ClockThứ Ba, 04/07/2023 13:25

Hội nghị Chính phủ với địa phương: Tăng trưởng những tháng cuối năm có nhiệm vụ rất nặng nề

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hai kịch bản tăng trưởng quý III và cả năm 2023 cho thấy nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là hết sức nặng nề, với mức tăng trưởng từ 8,0% trở lên.

Đề xuất 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2023Xây dựng kịch bản tăng trưởng thích ứng trạng thái bình thường mớiDự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021

leftcenterrightdel
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho rằng, tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023, trước các khó khăn, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, toàn diện trên tất cả lĩnh vực, củng cố thêm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trong đó, điều hành chủ động, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới của thế giới và trong nước; tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh năng lượng; đẩy mạnh ngoại giao, nhất là ngoại giao kinh tế...

Chính phủ đã tổ chức các đoàn công tác của Thành viên Chính phủ làm việc với địa phương; chỉ đạo thành lập các Tổ công tác đặc biệt của địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư ngay tại địa bàn; chỉ đạo triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiều chính sách thiết thực như: gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm lãi suất tiền gửi và cho vay, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, khánh thành một số dự án giao thông trọng điểm; tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xử lý vướng mắc trong các lĩnh vực bất động sản, đầu tư, môi trường, y tế, đăng kiểm, phòng cháy, chữa cháy, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, tăng cường xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư...

Do đó, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tác động của tình hình thế giới, nhưng tình hình kinh tế - xã hội đã dần chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đã có bước tăng trưởng, tuy còn thấp nhưng đã cho thấy xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý II cao hơn quý I, góp phần cải thiện kết quả chung của cả 6 tháng đầu năm, tạo đà cho các tháng tiếp theo.

Trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3,29% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 54% dự toán. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng, 6 tháng ước xuất siêu 12,25 tỷ USD, cùng kỳ chỉ đạt 1,2 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 6 tháng ước đạt trên 10 tỷ USD, tăng nhẹ khoảng 0,5% so với cùng kỳ, sau khi có mức giảm 0,8% trong 5 tháng đầu năm. Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công đã có bước cải thiện đáng kể, ước đạt 30,49% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ cả về số tương đối (2,74 điểm %) và số tuyệt đối (hơn 65 nghìn tỷ đồng, tăng 40%).

Theo báo cáo, nhiều địa phương thuộc các vùng động lực quan trọng đã có mức tăng trưởng GRDP quý II cao hơn quý I cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước, như: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,9% (quý I chỉ tăng 1,1%), Bình Dương tăng 5,7% (quý I tăng 1,7%), Đồng Nai tăng 4,8% (quý I tăng 3,1%), Bắc Giang tăng 13,8% (quý I tăng 8,1%)…

Mặc dù tăng trưởng kinh tế cả nước trong quý II tích cực hơn nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. GDP quý II ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng tăng 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 6,2%. Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn, việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức, tác động không nhỏ đến thu ngân sách nhà nước.

Về tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đến nay, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 93,3 nghìn tỷ đồng gồm cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ thuê nhà, giảm thuế, phí, lệ phí… Về phân bổ vốn đầu tư công, đến nay Chính phủ đã giao toàn bộ hơn 707 nghìn tỷ đồng cho bác bộ, ngành, địa phương; trong đó đã giải ngân được hơn 215 nghìn tỷ đồng, đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đến ngày 30/6, các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển với tổng số vốn hơn 23 nghìn tỷ đồng, đạt 94,6% kế hoạch; giải ngân đạt hơn 6.836 tỷ đồng, bằng khoảng 28,2% kế hoạch.

Tại Hội nghị, căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội giao, trên cơ sở kết quả quý II và 6 tháng đầu năm, dự báo bối cảnh, tình hình các tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng quý III và cả năm 2023.

Kịch bản 1, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%, quý IV đạt 9%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,0%. Kịch bản 2, mức tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%, thì tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nhận định, tình hình thời gian tới khó có thể chuyển biến nhanh theo xu hướng tích cực, còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp; phát huy hiệu quả mọi chính sách, nguồn lực, tận dụng tối đa các cơ hội, phấn đấu tối đa để kết quả cao nhất theo mục tiêu đã đề ra.

Trong đó, phải tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, bảo đảm đời sống người dân; tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, giải quyết triệt để các vấn đề bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực giáo dục, y tế; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả…

TTXVN tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị.

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện 8 cuộc thanh tra về đầu tư công

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tổng số 42 cuộc thanh tra, kiểm tra vừa được Bộ này ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong năm 2024 sẽ có 8 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2021 - 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan; việc chấp hành pháp luật về đầu tư giai đoạn 2020 - 2023 tại 8 tỉnh: Ninh Bình, Lào Cai, An Giang, Đắk Lắk, Gia Lai, Bắc Ninh, Hà Giang và Nam Định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện 8 cuộc thanh tra về đầu tư công

TIN MỚI

Return to top