ClockThứ Năm, 04/08/2022 10:18

“Lời nhắc nhở” từ lòng tốt

TTH - Mắc căn bệnh chẳng chết người, nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Cứ mỗi lần bệnh có vẻ “căng”, tôi lại đến bệnh viện. Cơ bản là để nội soi, kiểm tra xem, có bị u không. Lần nào sau kiểm tra, thở phào vì chẳng “u cục” gì, tôi “vâng vâng dạ dạ”, khi bác sĩ có chỉ định, đối với căn bệnh của tôi, phải nhập viện để mổ. Nếu để nặng quá, cũng có thể gây biến chứng thành bệnh nguy hiểm.

Nhưng tôi không thắng được nỗi sợ “mổ xẻ”. Vừa hay cô bạn mách, thời gian qua, cô đang chữa bệnh tại một thầy thuốc nam. Hiệu quả lắm. Bạn còn biết nhiều người cũng khỏi hẳn bệnh nhờ uống thuốc của thầy. Nhưng thời gian uống thuốc khá dài và cũng khá tốn kém. Bạn bảo tôi cứ đến để thầy bắt mạch, nếu chữa được bằng thuốc nam thì tốt, khỏi phải “đụng dao đụng kéo”.

Hôm bắt mạch xong, thầy bảo: “Một ngày uống 150 nghìn tiền thuốc, dự kiến uống liền 3 tháng, chị có khả năng “theo” được không”. Có bệnh đương nhiên phải cố gắng lo liệu, dù có khó khăn. Vậy là quyết định cứ 1 lần lấy 1 đợt thuốc cho 10 ngày, vừa để thầy bắt mạch xem tiến triển bệnh như nào, theo đó mà gia giảm thuốc cho phù hợp. Mặt khác cũng để “nhẹ nhàng” hơn trong việc “lo” tiền thuốc.

Ở quê, mẹ tôi bệnh xương khớp phải nhập viện điều trị. Ba tôi cũng bệnh, yếu. Vậy nên tôi xin nghỉ phép 10 ngày về quê chăm nom ba mẹ. Tôi đang uống dở dang thuốc đợt 1. Nếu về quê 10 ngày thì sẽ thiếu thuốc. Do đó, tôi đến để thầy bắt mạch, lấy tiếp đợt thuốc thứ 2, mang theo về.

Sau 10 ngày (hết thời gian phép của tôi), tưởng bệnh mẹ đã ổn, tôi “giao phó” mọi việc cho vợ chồng cô em gái ở quê. Nhưng vài ngày sau, em gái tôi gọi điện thoại bảo, tình hình mẹ tôi đột nhiên “căng” hơn. Bác sĩ yêu cầu phải nằm viện tiếp. Vậy là tôi lại xin nghỉ nốt tiêu chuẩn phép còn “để dành”.

Lại đến tìm thầy để lấy thêm 5 ngày thuốc, bởi vì số thuốc lấy đợt vừa rồi vẫn còn. Tôi không lấy nhiều hơn, bởi trong tình hình này, phải để dành tiền cho những việc cần thiết khác. Thấy tôi đến, thầy ngạc nhiên (vì tôi mới lấy thuốc cách đây mấy hôm). Biết lý do tôi lại về quê, thầy hỏi: “Răng chị về quê mãi rứa? Có việc chi?”. Tui: “Dạ, vì mẹ em ốm phải điều trị tại bệnh viện. Tưởng đã ra viện được rồi, nhưng không ngờ vẫn chưa đỡ. Nên em quay trở ra”. Thầy: “Nhà không còn ai, chỉ mình chị à”? Sau khi nghe tôi kể người anh cả ở xa, lại đang thực hiện nhiệm vụ trong quân đội, khó có thể về. Ở quê còn vợ chồng cô em út. Nhưng do ba tôi già yếu, cũng cần người “trông”, nên mấy chị em tôi cùng “xúm vào” lo cho ba mẹ.

Thầy: “Tui lấy cho chị 10 ngày thuốc luôn”. Tôi: “Dạ…em không mang đủ tiền”. Tôi bất ngờ khi thầy nhẹ nhàng bảo: “Số thuốc này, tui tặng chị. Tiền đó chị để về lo cho ba mẹ”. Tôi nói, hãy để tôi gửi thầy một nửa tiền thuốc cũng được. Nhận hết, tôi ngại lắm”. Thầy lại nhẹ nhàng: “Chị cứ nhận đi, đừng ngại. Yên tâm mà về lo cho ba mẹ chị”. Thực sự xúc động trước sự cảm thông mà người thầy thuốc này sẵn lòng dành cho người khác! 

Tôi nhớ bạn từng kể, thầy đã chữa bệnh miễn phí cho rất nhiều trường hợp đặc biệt khó khăn, nhất là đối tượng trẻ em và người già. Lòng tràn ngập cảm kích và biết ơn lòng tốt của thầy. Vậy là tôi đã nhận một ân tình. Nợ tiền dễ trả. Ân tình đã nhận là mãi mãi.

Lòng tốt của thầy, có thể tôi chẳng có cơ hội “trả” cho thầy (mà chắc chắn thầy cũng không cần điều đó). Nhưng tôi sẽ “mang theo” lòng tốt này như một “lời nhắc nhở”, nếu có thể, trong khả năng của mình, hãy giúp đỡ người khác, có thể một người kém may mà mình không hề quen biết, để những điều tốt đẹp, dù nhỏ bé, cũng được tiếp nối.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
Xu hướng du lịch gia đình sẽ 'lên ngôi' trong năm 2025

Các đơn vị nghiên cứu khảo sát, cơ quan quản lý ngành du lịch đã đưa ra nhiều dự báo về xu hướng du lịch của du khách Việt Nam. Theo đó, du lịch gia đình và tìm kiếm sự thư giãn được dự báo sẽ là một trong những xu hướng “lên ngôi” năm 2025 cùng với thói quen ưu tiên ứng dụng công nghệ du lịch của du khách Việt.

Xu hướng du lịch gia đình sẽ lên ngôi trong năm 2025
Có những nhịp cầu

Nhi dựng xe dưới một tán cây im mát bên trong công viên. Từ đây cô có thể thấy rõ nền nhà cũ, mới tháng trước còn im lìm giữa đống gạch đổ, đìu hiu nhìn sang bên kia đường nơi cây cầu mới đang vào giai đoạn hoàn thiện. Vậy mà hôm nay khu nhà giải tỏa đang ồn ã mấy tốp công nhân khẩn trương dọn dẹp và trục bỏ các gốc cây trên vỉa hè.

Có những nhịp cầu
Thông tin doanh nghiệp:
Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình?

Khi mua máy rửa xe cho gia đình, có một số yếu tố cần lưu ý để đảm bảo bạn chọn được sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp bạn lựa chọn máy rửa xe tốt cho gia đình.

Làm thế nào để mua được máy rửa xe tốt cho gia đình
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

TIN MỚI

Return to top