ClockThứ Sáu, 02/12/2016 06:26

Nhà máy xử lý rác thải Thủy Phương: Rác tồn đọng cả ngàn tấn

TTH - Do công suất xử lý rác chỉ bằng 50% so với trước, nên hiện tại, Nhà máy Xử lý rác thải Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa đang ùn ứ cả nghìn tấn rác.

Nước thải từ nhà máy rác, cơ sở sơ chế xung quanh, đổ ra kênh mương ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm môi trường

Nhà máy Xử lý rác thải Thủy Phương (NMXLRTTP) đi vào hoạt động từ năm 2007 với công suất xử lý khoảng 200 tấn rác/ngày, góp phần khá lớn vào việc xử lý hàng trăm tấn chất thải trên địa bàn tỉnh đưa về khu vực này mỗi ngày. Ông Phạm Văn Hiệp, Phó Giám đốc NMXLRTTP cho biết, theo quy trình xử lý của nhà máy, rác thải sinh hoạt trên địa bàn do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (CTCPMT&CTĐTH) thu gom, vận chuyển đưa về nhà máy. Sau khi phun hóa chất diệt ruồi, muỗi, chế phẩm khử mùi, rác được xử lý tách, tuyển, phân loại, tận thu bao nilon các loại, ủ thành phân rác và đốt. Phần còn lại chủ yếu là rác trơ được đổ vào bãi chôn lấp Thủy Phương của CTCPMT&CTĐTH với tỷ lệ nhỏ hơn 10%.

Thời gian gần đây, người dân sống xung quanh khu vực này phải “kêu cứu” bởi tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí, đe dọa sức khỏe. Theo ghi nhận, trong khuôn viên nhà máy còn tồn một lượng lớn rác thải sinh hoạt, không được che chắn hoặc che bạt sơ sài. Rác chất cao vượt cả tường rào, “lộ thiên” ra ngoài. Đây là phần rác còn lại sau quá trình tách, tuyển, phân loại, tận thu bao nilon, sợi hữu cơ được tiêu hủy bằng lò đốt trong quá trình xử lý của nhà máy. Một hộ dân sống ở khu vực tổ 12, phường Thủy Phương cho biết: “Tình trạng ùn ứ rác thải đã diễn ra thời gian dài, rác chất cao 6-7m, vượt khỏi tường nhà máy. Nếu trời mưa thì nước chảy rỉ ra bốc mùi không chịu được. Trời nắng, buổi chiều gia đình tui phải bồng con “di tản” do không chịu được mùi hôi, ruồi nhặng”.

Theo quan sát của chúng tôi, dọc bờ tường rào quanh nhà máy, nhiều điểm rò rỉ nước từ các ống cống nhỏ (phía trên là rác thải ùn ứ). Nước đen ngòm, bốc mùi, chảy thẳng theo tuyến mương đất ra môi trường. Cạnh đó, một cơ sở thu gom rác chủ yếu là bao tải, bao nilon đã qua phân loại cũng “góp phần” gây ô nhiễm khu vực này. Quá trình hoạt động, cơ sở này thải ra một lượng nước thải lớn, chưa qua xử lý, cùng với nước thải từ NMXLRTTP chảy qua Khe Ngang, chảy về Cầu Đôi rồi đổ vào hồ Châu Sơn, trên chiều dài khoảng 1,5km, làm khu vực này ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân.

Sớm lắp đặt lò đốt mới

Phó Giám đốc NMXLRTTP cho biết, hiện nhà máy còn tồn đọng hơn 1.000 tấn rác thải từ quý I năm 2016 đến nay và chưa thể xử lý ngay được. “Do trong quá trình bảo trì, sửa chữa và nâng cấp hệ thống lò đốt, nhà máy đã tiến hành tháo dỡ bớt một lò đốt nên công suất đốt rác đã giảm đi 50% (từ 200 tấn rác/ngày, nay chỉ còn 100 tấn/ngày). Hiện nhà máy đang tiến hành tập trung xây dựng, lắp đặt thêm 2 lò đốt, dự kiến đầu năm 2017 sẽ hoàn thành và đến hết quý II năm 2017, sẽ xử lý hết lượng rác tồn đọng. Về nguyên nhân nước rỉ rác, hiện nay đơn vị đang cho xây dựng hệ thống thu gom nước rỉ rác ở phía cuối tường rào nhà máy nhưng chưa hoàn thiện”, vị phó giám đốc này thừa nhận.

Tại một cuộc họp mới đây, ông Lê Bá Phúc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường thông tin, trong năm 2015 và 2016, nhận được phản ánh của người dân phường Thủy Phương, Sở đã phối hợp UBND thị xã Hương Thủy cùng các cơ quan hữu quan, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, đã tiến hành kiểm tra NMXLRTTP. Đoàn công tác đã lập biên bản và yêu cầu nhà máy thực hiện đúng quy định trong quản lý rác thải sinh hoạt. “Vừa qua, Sở cũng đã phối hợp với UBND TP. Huế, UBND thị xã Hương Thủy, tiến hành làm việc với NMXLRTTP, khảo sát, kiểm tra thực tế và xác định các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước mặt tại khu vực. Qua đó, phát hiện nhiều vị trí dọc tường bao quanh cơ sở có hiện tượng rò rỉ nước, nước rỉ rác chảy ra ngoài môi trường và đã tiến hành lấy mẫu. Đoàn đã lập biên bản và yêu cầu nhà máy có văn bản cam kết, xử lý dứt điểm rác tồn đọng và xử lý đúng các quy định trong việc quản lý rác sinh hoạt”, ông Phúc cho biết thêm.

Hiện, UBND tỉnh đang xây dựng mới khu xử lý chất thải rắn tại xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy), dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động cuối năm 2018. Từ nay đến khi khu xử lý rác liên hợp tại xã Phú Sơn hoàn thành, yêu cầu NMXLRTTP đẩy nhanh tiến độ xây dựng lò đốt để xử lý hoàn tất lượng rác tồn đọng theo đúng cam kết và xử lý triệt để lượng rác mới nhận về.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết, trước yêu cầu sửa chữa, nâng cấp lò đốt đúng tiêu chuẩn nên công suất xử lý rác tại NMXLRTTP tạm thời bị giảm. “Xử lý rác thải hiện đang là vấn đề nhạy cảm. Điều này phụ thuộc vào ngân sách tỉnh, thành phố. Ở các địa phương khác, kinh phí xử lý rác thải gấp 2-3 lần so với tỉnh ta. Do vậy, vấn đề này cần có thời gian cho phía nhà máy hoạt động ổn định lại sau khi có thêm lò đốt mới”, ông Thành nói.

Ngoài ùn cả nghìn tấn rác gây ô nhiễm môi trường, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), tính đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã nợ 29 tháng các loại bảo hiểm của 61 lao động, với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. UBND tỉnh đã giao cho Sở LĐTB&XH phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Baosteel Huế cùng hành trình 10 năm phát triển và đóng góp

Công ty TNHH Baosteel Can Making (Huế Việt Nam) được nhận giấy chứng nhận đầu tư do Ban Quản lý Khu Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cấp (nay là Ban Quản lý Khu Kinh Tế, Công nghiệp TP. Huế) vào ngày 18/6/2015. Nhà máy được đặt tại Lô B-13, Khu công nghiệp (KCN) Phú Bài, phường Phú Bài, TX. Hương Thủy, TP. Huế. Đây là doanh nghiệp có vốn 100% nước ngoài (tổng vốn đầu tư là 84.833.300 USD) với ngành nghề đặc thù - ngành sản xuất lon nhôm duy nhất tại TP. Huế đến nay.

Baosteel Huế cùng hành trình 10 năm phát triển và đóng góp

TIN MỚI

Return to top