ClockThứ Sáu, 23/08/2019 09:14

50 năm gìn giữ giấc ngủ cho Người

Gìn giữ lâu dài thi hài và khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là góp phần gìn giữ một di sản vô giá của dân tộc và toàn nhân loại.

Nối dài huyền thoại đường Hồ Chí MinhThủ tướng làm việc với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thấm thoắt đã 50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa và 44 năm khánh thành công trình Lăng Bác. Ngày nối ngày, trên Quảng trường Ba Đình, hàng vạn người dân trong nước và khách quốc tế về đây để được ngắm hình ảnh Bác vừa ung dung, giản dị như mới chợp mắt sau một ngày làm việc.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón 57 triệu lượt nhân dân và khách quốc tế sau 44 năm mở cửa

Viện 69 trực thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài thi hài Bác phục vụ thăm viếng. Suốt 50 năm qua, cán bộ, nhân viên Viện 69 đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kiệt xuất, Anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc, Danh nhân văn hoá của nhân loại đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể nhân dân Việt Nam và bè bạn quốc tế.

Thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chủ tịch.

Nhờ vậy mà đến nay người dân cả nước không chỉ có cơ hội học tập Bác qua các hình ảnh, tài liệu, mà còn có cơ hội được thấy Bác bằng da, bằng thịt, gương mặt, dáng dấp Bác, bộ trang phục giản dị của Bác để từ đó việc học tập Bác càng có thêm thực tế và hiệu quả.

Tổ y tế đặc biệt được thành lập là tiền thân của Viện 69, thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là đơn vị chuyên ngành làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ y tế gìn giữ lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ cho nhiệm vụ thiêng liêng này. 

Cán bộ, nhân viên Viện 69 thử nghiệm một số loại hóa chất để bảo quản thi hài.

Tiến sỹ y khoa, Trung tá Tưởng Phi Vương, Phó trưởng khoa hình thái, Viện 69 cho biết, để giữ được Bác nguyên trạng như lúc sinh thời, công đầu thuộc về các chuyên gia y tế ưu tú nhất của Liên Xô và của Việt Nam trong các năm 1969 – 1970.

“Riêng về ướp bảo quản phục vụ thăm viếng đặc trưng khó hơn nhiều so với công nghệ bảo quản thông thường do phải giữ được nét đặc trưng của Người như lúc sinh thời. Không những giữ mà phải đảm bảo đặc trưng đó nổi bật phục vụ khách thăm viếng. Chuyên gia Liên Xô và chuyên gia y tế của Việt Nam những ngày đầu có công rất lớn. Khó nhất là giai đoạn ướp ban đầu và giai đoạn chỉnh hình để giống như hình ảnh Bác lúc sinh thời là quan trọng nhất”, Trung tá Tưởng Phi Vương nói.

Nói về những ngày đầu tiên thực hiện nhiệm vụ, Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt và thiên tai, chỉ trong 6 năm (1969-1975) thi hài Bác đã phải di chuyển 6 lần qua nhiều nơi, nhưng khắc phục mọi khó khăn, lực lượng gìn giữ thi hài Bác đã phối hợp với các chuyên gia Liên Xô luôn đảm bảo được gìn giữ tốt nhất, thực hiện bằng được quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm chia sẻ: “Nhiệm vụ y tế là một xương sống trong nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh - một công nghệ mà chỉ có Liên Xô trước đây và Nga hiện nay sở hữu. Hiện nay, riêng đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở lăng đã hoàn toàn làm chủ vững chắc nhiệm vụ của mình. Thành công lớn nhất của nhiệm vụ y tế là trong suốt 50 năm qua, trong bất kỳ một điều kiện hoàn cảnh nào chúng ta luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Trong lịch sử 50 năm của Viện 69, giai đoạn cam go nhất là vào những năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ, các chuyên gia rút về nước. Thời điểm đó, trên thế giới, công nghệ giữ gìn thi hài phục vụ thăm viếng là phát minh duy nhất của Liên Xô.

Trước tình huống đó, ta đã đề xuất đàm phán để bạn giúp đào tạo đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên sâu. Cùng với việc tự tìm hiểu, nghiên cứu của cán bộ viện 69, đến năm 2005 phía bạn đã đồng ý pha chế dung dịch tại Việt Nam.

Đại tá, bác sỹ, Tiến sỹ Nguyễn Văn Vận, Viện trưởng Viện 69, cho biết,Viện đã làm chủ công nghệ gìn giữ thi hài Bác với 15 lần pha chế thành công dung dịch và đến đầu năm nay ta đã sản xuất được “bộ quần áo đặc biệt” theo công nghệ của Trung tâm Y sinh Moscow chuyển giao.

“Anh em cán bộ chuyên môn chúng tôi được làm nhiệm vụ y tế, được nhìn thấy Bác, được chăm sóc trực tiếp cho từng sợi râu, sợi tóc của Bác, đến bộ trang phục của Người. Chúng tôi coi đó là một niềm vinh dự, thôi thúc chúng tôi về ý thức trách nhiệm, trong việc thực hiện nhiệm vụ. Việc giáo dục truyền thống của Viện, noi gương các thế hệ đi trước để mà toàn tâm toàn ý với công việc và với công nghệ giữ gìn thi hài hiện nay, chúng ta hoàn toàn tin tưởng thi hài Bác được giữ gìn lâu dài”, Đại tá Nguyễn Văn Vận nói.

Mỗi ngày qua đi, nhiệm vụ gìn giữ thi hài Bác càng có những khó khăn, nhưng càng khó khăn, các cán bộ, bác sỹ, nhân viên của Viện 69 lại càng phát huy tinh thần vượt khó chiếm lĩnh những thành tựu khoa học. Được có cơ hội gắn bó, chăm sóc Bác hàng ngày là niềm tự hào của các cán bộ, chiến sỹ, bác sỹ của Viện 69.

Các thế hệ của Viện 69 Anh hùng luôn làm việc tinh thần trách nhiệm và tích cực nghiên cứu chuyên môn để đáp ứng tốt nhất cho việc chăm sóc, gìn giữ Bác. Hiện nay trên 70% bác sỹ của viện có trình độ chuyên môn là Thạc sỹ, Tiến sỹ.

Thiếu tá Nguyễn Danh Khánh, Tiến sỹ, bác sỹ – Phó Chủ nhiệm khoa Sinh hóa, cho biết: “Từ xưa đến nay, tôi chỉ nghe nói về Bác, nghe kể chuyện về Bác, thấy hình ảnh của Bác qua các thước phim tư liệu thôi. Nhưng khi được tiếp cận Bác, được trực tiếp làm công việc gìn giữ thi hài Bác, thì ý nghĩa lại khác rất nhiều. Tôi thấy thật vinh dự, tự hào. Tôi nguyện góp phần của mình vào sự nghiệp giữ gìn bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho".

Từ quyết định sáng suốt của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và những nỗ lực của từng cá nhân thực hiện nhiệm vụ, sau 44 năm mở cửa Lăng đón khách thăm quan, đến nay đã có 57 triệu lượt nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác.

Với mỗi người dân Việt Nam, vào Lăng viếng Bác là một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán mới, thể hiện tấm lòng tôn kính và đời đời biết ơn công lao to lớn của Người đối với dân tộc.

Gìn giữ lâu dài thi hài và khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là góp phần gìn giữ sự hiện hữu, thiêng liêng, sinh động trong thực tiễn của tư tưởng, đạo đức, sự nghiệp cách mạng của Người, cũng là gìn giữ một di sản vô giá của dân tộc và toàn nhân loại.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Văn hóa, con người Huế là nguồn lực, sức mạnh mềm

Từ những giá trị to lớn, toàn diện và sâu sắc trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và Nhân dân thành phố Huế đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn để đưa thành phố phát triển một cách đồng bộ và toàn diện. Trong đó, vấn đề văn hóa và con người được hết sức coi trọng xem đây là sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển nhanh, bền vững, toàn diện.

Văn hóa, con người Huế là nguồn lực, sức mạnh mềm
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - những giá trị vĩnh hằng

Đây là công trình mà Người đã dành 5 năm cuối đời (từ 1965 đến 1969) để kết tinh với nhiều lần sửa chữa, bổ sung, cho thấy sự tỉ mỉ, chi tiết, cẩn thận và hết sức trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tiền đồ, tương lai của đất nước, dân tộc.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - những giá trị vĩnh hằng
Triển lãm sách "Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh"

Ngày 27/9, theo thông tin từ Hội Xuất bản Việt Nam, Triển lãm sách Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024) sẽ diễn ra trong 2 tuần từ ngày 29/8 đến 14/9/2024 tại thư viện cộng đồng The Wiselands (số 216/1 đường Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) và trực tuyến song song trên nền tảng Book365.vn.

Triển lãm sách Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
50 năm một chặng đường gìn giữ văn hóa dân gian

Thừa Thiên Huế là vùng đất mang dấu ấn của thời di dân mở nước hơn 700 năm. Vì thế, cội nguồn văn hóa hình thành từ sự dung hợp bản sắc văn hóa của cư dân bản địa cùng cư dân Việt từ khắp các vùng miền của đất nước. Văn hóa dân gian luôn gắn liền với đời sống tinh thần của cộng đồng người Huế.

50 năm một chặng đường gìn giữ văn hóa dân gian

TIN MỚI

Return to top