ClockThứ Năm, 02/06/2022 06:15

Chủ động phòng ngừa “tham nhũng chính sách”

TTH - Tham nhũng chính sách là hình thức lợi dụng sơ hở trong chính sách công, vì lợi ích cục bộ, “lợi ích nhóm” để tham nhũng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Tăng cường hiệu lực giám sát của Quốc hội; tránh tham nhũng chính sách

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

1. Lâu nay, người ta thường nói đến tham nhũng kinh tế, tham nhũng vặt mà ít nói đến tham nhũng chính sách (TNCS). Đó là loại tham nhũng đặc biệt chỉ có trong cơ quan công quyền. Nội hàm của “chính sách” ở đây theo nghĩa rộng, trên nhiều lĩnh vực, không chỉ trong phạm vi kinh tế. Tham nhũng chính sách là lợi dụng quyền hạn, nhiệm vụ được giao trong quá trình hình thành các chính sách công của cấp có thẩm quyền. Những chính sách này đã bị một bộ phận lợi dụng, chi phối để đem lại lợi ích cho một nhóm cục bộ nào đó. Văn bản về chính sách có thể là những kế hoạch, quyết định, hướng dẫn từ cấp cao nhất là Quốc hội, Chính phủ đến các bộ, UBND và các cơ quan chuyên môn.

Có những chính sách phạm vi rộng, nhưng cũng có những quy định trong phạm vi hẹp hoặc có tính chất theo cơ chế đặc thù. Đặc trưng cơ bản là lợi dụng quyền hạn với động cơ vụ lợi để đề ra những điều kiện có lợi cho tham nhũng và thường được hưởng “lợi ích” lâu dài.

Thông thường, một chính sách công thường trải qua các giai đoạn: Kế hoạch ban đầu, xây dựng văn bản, phê duyệt và ban hành thực hiện. Khi một chính sách nào đó đưa ra đều nhằm ý tưởng tốt đẹp, vì lợi ích chung, được chuẩn bị chu đáo. Nó chỉ bắt đầu xuất hiện tiêu cực khi hình thành văn bản dưới ý thức chủ quan của người dự thảo, cơ quan phê duyệt và hướng dẫn thi hành. Mỗi cấp có thẩm quyền khác nhau nên chính sách có hiệu lực và áp dụng khác nhau. Cấp càng cao, ảnh hưởng rộng thì tác dụng hay hạn chế có mức độ ảnh hưởng khác nhau. Chính sách được lấy ý kiến rộng rãi, được thẩm định và phản biện chặt chẽ thì ít sai sót, tránh được sơ hở để lợi dụng. Tuy nhiên, nó còn tùy thuộc vào loại chính sách và tác động của các nhóm có quyền lợi trong các nội dung cụ thể. Khi đã có ý đồ tham nhũng thì những cá nhân, tổ chức tìm cách thao túng, hình thành nên những “điều kiện” có lợi cho họ khi đưa vào thi hành, không hướng vào lợi ích chung.

Tham nhũng chính sách dẫn tới kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên độc quyền, cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước và người dân. Chẳng hạn vấn đề đất đai đang nóng lên như hiện nay, nhưng chính sách về giá đền bù, thu hồi đất quá thấp, trong khi doanh nghiệp phân lô, bán nền với giá cao gấp nhiều lần. Những quy định về đầu tư hạ tầng, giá cả không đúng với thực tế, tạo ra chênh lệch quá lớn, gây thiệt thòi cho người dân, nhưng lại có lợi cho doanh nghiệp đầu tư. Với những chính sách khi ban hành có kẽ hở là điều kiện cho nhóm lợi ích lợi dụng để làm trái. Việc ký quy hoạch vượt thẩm quyền ở khu vực Thủ thiêm, TP. Hồ Chí Minh trái với quy hoạch của Chính phủ là một “điển hình”. Cũng không phải ngẫu nhiên mà 2 Chủ tịch của TP. Đà Nẵng ký chuyển giao các khu đất vàng ở thành phố này cho Vũ “nhôm” là có ý đồ riêng nên đã dẫn đến sai phạm. Hay trong bổ nhiệm cán bộ chúng ta được nghe giải thích “đúng quy trình” nhưng lại sai về đối tượng, không đúng quy hoạch cán bộ, “động cơ không trong sáng”. Đó cũng là một trong những biểu hiện của TNCS.

2. Ngày 24/11/2020, tại hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, lúc đó là Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: “Người ta nói chống tham nhũng là rất quan trọng, cần thiết nhưng mà chống tham nhũng trong chính sách, pháp luật càng quan trọng”. Tham nhũng kinh tế làm cho tài sản tập thể bị thất thoát phải bị xử lý là tất nhiên, nhưng TNCS dẫn đến sai phạm về chủ trương, đường lối, nhất là những chính sách lớn sẽ tác động đến quyền lợi của số đông, ảnh hưởng đến bản chất chế độ. Ngăn chặn TNCS phải xác định là một trong những nhiệm vụ cần thiết trong phòng, chống tham nhũng. “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” đã được Quốc hội thông qua ngày 3/6/2008 được xem là cơ sở pháp lý cho ban hành văn bản pháp quy. Trong luật đã quy định trình tự, thủ tục và các bước khi ban hành chính sách, nhưng quan trọng nhất là không để sự chủ quan, đưa nội dung có lợi cục bộ vào chính sách chung.

Gần đây, lợi ích nhóm được đề cập nhiều trong phòng, chống tham nhũng, nhưng chống TNCS của “nhóm lợi ích” như thế nào lại chưa có giải pháp hữu hiệu. Đây là loại tham nhũng có tính chất tập thể cần phải được phòng, ngừa ngăn chặn từ đầu, loại bỏ biểu hiện lợi dụng trong từng chính sách. Vì lợi ích cục bộ, không được kiểm soát chặt chẽ, những nhóm có chức năng vẫn có điều kiện để thao túng dù trong bất cứ chính sách gì. Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ chỉ đạo ráo riết các bộ và địa phương cải cách hành chính, bãi bỏ những “giấy phép con”, “thủ tục hành dân và doanh nghiệp”, đưa công nghệ vào thủ tục hành chính…

Tham nhũng chính sách không những làm sai lệch hoạt động bình thường của cơ quan công quyền mà còn ảnh hưởng đến chính sách xã hội, đầu tư phát triển kinh tế. Nhận diện đúng TNCS là hết sức cần thiết nhằm có giải pháp ngăn chặn lợi dụng. TNCS có tính đặc thù nên phải được quan tâm hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn mới.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung quan trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Bây giờ là lúc phải hành động. Trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ “trên chính mảnh đất của mình”, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước”. Các tỉnh, thành phố đang đứng trước đòi hỏi phải tạo nên được động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.

Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”
Đối ngoại Việt Nam năm 2024: Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Trong năm 2024, thế giới tiếp tục quá trình biến đổi sâu sắc, có nhiều diễn biến mới, phức tạp, tác động đến tất cả mọi mặt đời sống xã hội. Năm 2024 cũng là năm đất nước bước vào giai đoạn nước rút thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, với nhiều hoạt động sôi động, đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặc dù môi trường bên ngoài biến động, Việt Nam tiếp tục nổi lên là một "điểm sáng" hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Những thành tựu "quan trọng, có ý nghĩa lịch sử" của đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ đến nay như đánh giá của lãnh đạo chủ chốt tiếp tục được kế thừa, phát huy và góp phần vào những thành tựu chung của đất nước.

Đối ngoại Việt Nam năm 2024 Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

TIN MỚI

Return to top