ClockThứ Bảy, 26/03/2022 07:00

Gợi nhớ những ngày đấu tranh cách mạng

TTH - Phòng truyền thống Công an tỉnh, Công an TP. Huế là những địa chỉ lưu giữ những hình ảnh và hiện vật gợi nhớ những ngày luồn sâu trong lòng địch, đấu tranh giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

“An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”Gặp mặt truyền thống 70 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh sát quản lý trại giamKỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng công an xã

Phòng Truyền thống Công an tỉnh những ngày Tháng 3 lịch sử

Chúng tôi đến với Phòng Truyền thống Công an tỉnh vào những ngày tháng 3 lịch sử, khi cả tỉnh tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975).

Lật giở những trang sử truyền thống, trực tiếp với những hiện vật được lưu giữ tại đây, chúng tôi càng thấm thía hơn giá trị của hòa bình, độc lập dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để có được ngày toàn thắng, giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế, gần 900 liệt sĩ lực lượng an ninh (LLAN) của tỉnh đã vĩnh viễn nằm lại trên các mặt trận.

Thiếu tá Hồ Lê Phương Thảo, cán bộ Đội điều lệnh, quân sự võ thuật, văn thể - Phòng Công tác Đảng và công tác Chính trị – người phụ trách Phòng Truyền thống Công an tỉnh chia sẻ: “Hơn 400 ảnh và hiện vật được lưu giữ tại đây. Mỗi hiện vật đều gợi nhớ về từng thời khắc lịch sử. Đây là những hiện vật dùng để gây nổ nhằm âm mưu lật đổ chính quyền của tổ chức phản động Mặt trận phục quốc Trị Thiên do Phạm Lự cầm đầu mà LLAN của ta thu được. Còn đây là những chiến lợi phẩm mà LLAN của tỉnh thu được của Mỹ ngụy trong những ngày kháng chiến. Những khẩu súng, băng đạn này cũng là những chiến lợi phẩm mà LLAN tỉnh thu được”.

Ghé Phòng Truyền thống của Công an TP. Huế, từ đôi dép cao su, mũ tai bèo, bộ áo quần là trang phục của LLAN TP. Huế hoạt động ở chiến khu năm xưa, đến các đồ vật như kềm cắt thép gai, xẻng đào hầm bí mật; súng M16 của lính Mỹ do lực lượng trinh sát vũ trang thu được vào năm 1968; khẩu súng ngắn Cold thu được khi bắt sống một đối tượng CIA Mỹ tại chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968; hay khẩu AK do Đại hội Quân khu tặng AHLLVTND Hoàng Thức Bảo tại Liên hoan Anh hùng chiến sĩ thi đua Trị Thiên Huế năm 1968… đều được lưu giữ, bảo quản cẩn thận.

Trong số đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến khẩu súng của AHLLVTND Nguyễn Văn Trung sử dụng để diệt ác; khẩu AR15 là chiến lợi phẩm do ông Hồ Văn Trà, Đội phó Đội 66C thuộc Tiểu đoàn Trinh sát vũ trang nội thành Huế và ông Trương Minh Tiến, A trưởng thu được trong trận tập kích địch tại chợ Thông, Hương Trà năm 1967…

Là một trinh sát vũ trang thuộc LLAN TP. Huế, nữ AHLLVTND Nguyễn Thị Lài chưa hề nao núng trước mọi nhiệm vụ. Tháng 2/1971, sau thất bại ở chiến dịch đường 9 Nam Lào, địch tổ chức nhiều chiêu trò để trấn tĩnh tinh thần sĩ quan và binh lính. Tại Huế, địch tổ chức chiếu phim, triển lãm tuyên truyền chiến thắng giả tạo ở rạp chiếu bóng Tân Tân trên đường Trần Hưng Đạo. AHLLVTND Nguyễn Thị Lài được cấp trên giao nhiệm vụ đánh vào rạp chiếu bóng này. AHLLVTND Nguyễn Thị Lài đã mưu trí cài mìn hẹn giờ làm chết và bị thương 64 sĩ quan, hạ sĩ quan địch…

Trong câu chuyện với chúng tôi, AHLLVTND Hoàng Thức Bảo nhớ lại, nhiều cán bộ, chiến sĩ LLAN từ tỉnh cho đến cơ sở đều thường xuyên bám sát địa bàn, dựa vào dân, nhờ dân che chở và nuôi dưỡng để làm công tác nghiệp vụ. Ngoài việc thu thập thông tin và tổ chức lực lượng bí mật, nhiều cán bộ an ninh tỉnh, huyện, xã và các đơn vị trinh sát vũ trang của an ninh đã tổ chức hàng trăm trận đánh; diệt ác, trừ gian, hàng chục tên đầu sỏ ngụy quyền cấp tỉnh, quận, hàng trăm tên ác ôn ở xã gây hoang mang, lo sợ trong hàng ngũ địch. Những chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc của LLAN Thừa Thiên Huế góp phần quan trọng cùng quân và dân trên địa bàn tỉnh đập tan mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, giải phóng quê hương, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 

“Phát huy truyền thống của các thế hệ LLAN Thừa Thiên Huế, Phòng Truyền thống Công an tỉnh, Công an TP. Huế là nơi tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị, kết nạp đảng viên mới, giáo dục tư tưởng cho các cán bộ, chiến sĩ trẻ thông qua những câu chuyện lịch sử gắn liền với các hiện vật, hình ảnh đang được trưng bày tại đây. Việc làm này giúp cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ hơn công lao to lớn và sự hy sinh mất mát của các bậc cha anh đi trước trong cuộc chiến đấu giành độc lập cho quê hương, đất nước. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ để mỗi cán bộ, chiến sĩ công an toàn tỉnh giữ gìn, phát huy truyền thống, bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân”, Thượng tá Lê Quang Phi, Phó Trưởng phòng công tác Đảng và công tác Chính trị Công an tỉnh khẳng định.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động đấu tranh, trấn áp tội phạm

Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh được Ban Giám đốc Công an tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, góp phần giữ vững sự bình yên cuộc sống người dân.

Chủ động đấu tranh, trấn áp tội phạm
Kiềm chế, kiểm soát không để ma túy phát sinh trên diện rộng

Chiều 6/12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy và 1 năm thực hiện Kế hoạch 302/KH-UBND ngày 12/9/2023 của UBND tỉnh về nhân rộng công tác chuyển hóa tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở địa bàn cấp huyện thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Kiềm chế, kiểm soát không để ma túy phát sinh trên diện rộng
Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục

Thông tin trên được Văn phòng UBND huyện Phong Điền cho biết vào ngày 7/11, khi lãnh đạo huyện vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Kinh phí đầu tư dự án (DA) này là 1,695 triệu đồng, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và nguồn huy động khác.

Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục

TIN MỚI

Return to top