ClockThứ Ba, 01/10/2024 06:07

Hai Nhánh - Quãng sông bi hùng - Kỳ 2: Tiềm năng du lịch

TTH - Trong một lần tiếp xúc với chị Trần Thị Hoài Trâm, tôi đã nghe nữ Bí thư Huyện ủy Nam Đông ngợi ca về dòng Tả Trạch: “Nó đẹp lắm, đẹp không thua gì các hồ nổi tiếng mà tôi đã trải qua!”.

Hai Nhánh - Quãng sông bi hùng - Kỳ 1: Ký ức khó phai mờ

 Tác giả bên sông Hai Nhánh

Với tôi, Tả Trạch không hề xa lạ vì nó gần Huế và đường sá ngày mỗi thuận tiện. Hơn nữa, như nhiều đồng nghiệp, trong suốt quá trình xây dựng công trình thủy lợi có tầm cỡ quốc gia này tôi đã đến đây nhiều lần, nhưng thú thật để được trải nghiệm vẻ đẹp “không thua gì các hồ nổi tiếng” như nữ Bí thư Huyện ủy Nam Đông giới thiệu thì chưa. Sự chậm chân này có nguyên do: Tả Trạch chưa hề có dịch vụ cho thuê thuyền, muốn đi phải cậy nhờ nên ái ngại!

Tả Trạch là một trong những hồ chứa lớn nhất miền Trung có dung tích lên tới 650 triệu khối nước (lớn gấp 10 lần hồ Truồi), nếu dành thời gian nghiên cứu, đầu tư Tả Trạch sẽ trở thành điểm tham quan nổi tiếng của Huế khi trực thuộc Trung ương.

Hiếm có hồ chứa nào như Tả Trạch khi ba bề được bao bọc bởi đồi núi. Đông - Xuân lãng đãng sương mờ đẹp như bức tranh thủy mặc. Hè - Thu Tả Trạch ngập tràn trong nước biếc non xanh. Nếu đầu tư hạ tầng, nhất là bến bãi như ở bãi Gạo hay ven đồi 229 chẳng hạn du khách có thể ngụp lặn trong làn nước mát rượi…

Từ thân đập Tả Trạch, chỉ trong vòng một tiếng thuyền máy có thể đưa bạn đến khe La Ma của huyện Nam Đông. Tại đây, bạn có thể ghé thăm Hương Sơn - nơi có 100% tộc người Cơ Tu sinh sống hay ghé Hương Phú - nơi đồng bào Kinh lên lập nghiệp sau năm 1975 để thăm thác Mơ và thưởng thức các dịch vụ do YesHue Eco đầu tư. Không chỉ cảnh quan xinh đẹp mà Tả Trạch còn có nguồn tài nguyên quý giá không phải dòng sông nào cũng có.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn cho biết, trong quá trình khảo sát Tả Trạch, ông được anh em ban quản lý công trình đưa đến khu vực bờ tây sông Hai Nhánh. Tại đây, ông tận mắt chứng kiến mỏ nước khoáng lộ thiên đẹp như vua Thiệu Trị xưng tụng: “Một dòng suối nhỏ đà đun nóng / Vạn trượng hơi mờ lại bốc lên / Phùng Di khiến nước sôi muôn chốn / Hồi Lộc mang hơi tỏa khắp miền / Tạo hóa linh thiêng ban dấu tích / Nước này kỳ diệu thuốc thiên nhiên” - Hải Trung dịch từ bài thơ “Tây Lãnh Thang Hoàng” khắc trên tấm bia đá được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phát hiện cuối năm 2012.

Do chưa khảo sát nên khó mà khẳng định trữ lượng và chất lượng, nhưng chắc chắn đây là nguồn tài nguyên quý từng được vua Thiệu Trị xếp vào “Thần kinh nhị thập cảnh” của Huế xưa.

Ông Phạm Văn Đình, hiện sống ở Thủy Bằng. Trong chiến tranh ông Đình là cán bộ giao liên của Huyện ủy Hương Thủy nên thuộc địa hình ở đôi bờ như lòng bàn tay. Quả thật tôi không ngờ, từ thân đập Tả Trạch ngược lên sông Hai Nhánh chỉ tính ở phía bờ tây thôi đã có đến hơn chục con khe. Tên chủ yếu do dân gian đặt như Mo Nan, Trầu, Rệ, Dài, Lạnh, Vàng, Mù U, Bò Mang, Mù Mù, Nước Nóng, Rùa, Chò Mã, Vịt, Lộ Mội…

Những khe nước này đều phát tích từ động Mang Chang, trong chiến tranh có nhiều khe được các cơ quan, đơn vị của Huế, Hương Thủy chọn để lập hậu cứ. Nếu không có ông Lê Hữu Tòng và Phạm Văn Đình giới thiệu thì rất nhiều người trong đoàn khảo sát sông Hai Nhánh hôm ấy khó mà biết trong kháng chiến cơ quan của Huyện ủy Hương Thủy đóng ở đâu. Không bỏ lỡ cơ hội, dù đã trưa nhưng ông Đỗ Xuân Giao, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hương Thủy tha thiết đề nghị những Cựu chiến binh chỉ cho ông và số cán bộ trẻ của thị xã tháp tùng biết địa điểm này.

Thuyền rẽ vào khe 57. Cửa khe khá rộng. Hai bên bờ còn những gò đống nham nhở mà phu khai thác vàng để lại. Khe này dân gian đặt tên là Bò Mang (nơi bò tót và mang thường xuống đây uống nước). Năm 1967, máy bay B 57 của Mỹ ném xuống đây 2 quả bom nên bộ đội lấy sự kiện này để đặt tên.

Đặt chân lên một ngọn đồi tiếp giáp, chỉ vào thực địa và tấm bản đồ mang theo, ông Lê Hữu Tòng cho biết: Dưới động Mang Chang này, ngoài hai cơ quan của huyện ủy và huyện đội, ở phía bắc là dốc Ông Thường có trạm đường dây và khu sản xuất, ở phía nam là trạm phẫu và ở lưng chừng núi là nơi đóng quân của Tiểu đoàn 33 Đặc công Bộ Quốc phòng… Từ động Mang Chang, sau khi vượt qua dốc Thanh Niên và dốc Công Sự ở phía tây cứ men theo đường 73 hoặc 12 là có thể đến A Lưới.

Còn phía đông bờ Tả Trạch - Hai Nhánh - nơi có núi Mỏ Tàu và dãy Đá Đen, để dễ cơ động về đồng bằng, các đơn vị bộ đội Hương Thủy, Tiểu đoàn hỏa lực K32 và các đơn vị của Trung đoàn 6, Trung đoàn 271 (Quân khu Trị Thiên) và của Trung đoàn 1, 2 Sư đoàn 324 (Quân đoàn II)… ém quân sẵn sàng xuất kích. Chính những vị này sau khi kết thúc chiến dịch La Sơn - Mỏ Tàu 1974 đã buộc đối phương phải tái phối trí lực lượng, tạo ra kẽ hở để Quân đoàn II thọc sâu, chặn Quốc lộ số I, mở đầu cho chiến dịch Huế - Đà Nẵng tháng 3/1975 toàn thắng!

Tả Trạch - Hai Nhánh nay đã trở thành một hồ nước lớn. Trừ mùa mưa lũ, các mùa còn lại nước ăm ắp và trong xanh. Đôi bờ điệp trùng đồi núi và đã phủ đầy cây xanh. Nước non ở đây vô cùng tráng lệ. Đúng là Tả Trạch “đẹp không thua gì các hồ nổi tiếng!” như nữ Bí thư Huyện ủy Nam Đông tụng ca!

Huế mình đang đón vận hội mới. Trong bước chuyển mình lên thành phố trực thuộc Trung ương, chắc chắn Du lịch Huế sẽ có vị trí xứng đáng và không thể không tính đến nguồn tài nguyên văn hóa, lịch sử vô cùng phong phú vừa xuất lộ ở vùng Tả Trạch.

Vấn đề còn lại là tìm kiếm nguồn lực đầu tư và sự tâm huyết của những người được giao trọng trách này.

Nếu không, Tả Trạch “đẹp không thua gì các hồ nổi tiếng” sẽ chỉ là lời tụng ca đầy tiếc nuối!

Phạm Hữu Thu
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top