ClockThứ Ba, 12/01/2021 10:47

Rét sâu - nông nghiệp ảnh hưởng, học sinh nghỉ học

TTH - Nhiệt độ xuống thấp ở ngưỡng 11-12 độ C khiến cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và mọi sinh hoạt, công việc, học tập của người dân A Lưới, Nam Đông... bị ảnh hưởng. Dù vậy, các địa phương, ban ngành trên địa bàn đã chủ động thực hiện các biện pháp để chống rét.

Học sinh nghỉ học khi nhiệt độ dưới 10 độ CNguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm mùa rét

Nông nghiệp bị ảnh hưởng

Đêm 10/1, nhiệt độ trung bình giảm xuống ở mức 11 độ C khiến cảm giác rét buốt bao trùm các bản làng của huyện A Lưới. Từ buổi chiều, nhiều gia đình ở A Lưới đã phải đóng kín cửa để hạn chế không khí lạnh và gió lùa vào nhà. Chị Hồ Thị Lan, người dân xã Hồng Bắc (huyện A Lưới) chia sẻ: “Trời rét nhất từ đầu mùa lạnh nên nay nên rất sợ ra đường, mọi công việc đành phải gác lại để bảo đảm sức khỏe”.

Tập huấn cho người dân A Lưới cách bổ sung thức ăn tinh cho gia súc. Ảnh: Hữu Phúc

Huyện A Lưới hiện đang là địa phương có nhiệt độ thấp nhất tỉnh khi những ngày qua nhiệt độ trung bình tại đây thấp hơn các huyện, thị, thành phố khoảng 1 – 3 độ C. Nhiệt độ xuống thấp không chỉ gây thiệt hại trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi mà còn ảnh hưởng đến các sinh hoạt, đời sống thường nhật của người dân. Ông Trần Ngọc Chinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới cho biết, mặc dù người dân đã chủ động phòng chống rét cho gia súc nhưng tính từ đầu mùa lạnh đến nay đã có hơn 380 con trâu, bò, dê trên toàn huyện bị chết, tập trung nhiều ở các xã Đông Sơn, Lâm Đớt, A Roàng. Do thời tiết khắc nghiệt, chưa thể gieo sạ lúa và trồng rau màu.

Tại Nam Đông, tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài cũng làm ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp nói chung, nhất là đàn gia súc, gia cầm nói riêng. Ông Lê Viết Trung, người dân tại xã Hương Lộc chia sẻ, đây là đợt rét đậm, rét hại đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây. Với kinh nghiệm nuôi bò lâu năm, ông Trung đã chủ động che chắn chuồng trại, tích trữ nguồn thức ăn chất lượng giúp đàn bò gia đình chống chọi với cái rét, tránh tình trạng sốc nhiệt dẫn đến tử vong.

Chủ tịch UBND xã Hương Lộc Đoàn Trọng Hậu thông tin, xã liên tục cập nhật tình hình diễn biến thời tiết khí hậu để thông tin kịp thời và thường xuyên đến bà con nhằm có các biện pháp ứng phó, phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi.

Người dân A Lưới quấn bạt giữ ấm cho gia súc. Ảnh: Hữu Phúc

Tương tự, UBND xã Hương Phú cũng triển khai đồng loạt các biện pháp phòng, tránh đói rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Với các diện tích rau màu, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Phú Nguyễn Ngọc Thành cho biết, đã vận động người dân ngưng gieo trồng do nhiệt độ quá thấp, cây trồng không thể sinh trưởng để tránh thiệt hại.

“Hiện người dân trên địa bàn đã chuyển sang sử dụng giống lúa ngắn ngày nên thời điểm rét đậm, rét hại như hiện nay vẫn chưa triển khai vụ đông - xuân. Dự kiến vào cuối tháng 1, khi thời tiết ấm dần lên sẽ bắt đầu gieo mạ để đảm bảo cây lúa được sinh trưởng tốt”, ông Thành thông tin thêm.

Nhiều giải pháp chống rét

Theo ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, lãnh đạo huyện cùng các ban ngành chức năng đã trực tiếp về các xã kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi, kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2020 – 2021. Huyện A Lưới đã chỉ đạo bổ sung nguồn thức ăn cho gia súc tại 5 xã là Hồng Thủy, Hồng Vân, Lâm Đớt, A Roàng, Đông Sơn. Đồng thời, triển khai tập huấn cho người dân cách giữ ấm cho gia súc, che chắn chuồng trại.

Hiện, UBND các xã, thị trấn liên tục cập nhật tình hình diễn biến thời tiết khí hậu; chỉ đạo cán bộ chuyên môn, các tổ chức đoàn thể và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thông tin, hướng dẫn kịp thời và thường xuyên để người chăn nuôi biết, không bị động trong việc ứng phó, phòng, chống. Đồng thời, chủ động bố trí ngân sách của địa phương để phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn gia súc.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông, hiện trên địa bàn huyện có khoảng gần 2.500 con bò, hơn 1.700 con trâu, 8.700 con lợn và hơn 320.000 gia cầm các loại. Trước tình hình thời tiết hiện nay, huyện đã có văn bản đề nghị UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt các biện pháp chống rét và phòng tránh dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Đồng thời, phối hợp tốt với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các biện pháp kỹ thuật để giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản.

Ông Nguyễn Hữu Ánh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông cho biết, nhờ làm tốt ngay từ khâu chuẩn bị, đến nay trên địa bàn chưa ghi nhận thiệt hại nào về chăn nuôi do thời tiết rét đậm, rét hại. Hiện đơn vị tập trung đôn đốc các xã, thị trấn tiếp tục phát động phong trào sửa chữa, gia cố, làm mới chuồng trại, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng thôn. Đối với hộ có chăn nuôi trâu bò, 100% đều làm chuồng trại và có trồng cỏ để dự trữ thức ăn.

Ông Trần Công Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Đông thông tin, đơn vị đã hướng dẫn kỹ thuật cụ thể cho bà con chăn nuôi và chính quyền các xã, thị trấn để chủ động các biện pháp kỹ thuật. Trong đó, chú trọng tiêu độc, khử trùng, dọn dẹp sạch sẽ khu vực chuồng trại và đảm bảo nguồn thức ăn đầy đủ để phòng tránh dịch bệnh.

Học sinh A Lưới nghỉ học từ chiều 11/1 đến ngày 12/1

Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới cho biết: “Sau khi được sự đồng ý của Sở Giáo dục và Đào tạo cùng UBND huyện A Lưới, phòng đã thông báo đến các trường cho học sinh từ bậc mầm non đến THCS nghỉ học tập trung từ chiều 11/1 đến hết ngày 12/1 để đảm bảo sức khỏe. Ngành sẽ theo dõi thời tiết để có phương án đảm bảo dạy học cho học sinh trong thời gian tới”.

Các trường lên phương án đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Ảnh: Huế Thu

Tại Nam Đông, theo ông Lại Quốc Trình, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, đợt rét này không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ học tập của học sinh, vì các em vừa kết thúc thi học kỳ 1. Nếu số lượng học sinh nghỉ học ít, học sinh sẽ được tập hợp để dạy bù, dạy bổ sung sau. Nếu số lượng học sinh nghỉ nhiều, các lớp chỉ ôn tập kiến thức cũ, không vội dạy bài mới.

Ở TP. Huế, dù chưa đến mức phải cho học sinh nghỉ học, song theo ghi nhận của chúng tôi, có khá nhiều phụ huynh cho con nghỉ học (nhất là bậc mầm non, tiểu học) để đảm bảo sức khỏe.

Ông Nguyễn Thế Sinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung (TP. Huế) cho biết: “Trường đã điều chỉnh thời gian học bắt đầu từ 8h và tan học vào lúc 16h30. Toàn trường vắng khoảng 70 học sinh do điều kiện nhà xa phải di chuyển bằng xe máy, xe đạp hoặc học sinh đang có biểu hiện ho, sổ mũi vì thời tiết lạnh kéo dài nhiều ngày qua.

Trước tình hình nhiều học sinh nghỉ học do rét kéo dài, dẫn đến đau ốm, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế chỉ đạo các trường học tạo điều kiện để các em nghỉ học và có kế hoạch dạy bù phù hợp. Các trường cũng lên kế hoạch dạy online để các em theo kịp chương trình.

Theo chỉ đạo của ngành giáo dục và đào tạo, trong những ngày trời rét đậm, căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, các trường có thể điều chỉnh thời gian học sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, nhà trường cần giải quyết kịp thời để học sinh không phải nghỉ học. Các trường vẫn tổ chức dạy và học bình thường, tuy nhiên, phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, kiểm tra và sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú, phòng ăn… đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, ngày 11/1, thời tiết trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa phùn, nhiệt độ tiếp tục giảm 0,7 độ, phổ biến 11 - 13 độ, đến ngày 12/1 bắt đầu ấm dần. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương, trong điều kiện mưa rét đậm như hiện nay cần có các giải pháp phòng chống và giảm thiệt hại cho vật nuôi, cây trồng. Đặc biệt đối với cây lúa cần tập trung chỉ đạo sản xuất gieo cấy, đẩy nhanh tiến độ tiêu úng đảm bảo khung lịch thời vụ; tăng cường các biện pháp để chống rét cho lúa sạ và mạ đã gieo, tăng cường bón phân kali, lân..., giữ mực nước trong ruộng để giữ ấm cho mạ và khuyến cáo nông dân bón vôi bột trước khi làm đất để thau chua rửa phèn, hạn chế nguồn bệnh.

Nhóm PV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xuống đồng

Dù nông nghiệp được cơ giới hóa hỗ trợ như thế nào, thì những ngày xuống đồng làm đất chuẩn bị gieo cấy cho vụ mùa đông xuân của bà con nông dân cũng là “sự kiện” gây thương nhớ nôn nao cho bao người. Với Huế, đó là những ngày người nông dân nhọc nhằn xuống đồng sau thời gian đất nghỉ chờ qua mùa mưa lũ và phần nhiều là trong tiết trời của ngày đông giá lạnh. Dù thế, với bà con, mỗi ngày bám ruộng, bám đồng là một ngày nguyện ước mùa màng bội thu. Những cánh đồng cứ thế mơn mởn lộc non và ngời ngời sức sống trước khi tết Nguyên đán đem năm mới về.

Xuống đồng
Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, an toàn thực phẩm là mục tiêu xuyên suốt của TX. Hương Thủy trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao
Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp

Không ngừng học hỏi và đổi mới cách làm, Ngô Thị Tuyết, cô gái 9X ở xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) đã biến những phụ phẩm nông nghiệp của quê hương thành sản phẩm dầu gội chất lượng.

“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp

TIN MỚI

Return to top