ClockThứ Năm, 03/02/2022 20:07

Ngôn luận của những người yêu nước

TTH - Mùa xuân năm 2022 này, tuần báo Nhành Lúa, cơ quan của Đảng bộ tỉnh và Xứ ủy Trung Kỳ tròn 85 tuổi (15/1/1937 - 15/1/2022)…

Báo chí Cách mạng Việt Nam đồng hành cùng dân tộcHình tượng Bác Hồ trên báo chí cách mạng ở miền Nam: 1945 – 1975Khóa học đầu tiên của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam

Vào tháng 9/1936, được tin Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp cử ông Godart, Thanh tra Lao động làm “Đặc sứ” sẽ sang điều tra nguyện vọng của Nhân dân Đông Dương vào đầu năm 1937. Nắm lấy cơ hội này, đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Ủy viên Trung ương Đảng chủ trì, cùng với Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, Lâm Mộng Quang và nhóm những người cộng sản hoạt động công khai, hợp pháp ở Huế tích cực chuẩn bị kế hoạch đón Godart. Để các biện pháp tuyên truyền, vận động cách mạng có hiệu quả, những người cộng sản ở Huế phải có một tờ báo trong tay.

Trước tình hình ấy, Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương đưa người cảm tình làm đơn đứng tên xin phép ra báo tư nhân. Được Xứ ủy Trung Kỳ nhất trí và chỉ đạo, các đồng chí ở Huế (đa số là những cựu tù chính trị vừa được thả ra) thông qua Nguyễn Xuân Lữ, một người của Đảng chưa bị lộ đứng tên xin phép xuất bản tuần báo Nhành Lúa làm vũ khí đấu tranh.

Tuần báo Nhành Lúa do Nguyễn Xuân Lữ đứng tên xin phép và làm chủ nhiệm kiêm quản lý; nhà báo Hải Triều Nguyễn Khoa Văn làm Tổng Thư ký tòa soạn (như Tổng Biên tập ngày nay). Trụ sở đóng tại rue Jules Ferry - nay là đường Lê Lợi, phía đối diện với Khách sạn Hương Giang bây giờ. Nơi đây, ngoài nhiệm vụ đóng trụ sở tòa soạn tuần báo Nhành Lúa, trước đó là cơ sở hoạt động của những người cộng sản, một địa chỉ đỏ của Tỉnh ủy Thừa Thiên, nơi các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Hải Triều, Hải Thanh, Bùi San, Lâm Mộng Quang… thường lui tới hoạt động, bí mật gặp gỡ, trao đổi, định hướng tuyên truyền, bồi dưỡng lý luận cho những thanh niên yêu nước giàu nhiệt huyết cách mạng, đang khao khát tìm đường chống thực dân Pháp và phong kiến nhà Nguyễn. Trong số những thanh niên yêu nước ấy, có các đồng chí Nguyễn Vịnh, Hoàng Anh, Tố Hữu...

Chỉ đạo nội dung và tham gia Ban Biên tập tuần báo Nhành Lúa còn có các nhà cách mạng như: Nguyễn Chí Diểu, Hải Hà, Hải Thanh, Hải Khách, Lâm Mộng Quang, Hàn Tố, Tứ Hải, Trần Viết Châu, Thu Vân, Sư Vân Đàm… Trong đó, có nhiều đồng chí trực tiếp viết bài như Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Hải Thanh (Nguyễn Thượng Hoàng – Nguyễn Biện), Hải Khách (Trần Huy Liệu), Lâm Mộng Quang, Nguyễn Xuân Lữ…

Dù có một số thuận lợi cho các tờ báo có xu hướng chính trị khác nhau, nhưng bấy giờ Huế là Kinh đô của nhà Nguyễn, vua quan Nam triều đang thống trị bên cạnh Tòa Khâm sứ của chính quyền Bảo hộ, thẳng tay đàn áp báo chí có xu hướng cộng sản. Để tránh tai mắt mật thám Pháp và người của Nam triều trước những khó khăn có thể xảy ra ở trên đất Kinh đô, Nhành Lúa được biên tập tại Huế, rồi chuyển ra ấn loát tại Nhà in Đông Tây, số 193 phố Hàng Bông, Hà Nội. Công việc trị sự do một cán bộ của Đảng lo liệu. Khi báo in xong, phần lớn được phát hành tại Hà Nội, một số đưa vào Vinh, Huế và các tỉnh Trung Kỳ. Cũng có số vừa ra (như số mùa xuân - số 6) in 4.000 đã bán hết ngay, bạn đọc yêu cầu cần được mua thêm, Ban Biên tập quyết định in nối bản trên 3.000 tờ tại nhà in ở Vinh để thuận tiện cho việc phát hành.

Nhành Lúa mở nhiều chuyên mục như: Đoản bình, Gặp thi nói, Hỏi…Trả lời, Tin trong tuần, Văn học, Tin về tình hình Liên Xô và thế giới… bàn đủ thứ chuyện. Nhành Lúa không chỉ đăng tin “thời sự” trong địa hạt, mà còn đăng những tin nóng ở các vùng trong nước như đình công ở nhà máy dệt Nam Định, mỏ than Hòn Gai, bãi công, bãi thị ở Hà Nội, Vinh và nhiều nơi khác… Nhành Lúa vừa phản ánh sự thật tội ác của chế độ thực dân, phong kiến, vừa tuyên truyền hô hào quần chúng công, nông, học sinh, trí thức, tiểu thương, phu phen tập hợp lực lượng đi đón Đặc sứ Godart để đưa nguyện vọng đòi các quyền tự do dân chủ cho Nhân dân lao động Đông Dương.

Nguồn kinh phí để ra báo thu từ quảng cáo rao vặt, bán báo và đóng góp của những người thực hiện, Tòa soạn chủ trương nhất quyết không lệ thuộc kinh phí từ các hỗ trợ của chính quyền Bảo hộ và Nam triều. Giá bán mỗi số 4 xu.

Cùng với những người cộng sản, lực lượng dân chủ tiến bộ, quần chúng lao động, Nhành Lúa tuyên truyền, kêu gọi, định hướng các biện pháp quyết liệt chuẩn bị đón Đặc sứ Godart để đưa các bản Dân nguyện của Nhân dân lao động đòi nguyện vọng lên Chính phủ Bình dân Pháp.

Ngay vị trí trang trọng của số 1, ra ngày 15/1/1937, Nhành Lúa đã tuyên bố: “Tờ báo này ra đời không có bài phi lộ” với lý do “Đương buổi báo giới Đông Dương còn bị dưới đạo sắc Varenne ngày 4/10/1927 chi phối, tờ báo này xin miễn viết bài phi lộ”.

Nhành Lúa xác định đây là tuần báo “Xã hội văn chương lấy sự bênh vực anh em nghèo làm tôn chỉ” và phát động quần chúng đoàn kết đấu tranh đòi tự do ngôn luận, tự do lập nghiệp đoàn báo giới, lời hiệu triệu này được công bố ngay số đầu tiên.

Nhành Lúa số 2 ra ngày 22/1/1937, đăng Lời hiệu triệu: “Cùng anh em chị em viết báo Trung Kỳ: Chúng tôi lấy làm hân hạnh mà tin cho các bạn biết rằng chúng tôi đương trù bị một cuộc hội nghị của toàn thể báo giới Trung Kỳ để thảo luận những vấn đề yêu cầu của chúng tôi như: Tự do giáo giới, Lập nghiệp đoàn báo giới…Vậy chúng tôi mong các bạn đồng nghiệp hoặc đương chủ trương một cơ quan ngôn luận hiện hành, hoặc thường ngày gửi bài giúp các báo hãy tán thành công cuộc của chúng tôi… Dưới Lời hiệu triệu này có 16 người đứng tên.

Và mới chỉ ra được 2 số, theo chỉ đạo của Ban Biên tập, Nguyễn Xuân Lữ lấy tư cách chủ báo Nhành Lúa đứng ra tổ chức cuộc họp các nhà viết báo ở Huế tại trụ sở Hội Quảng tri, quai Đông Ba. Cuộc họp đã diễn ra lúc 20 giờ ngày 23/1/1937, để bàn “các vấn đề quan thiết trong làng báo”. Những người làm báo ở Huế đã hưởng ứng và tới dự, cả thảy 28 người, các nhà báo ở Huế, phóng viên các báo Nam - Bắc Kỳ cũng đến tham gia. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Bội Châu, ông Tiêu Diêu Tử tuy không tới được, nhưng có gửi thơ đến tán thành nhiều ý kiến của các nhà báo.

Nhành Lúa số 3 ra ngày 29/1/1937, đã lên tiếng công khai bênh vực những tờ báo trước đó ở Bắc Kỳ: Đông Tây, Tân Xã hội, Đời mới, Khỏe, Tiếng vang, Tiến hóa, Hồn trẻ, Tiến bộ, Phụ nữ Tân văn, Dân quyền, Dân quê, Việt Nam rồi bây giờ đến phiên Hanoi báo và Tiếng trẻ bị chính quyền thực dân đóng cửa.

Nhành Lúa số 4 ra ngày 5/2/1937, kêu gọi quần chúng chuẩn bị lực lượng đi đón Godart thật đông để đưa bản Dân nguyện; công bố Biên bản cuộc Hội nghị Báo giới ở Huế (23/1/1937) để chuẩn bị cho cuộc Hội nghị Báo giới Trung Kỳ.

Nhành Lúa số 5 ra thứ sáu ngày 12/2/1937 (ra ngày 30 Tết cổ truyền) biếu không 5.000 số; nội dung nhắc lại chủ trương của Ban tổ chức vận động quần chúng, chuẩn bị lực lượng và tinh thần đi đón Godart.

Nhành Lúa số 6 ra thứ sáu ngày 19/2/1937, số đặc biệt mùa xuân (in màu măng sét); đánh giá tình hình thế giới năm 1936, dự báo tình hình năm 1937; đăng bài dịch về 19 năm kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở Liên bang Xô viết - in 7.000 số.

Nhành Lúa số 7 ra thứ sáu ngày 26/2/1937. Trọng tâm vẫn là các chương trình hành động đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí - ra lời hưởng ứng đi dần đến Đông Dương Đại hội; tố cáo tội ác của thực dân Pháp…

Nhành Lúa số 8 ra thứ sáu ngày 5/3/1937, số đặc biệt về ông Godart - bối cảnh chủ yếu diễn ra ở Huế, các huyện và các tỉnh lân cận. Công bố về hội nghị Báo giới Trung Kỳ được phép mở tại Huế…

Nhành Lúa số 9, ra thứ sáu ngày 19/3/1937; tiếp tục đấu tranh về vấn đề tự do ngôn luận, về phổ thông đầu phiếu cuộc bầu cử ở toàn xứ Trung Kỳ sắp tới…

Do tính chiến đấu mạnh mẽ của Nhành Lúa thông qua cuộc đón rước Godart vừa qua, nên khi Nhành Lúa số 9 vừa phát hành xong, Toàn quyền Đông Dương và chính quyền Nam triều đã cùng ra lệnh cấm chỉ Nhành Lúa hoạt động.

Dù tờ báo bị cấm, nhưng tòa soạn vẫn hoạt động. Ngày 27/3/1937, tại Đông Pháp lữ quán, số 7 quai Đông Ba, Huế (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng), Hội nghị Báo giới Trung Kỳ vẫn diễn ra như đã định. Nhành Lúa vẫn cử 4 đại biểu (Hải Triều, Hải Thanh, Nguyễn Xuân Lữ, Lâm Mộng Quang) tham dự. Tại diễn đàn này, Hải Triều đã đọc một bản tố cáo “Chế độ ngôn luận hà khắc” của thực dân Pháp và Nam triều, đồng thời thông báo “Tờ Nhành Lúa trong hai tháng lên đến 5.000 số, đều bị bóp cổ chết tươi hôi hổi”…

Với 9 số báo, chỉ xuất hiện trong hơn hai tháng, Nhành Lúa đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc tổ chức thành công nhiều cuộc vận động có ý nghĩa chính trị sâu sắc trên mặt trận báo chí, là vũ khí đấu tranh tư tưởng sắc bén, thể hiện rõ quan điểm của những người cộng sản ở Huế và Trung Kỳ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Nhành Lúa đã tập hợp được một lực lượng hùng hậu, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng giai đoạn 1936 -1939 của Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Và cũng là tờ báo cách mạng đầu tiên xuất bản ở Huế - đúng nghĩa là một tờ báo có đủ một Ban Biên tập gồm những cựu tù chính trị đặt dưới sự chỉ đạo của trực tiếp của tổ chức Đảng và những đảng viên trung kiên, giàu bản lĩnh chính trị và lý luận cách mạng, phản ánh trung thực những sự kiện đầy biến động ở Huế và miền Trung, rộng hơn là lan tỏa ra cả nước. Nhành Lúa xứng đáng được đặt ở một vị trí quan trọng vào dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam và Thừa Thiên Huế.

Dương Phước Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 85 NĂM SÔNG HƯƠNG TỤC BẢN RA SỐ ĐẦU TIÊN TẠI HUẾ (19/6/1937 – 19/6/2022)
Diễn đàn cách mạng đanh thép giữa lòng kinh đô Huế

Cuối tháng 3/1937, tuần báo Nhành Lúa do Hải Triều làm Tổng Thư ký Tòa soạn bị chính quyền cai trị ra lệnh cấm phát hành, Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung kỳ không còn báo chí trong tay để làm vũ khí đấu tranh “hợp pháp” giữa lúc các lực lượng dân chủ đang ráo riết chuẩn bị người tham gia tranh cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Cũng vào lúc này, tuần báo Sông Hương của ông Phan Khôi tự ngưng phát hành vì “tài chánh quẫn bách”.

Diễn đàn cách mạng đanh thép giữa lòng kinh đô Huế
Báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn trong dòng chảy báo chí Cách mạng Việt Nam ở Thừa Thiên Huế

LTS: Hôm nay (12/4), tại TP. Huế diễn ra Hội thảo khoa học “Vai trò chủ đạo của Tuần báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn trong Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939) ở Thừa Thiên Huế”, Báo Thừa Thiên Huế trân trọng giới thiệu bài viết của ông Hoàng Khánh Hùng, UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về vai trò của tuần báo này trong dòng chảy báo chí Cách mạng Việt Nam.

Báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn trong dòng chảy báo chí Cách mạng Việt Nam ở Thừa Thiên Huế
Vai trò chủ đạo của Báo Nhành lúa và Kinh tế tân văn trong Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939) ở Thừa Thiên Huế

Sau ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đặc biệt là trong giai đoạn Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 – 1939), để giữ thế đấu tranh hợp pháp, Đảng chủ trương bằng mọi giá “các cấp bộ đảng” phải có báo chí trong tay làm cơ quan ngôn luận, biến cơ quan này thành vũ khí đấu tranh cách mạng.

Vai trò chủ đạo của Báo Nhành lúa và Kinh tế tân văn trong Mặt trận dân chủ Đông Dương 1936-1939 ở Thừa Thiên Huế
Thơ văn tranh đấu trên tuần báo “Kinh tế tân văn”

Từ “Nhành Lúa” đến “Kinh tế tân văn” tiếp nối, cả hai tờ báo đã phát huy tối đa sức mạnh của cơ quan ngôn luận, cùng với các thể tài báo chí, thơ văn trên hai tờ báo đã trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén của những người cộng sản.

Thơ văn tranh đấu trên tuần báo “Kinh tế tân văn”
Báo Nhành Lúa và những cống hiến

Với nhiều cống hiến, báo Nhành Lúa xứng đáng được đặt ở một vị trí quan trọng trong dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam ở Thừa Thiên Huế.

Báo Nhành Lúa và những cống hiến

TIN MỚI

Return to top