01/2022 về đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025; phê duyệt bổ sung các cụm công nghiệp: Điền Lộc 2, Phú Diên, Thủy Phương vào Quy hoạch tổng thể tỉnh Thừa Thiên Huế trong khi Quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt; Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 9/01/2023 về việc phê duyệt điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, và đã phê duyệt thành lập các cụm công nghiệp Bình Thành (quy mô 32 ha), Điền Lộc 2 (quy mô 20,82 ha), điều chỉnh thành lập cụm công nghiệp Điền Lộc (quy mô 27,6 ha) từ nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Mặc dù vậy, do các cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên chưa có mặt bằng để bố trí các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp. Đối với các cụm công nghiệp đã thành lập và đi vào hoạt động do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực cấp huyện làm chủ đầu tư, do chưa thực hiện đúng chức năng đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, trong khi đó theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, thì không có quy định cho các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp thuê đất trực tiếp của nhà nước. Vì vậy, việc thực hiện chính sách di dời chưa đảm bảo theo yêu cầu, tiến độ đề ra do không có mặt bằng để bố trí cho các cơ sở sản xuất di dời vào cụm công nghiệp.

Luật Đất đai năm 2024 (có hiệu lực từ 01/8/2024) có quy định: “Trường hợp cụm công nghiệp được thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành do đơn vị sự nghiệp công lập, UBND cấp huyện, UBND cấp xã làm chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thì thẩm quyền cho thuê đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 123 của Luật này.” Do đó, đối với các cụm công nghiệp do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực cấp huyện làm chủ đầu tư trước ngày có hiệu lực của Luật đất đai năm 2024 (gồm các cụm công nghiệp: Thủy Phương, Tứ Hạ, Hương Hòa, Vinh Hưng), các dự án sản xuất kinh doanh đầu tư vào các cụm công nghiệp này sẽ được nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 123 của Luật Đất đai năm 2024.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả NQ số 02, các huyện, thị xã, TP. Huế  cần có hướng dẫn các cơ sở sản xuất xây dựng phương án di dời, thực hiện di dời vào cụm công nghiệp và xây dựng kinh phí hỗ trợ trong năm 2025 theo quy định; tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, chú trọng đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp đảm bảo theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong đó, khẩn trương xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đảm bảo nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường để có đủ điều kiện phục vụ di dời các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp. Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp (Bình Thành, Điền Lộc, Điền Lộc 2); quan tâm, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc để các dự án này sớm đi vào hoạt động.

10h23

- Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Đại Vui cho biết, ngày 14/10/2021, HĐND tỉnh đã ban hành NQ số 97/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2022-2025, bao gồm 18 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư là 60.100 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 20.000 triệu đồng; nguồn vốn tỉnh hỗ trợ 15.000 triệu đồng; nguồn đối ứng của các HTX: 25.000 triệu đồng.

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Đại Vui 

Đến nay, đã có 4 dự án thành phần được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 12.596 triệu đồng (chiếm 20,95% tổng mức đầu tư).

Tuy nhiên, tỉ lệ dự án thành phần được duyệt hiện còn khá thấp (4/18 chiếm tỉ lệ 22,2%) do gặp một số khó khăn vướng mắc, đó là nhiều hợp tác xã chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vị trí đề xuất xây dựng không phù hợp quy hoạch sử dụng đất do tại thời điểm công tác quản lý đất đai, quy hoạch chưa tốt do vậy ảnh hưởng đến vị trí đề xuất xây dựng nhà kho, sân bãi của các dự án thành phần. 

Một số đơn vị đăng ký quy mô đầu tư chưa phù hợp, năng lực điều hành của hợp tác xã còn hạn chế, các đơn vị chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện hướng dẫn chưa cụ thể trong công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư ban đầu. Một số hợp tác xã đủ điều kiện nộp hồ sơ trình phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật nhưng chưa tiến hành nộp hồ sơ trình phê duyệt dự án theo quy định. Các dự án thành phần gặp vướng mắc về đất đai, quy hoạch, vốn đối ứng, quy mô đầu tư.

Xuất phát từ những khó khăn vướng mắc nêu trên, theo đề xuất của các hợp tác xã và các địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã trực tiếp hướng dẫn UBND cấp huyện, xã, hợp tác xã; Hướng dẫn lập báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư bằng văn bản; Đôn đốc hợp tác xã, UBND cấp xã, UBND cấp huyện khẩn trương lập báo cáo đề xuất chủ trương, …. 

Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các đơn vị thẩm định tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định...

10h28

- Liên quan đến chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Đại Vui thông tin, đến 30/6/2024, tổng nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình dự án, nguồn vốn ngân sách tỉnh, nguồn vốn của địa phương là 64.099 triệu đồng.

Việc hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ cần được quan tâm hơn nữa

Hiện nay, các địa phương đã tổ chức khảo sát các nhà thuộc Đề án được trùng tu và đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án về trùng tu, tôn tạo các nhà vườn, nhà rường cổ nên chưa giải ngân nguồn vốn ngân sách đã bố trí. Theo các địa phương báo cáo, dự kiến đến đầu quý IV/2024 sẽ tổ chức đấu thầu và triển khai thi công tu bổ, tôn tạo các nhà rường.

Đối với các chính sách còn lại, các địa phương đang tổ chức triển khai theo kế hoạch đã ban hành để làm cơ sở giải ngân, thanh toán các nguồn vốn đã bố trí theo quy định.

Thành phố Huế tổ chức triển khai thực hiện 2 đề án: Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” và Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh, thành phố Huế”). 

Huyện Phong Điền tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”. Đề án chủ yếu tập trung thực hiện nhà vườn đặc trưng tại Làng cổ Phước Tích, hỗ trợ trùng tu, tôn tạo tổng thể Làng cổ để tiến tới xây dựng Làng cổ Phước Tích giữ gìn được bản sắc văn hoá nhà rường đặc trưng, làng cổ của Thừa Thiên Huế nói riêng và của quốc gia nói chung; đảm bảo điều kiện để tiến tới công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt. 

Công tác tổ chức xây dựng Đề án của các địa phương mặc dù đã được chuẩn bị cùng với việc xây dựng chính sách trình HĐND tỉnh thông qua; tuy nhiên, do một số chủ nhà vườn, nhà rường có điều chỉnh thay đổi tham gia các khung chính sách nên tiến độ lập, phê duyệt Đề án còn chậm, ảnh hướng đến việc triển khai Đề án.

Ông Vui đề nghị các địa phương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị, phòng ban liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ có liên quan theo Kế hoạch triển khai Đề án do địa phương ban hành để triển khai thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn đã bố trí trong năm 2024; đặc biệt là công tác trùng tu, tôn tạo nhà chính, công tác tôn tạo, phát triển khuôn viên vườn hoàn thành trước mùa mưa bão…

10h32

* Ở nhóm vấn đề về văn hóa du lịch, đại biểu Nguyễn Văn Thạnh nêu câu hỏi về triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2013-2030 (theo Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND 19/7/2013 của HĐND tỉnh); hoạt động văn hóa du lịch, dịch vụ; hạ tầng du lịch, dịch vụ; đánh giá cơ sở lưu trú khách du lịch, phục vụ lưu trú, dịch vụ ăn, uống, nhà hàng; sản phẩm du lịch văn hóa,…

Đại biểu Nguyễn Văn Thạnh chất vấn 

10h35

-  Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, kể từ khi Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND ngày 19/7/2013 về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2013-2030 được triển khai làm cơ sở quan trọng và cần thiết để tỉnh định hướng các mục tiêu cũng như đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh nhà trong thời gian qua. Du lịch tỉnh đã có những tăng trưởng hàng năm đáng ghi nhận, thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập, cơ sở vật chất kỹ thuật và việc làm… đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Thừa Thiên Huế: An toàn, thân thiện và hấp dẫn, đến du khách trong nước và quốc tế. 

 Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc trả lời chất vấn

Hiện nay, du lịch đã và đang được quan tâm định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thừa Thiên Huế nhiều lần được quốc tế ghi nhận nằm trong các Top điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á và khu vực, điểm du lịch có chi phí hợp lý; thành phố Huế đã 3 lần được công nhận là thành phố Du lịch Sạch ASEAN, đang triển khai có hiệu quả dự án Huế- Đô thị giảm nhựa của Việt Nam với nhiều hoạt động gắn với du lịch và hướng đến trở thành Thành phố sáng tạo trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO.

Ngành du lịch - dịch vụ cơ bản đóng góp dao động khoảng 50- xấp xỉ 52% GRDP trong cơ cấu kinh tế của tỉnh trong giai đoạn vừa qua. Tổng lượng khách đến Thừa Thiên Huế trong năm 2019 đạt 4,81 triệu lượt khách (trong đó có 2,186 triệu khách quốc tế). Năm 2024, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế ước đạt khoảng 4 triệu lượt khách, do vậy, đến năm 2025 không thể đạt được chỉ tiêu theo Nghị quyết 10 (8,8 triệu lượt khách). Trong Quy hoạch tỉnh đã phê duyệt vừa qua, đã điều chỉnh lại, đến năm 2030 toàn tỉnh dự kiến đón khoảng hơn 10 triệu lượt khách. Bên cạnh đó, việc thu hút gia tăng lượng khách du lịch cũng phải đảm bảo đáp ứng về cơ sở lưu trú và các dịch vụ bổ trợ tương ứng. 

Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 893 cơ sở lưu trú, với 14.229 phòng và 22.918 giường. Chỉ tiêu này đến năm 2025 cũng không thể đạt được theo Nghị quyết số 10 (đến năm 2025 có 38.100 phòng). Về khách quan, chủ yếu do liên quan đến nhu cầu và khả năng thực tế của nhiều nhà đầu tư đến Huế; do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế - chính trị thế giới và đại dịch COVID-19 trong giai đoạn vừa qua; do năng lực thực tế của một số nhà đầu tư chưa đảm bảo, dẫn đến một số dự án khách sạn chưa thể triển khai được, hoặc phải tạm dừng. 

Về chỉ tiêu việc làm trực tiếp cơ bản đảm bảo gần sát số Nghị quyết đề ra. Về chi tiêu của khách du lịch: chỉ tiêu này chưa đạt được như nghị quyết đề ra. Dự kiến năm 2024, thu từ du lịch ước đạt 8.000 tỷ đồng, dự kiến đóng góp khoảng 10% tổng GRDP toàn tỉnh.

 Du khách quốc tế tham quan Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, TP. Huế)

Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng nền tảng phục vụ cho phát triển kinh tế như hạ tầng giao thông, điện lưới…

 Tỉnh đã triển khai, phối hợp triển khai nhiều công trình, dự án, kế hoạch, quy hoạch để dần hoàn chỉnh hệ thống giao thông đối nội, giao thông đối ngoại, tạo sự kết nối liên hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có phát triển du lịch, như: nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài với công suất 5 triệu hành khách/năm; Cảng nước sâu tự nhiên Chân Mây, đã đưa vào sử dụng 3 bến với cỡ tàu hàng 50-70 ngàn tấn, tàu khách đến 3.500 khách đang mở ra cơ hội lớn cho phát triển ngành dịch vụ vận tải logistic phục vụ vận chuyển hàng hóa và khách du lịch; hệ thống đường ven phá, ven biển cũng đã được quan tâm đầu tư, như QL 49B từ Mỹ Chánh - Quảng Trị đến Phú Lộc, các cầu Hòa Xuân, Tam Giang, Thuận An, Trường Hà, Tư Hiền cũng đã được xây dựng; gần đây nhất tỉnh đã khởi công xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An - điểm nhấn của đô thị biển trong tương lai, cũng là thành phần quan trọng để từng bước hình thành đường ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế... Các công trình giao thông này đang và sẽ góp phần tích cực vào phát triển kinh tế biển, du lịch nghỉ dưỡng, hình thành các đô thị ven biển như Điền Lộc, Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Hiền, Cảnh Dương, Lăng Cô, phát triển lan tỏa, kết nối với các tỉnh trong khu vực.

Tỉnh vẫn nhất quán quan điểm và mục tiêu phát triển theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minhTrong đó bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa một cách hiệu quả để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch bền vững, góp phần tạo bước đột phá phát triển kinh tế địa phương.

Tiếp tục tiếp cận, vận động các nhà đầu tư có sự tham gia của các thương hiệu du lịch lớn vào đầu tư khai thác du lịch, dịch vụ tại địa phương; mở rộng hợp tác với các đối tác chiến lược về du lịch (hãng hàng không, đơn vị lữ hành hàng đầu) và địa phương kết nghĩa có tiềm lực để gia tăng các thị trường khách đến với Huế, mở thêm tuyến bay nội địa, quốc tế mới đến địa phương.

Phát triển ngành du lịch đồng bộ, bền vững, đạt chất lượng cao và thực sự chuyên nghiệp là mục tiêu tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm đạt được. Hy vọng trong thời gian tới, với những giải pháp nêu trên cùng sự chung tay của các ngành, các cấp, sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, du lịch Thừa Thiên Huế sẽ có bước đột phá, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ngành du lịch Thừa Thiên Huế trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực....


10h50

- Đại biểu Nguyễn Văn Thạnh đề nghị Giám đốc Sở Du lịch cho biết thêm về những giải pháp gia tăng thời gian lưu trú?

Ông Nguyễn Văn Phúc cho hay, thời gian qua, Sở Du lịch đã làm việc với các hãng lữ hành, các địa phương lân cận để có những chương trình liên kết, xúc tiến truyền thông giới thiệu sản phẩm du lịch của miền Trung và Huế. Ngoài ra, phát triển một số sản phẩm trải nghiệm như ở sông Hương, trang trại nông nghiệp hay như công nhận một số điểm du lịch vừa trải nghiệm vừa mua sắm…để thu hút du khách lưu trú nhiều hơn, mua sắm và chi tiêu nhiều hơn. Kết nối với các đơn vị lữ hành, xây dựng cập nhật các tour tuyến mua sắm.

10h53

* Liên quan đến nhóm vấn đề về an ninh quốc phòng, đại biểu Nguyễn Anh Dũng-Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đặt câu hỏi, vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết Quy định tiêu chí thành lập và tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các chế độ chính sách hỗ trợ. Ngày 1/7, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đã ra mắt. Đề nghị UBND tỉnh thông tin cho cử tri biết chức năng, nhiệm vụ và những hoạt động chính của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Anh Dũng đặt câu hỏi chất vấn

10h56

- Trả lời chất vấn, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: Ngày 1/7, Thừa Thiên Huế đã ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

  Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Thanh Tuấn trả lời chất vấn 

HĐND tỉnh cũng ban hành nghị quyết liên quan đến lực lượng này. Trên cơ sở này, toàn tỉnh có 1103 tổ bảo vệ an ninh ở cơ sở, đáp ứng các yêu cầu hiện nay.

Chức năng của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (được quy định tại Điều 3 của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trong đó, có 6 nhóm nhiệm vụ chính được quy định từ Điều 7 đến Điều 12 của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, gồm: Hỗ trợ nắm tình hình về ANTT (Điều 7); hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Điều 8); hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Điều 9); hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội (Điều 10); hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở (Điều 11); hỗ trợ tuần tra bảo đảm ANTT, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động (Điều 12).

11h09

- Liên quan đến nội dung chất vấn về tình trạng tội phạm công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp gây thiệt hại cho người dân của đại biểu Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Thanh Tuấn thông tin, theo thống kê, trong năm 2023, tại Việt Nam ghi nhận 16.000 phản ánh của người dân về tình trạng lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại ước tính 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP. 

 Thời gian qua, lực lượng công an đã triệt phá nhiều đối tượng sử dụng mạng viễn thông thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và tàng trữ trái phép

Tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Công an tiếp nhận 400 đơn trình báo bị lừa đảo qua mạng, thiệt hại khoảng 78 tỷ đồng. 

Qua nghiên cứu, các phương thức thủ đoạn phổ biến gồm: Lừa đảo tình cảm sau đó dẫn dụ đầu tư tài chính, làm nhiệm vụ online hoặc gửi tiền, quà có giá trị (chiếm 25%); giả danh công ty tài chính, ngân hàng để hỗ trợ cho vay, nâng hạn mức tín dụng... sau đó yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục (chiếm 19%); mạo danh hoặc chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội sau đó giả mạo người thân, quen nhắn tin, gọi điện vay tiền (chiếm 17,25%); lừa đảo mua bán hàng hóa, dịch vụ (vé máy bay, du lịch...) giá rẻ (chiếm 10,75%); giả danh cơ quan công quyền gọi điện đe dọa yêu cầu chuyển tiền hoặc hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa đảo (chiếm 9,5%); lừa đảo qua hình thức tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử, việc nhẹ lương cao (chiếm 6,25%); một số phương thức lừa đảo khác (chiếm 12,25%).

Đặc biệt, thành phần chính mà tội phạm lừa đảo trực tuyến thường nhắm đến là phụ nữ (chiếm 69%); độ tuổi từ 30 - 55 tuổi (chiếm 44%); nghề nghiêp chủ yếu là công nhân, nông dân (22,66%) và hưu trí (32,61%); đáng chú ý phần lớn người bị hại đều có trình độ học vấn từ THPT trở lên (chiếm 85,26%).

Trước tình hình trên, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, nổi bật là “Đề án xây dựng thế trận An ninh Nhân dân trên không gian mạng” và “Chiến dịch tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng”.

Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Công an toàn tỉnh đã điều tra, làm rõ, xử lý hình sự 25 vụ, bắt giữ 66 đối tượng sử dụng công nghệcao để thực hiện hành vi phạm tội, thu hồi tài sản hơn 4 tỷ đồng, tỷ lệ điều tra khám phá đạt 84% (trong đó, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 10 vụ/8 đối tượng; đánh bạc và tổ chức đánh bạc 14 vụ/57 đối tượng; làm nhục người khác 01 vụ/01 đối tượng).

Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực tuyên truyền phòng ngừa tội phạm bằng nhiều hình thức với độ bao phủ lớn, tuy nhiên vẫn còn một số bộ phận người dân mất cảnh giác bị “mắc bẫy”, kể cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người thân bị lừa bằng những phương thức thủ đoạn không hề mới. Nguyên nhân chính là do: Nhiều nạn nhân “hám lợi”, nhẹ dạ cả tin để đối tượng dụ dỗ, đe dọa; phương thức thủ đoạn phạm tội tinh vi, tận dụng tối đa tiện ích internet, đánh trực tiếp vào nhu cầu người dân; công tác quản lý nhà còn nhiều “lỗ hổng”; một số cơ quan, đơn vị chưa chú trọng công tác tuyên truyền...

Giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm công nghệcao cần nâng cao năng lực lãnh chỉ đạo, gắn trách nhiêm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng ngừa tội phạm. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo 138 các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban Chỉ đạo. 

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến dịch tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng, đẩy mạnh xây dựng Thế trận An ninh nhân dân trên không gian mạng, kết hợp chặt chẽ với Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đảm bảo 100% người dân trên địa bàn nắm được phương thức, thủ đoạn tội phạm công nghệ cao…

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực thanh kiểm tra, giám sát các tài khoản mạng xã hội, trang thông tin điện tử của các tổ chức, cá nhân có hành vi huy động vốn, đầu tư trái phép, quảng cáo mua bán hàng hóa, dịch vụ mua hộ nhằm mục đích lừa đảo để ngăn chặn, xử lý theo quy định; loại bỏ hoàn toàn sim "rác", không để xảy ra tình trạng mua bán sim kích hoạt sẵn; có các biện pháp hữu hiệu quản lý chặt chẽ dữ liệu cá nhân của khách hàng. Tăng cường phòng ngừa, phát hiện hành vi thành lập doanh nghiệp “ma” để mở tài khoản thanh toán nhằm mục đích nhận, chuyển tiền vi phạm pháp luật. Đăc biêt là sau khi quy định về “xác thực bằng sinh trắc học” có hiêu lực (từ ngày 01/7/2024), các đối tượng lừa đảo có xu hướng chuyển từ sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân sang tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp “ma” để lưu thông nguồn tiền…

11h17

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của các nhóm vấn đề được chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là các vấn đề có ảnh hưởng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Ông Lưu cũng ghi nhận, đánh giá cao nội dung trả lời của các thành viên UBND tỉnh; đồng thời đề nghị nhanh chóng thực tiễn hoá các giải pháp vào thực tiễn.

 

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026:
Chất vấn lãnh đạo đầu ngành các vấn đề y tế, nội vụ

Sáng 11/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, HĐND tỉnh tiến hành chất vấn lãnh đạo đầu ngành liên quan đến lĩnh vực y tế, nội vụ.

Chất vấn lãnh đạo đầu ngành các vấn đề y tế, nội vụ

TIN MỚI

Return to top