ClockThứ Tư, 30/10/2013 20:57

Xót xa

TTH - Đang được tại ngoại, đến ngày xử, hai bị cáo theo cha mẹ đến phiên tòa. Vừa bước vào phòng xử án, mặt các bị cáo tái xanh tái xám vì sợ. Cố trấn tĩnh con, nhưng cha mẹ bị cáo cũng không giấu được vẻ bồn chồn. Nhìn qua bị hại ngồi khó nhọc, nửa người bất động, họ càng lo âu.

Trong lúc đang ngồi cùng bạn, D.V.T (16 tuổi, đang là học sinh, trú tại xã Vinh Thái, huyện Phú Vang) thấy B.D.L (16 tuổi, trú tại xã Vinh Phú, huyện Phú Vang) chạy xe ngang qua. Cho rằng, trước đây L là người đã đánh mình, T gọi điện cho H.C.K (16 tuổi, đang học nghề), rủ K đánh L. Sau đó, K dùng tay tát L còn T dùng ống típ sắt đánh vào đầu L khiến nạn nhân chấn thương sọ não, để lại di chứng yếu, bại nửa người phải, tỉ lệ tổn hại sức khỏe 50%. Gia đình T và K bồi thường chi phí thuốc men cho nạn nhân hơn 81 triệu đồng. TAND huyện Phú Vang xét xử sơ thẩm đối với T và K về tội “cố ý gây thương tích”.

Cầu khẩn

Tòa yêu cầu các bị cáo trình bày hành vi phạm tội. Hai bị cáo lần lượt khai nhận từng chi tiết việc đánh bị hại. Tòa hỏi: “Giữa các bị cáo và bị hại có mâu thuẫn, thù oán gì không?” T và K đều cho rằng, do trước đây L có đánh mình, nên tức mà đánh lại. Tòa lại hỏi: “Các bị cáo thấy cách hành xử của mình như vậy có nên không?” T và K trả lời, ngay sau sự việc “lỡ” xảy ra, đã rất sợ hãi và ân hận. T run run nói: “Cháu nghĩ đánh là đánh rứa thôi chứ không nghĩ hậu quả lại nghiêm trọng như rứa!”

Cha mẹ bị cáo T giãi bày: “Ngay lúc biết sự việc con mình gây ra, vợ chồng tui vội vàng lên bệnh viện, lo lắng tiền bạc trong quá trình L cấp cứu điều trị. Ngồi chờ phía ngoài, vợ chồng tui vô cùng lo sợ, chỉ còn cách cầu khấn Trời Phật phù hộ cho L tai qua nạn khỏi. Nếu lỡ L có mệnh hệ gì, thì không chỉ con tui thành thủ phạm giết một mạng người mà cả gia đình tui cũng mang “án” suốt đời, không thể nào sống thanh thản được. Nhà L nghèo, chúng tôi cũng không khá giả gì, nhưng con đã gây tội thì cha mẹ phải chạy vạy tiền bạc lo thuốc thang cho người ta. Chúng tôi mừng vì “bên kia” chấp nhận viết đơn bãi nại, xin giảm nhẹ mức án cho con mình”.

Tuy nhiên, khi tòa sơ thẩm tuyên án, phạt T 3 năm tù, K 2 năm tù, cha mẹ các bị cáo như bay hết hồn vía. Mặc dù phiên tòa kết thúc từ lâu, người dự khán lần lượt ra về hết, nhưng những người trong gia đình hai bị cáo vẫn thẫn thờ, quẩn quanh trong phòng xét xử. Họ nói, chỉ còn cách năn nỉ cha mẹ bị hại viết đơn kháng cáo xin cho các bị cáo được hưởng án treo, để L tiếp tục hoàn thành chương trình phổ thông và K học xong nghề.

Ngày 19/9/2013, TAND tỉnh xét xử phúc thẩm vì các bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo. Không có đơn kháng cáo của phía gia đình bị hại. Lần xử này, bị hại không có mặt tại phiên tòa. Theo mẹ bị hại, L đang điều trị vật lý trị liệu ở bệnh viện, nên xin vắng. Mẹ bị cáo T thất vọng nói: “Không biết bao nhiêu lần rồi, vợ chồng tui qua năn nỉ cha mẹ L, khẩn cầu họ có đơn xin tòa cho con tui hưởng án treo. Chỉ cần họ có đơn là vợ chồng tui đã thỏa mãn rồi, còn kết quả tòa định đoạt như răng, gia đình tui chấp nhận. Nhưng cầu khẩn của vợ chồng tui bất thành”. Cha mẹ các bị cáo vẫn nuôi chút hy vọng, tại phiên xét xử phúc thẩm cha mẹ bị hại sẽ đổi ý. Tuy nhiên, tia hy vọng cuối cùng tắt ngúm khi gia đình bị hại vẫn không xin cho các bị cáo hưởng án treo và TAND tỉnh tuyên y án đối với các bị cáo.

Sau phiên xử phúc thẩm, chúng tôi tìm về nhà L. Ngôi nhà tuềnh toàng, vật dụng chỉ có mấy chiếc giường và chiếc thùng lớn dùng để chứa lúa, cũ kỹ. Một cô gái chừng ngoài hai mươi tuổi, nhưng nét mặt mệt mỏi, xưng là chị ruột của L, nói cha đi làm thuê xa, mẹ phụ hồ cho một nhà đang xây trong xóm, còn L đang loanh quanh tập đi. Chừng mươi phút sau, mẹ L tất tả về.

Nỗi lòng cha mẹ

Nhắc đến chuyện đứa con trai, mặt người mẹ méo xẹo vì đau: “Vợ chồng tui sinh mấy đứa con, nhưng chỉ mình L là con trai. Học không khá, L nghỉ học chữ, đi học nghề. Vợ chồng tui hoàn toàn ủng hộ con, yên tâm sau này nó có cái nghề trong tay rồi sẽ tính kế mưu sinh, sống cuộc sống bình thường như bao người khác. Vậy mà buổi trưa hôm đó, sau khi bị đánh, nó lê về được tới nhà, thì đã không còn là người bình thường nữa rồi”.

Phát hiện con có biểu hiện tay chân không cử động được, nói ú ớ, mẹ L vừa hoảng hốt vừa sợ hãi, không kịp đợi xe taxi, nhờ người bạn của L cầm lái xe mô tô, còn chị ngồi sau ôm con, gấp gáp chạy mấy chục cây số đến Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế. “Bác sĩ nói chỉ cần đến chậm chút nữa, có thể tính mạng con tui không giữ được. Suốt thời gian con phẫu thuật trong phòng cấp cứu, vợ chồng tui như ngồi trên đống lửa. Vừa mới kịp mừng con thoát khỏi tử thần, vợ chồng tui lại hoảng loạn khi bác sĩ cho biết nó rơi vào tình trạng không nói được, một tay, một chân bị liệt. Kiên trì tập vật lý trị liệu, nay tình trạng sức khỏe L có khá hơn. Nhưng…” Mẹ L bỏ dở câu nói, cố gắng giữ vẻ mặt bình thường, khi thấy L chậm chạp lần từng bước vào nhà.

Cậu thiếu niên vừa qua tuổi 16, mặt đờ đẫn với những bước chân xô lệch và cánh tay thõng thượt, bất động. Sau khi chào khách bằng những từ rời rạc, L lầm lũi men xuống bếp. Lúc này, mẹ L mới bưng mặt bằng những bàn tay thô ráp bởi những ngày tháng đi phụ hồ kiếm sống, dường như muốn ngăn bớt cảm xúc chua xót: “Con đang khỏe mạnh bình thường, vui tươi hóm hỉnh, nay thành tàn phế, nói năng, đi lại khó khăn, không muốn tiếp xúc với người khác. Cha mẹ nào không đứt ruột? Cha mẹ bị cáo thì lại đứt ruột vì con đang đi học lại phải ngồi tù. Vậy nên, thời gian con tui nằm bệnh viện, họ cố gắng phần nào khắc phục hậu quả, cũng là để mong “bên tui” tha thứ cho con họ. Thông cảm với nỗi lòng cha mẹ, quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm, vợ chồng tui đã có đơn bãi nại, để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Nhưng phiên xử phúc thẩm, tui không thể đề nghị tòa cho bị cáo hưởng án treo. Tui nghĩ, làm vậy là “không phải” với con. Thằng L phải chịu khuyết tật về thể xác, đau đớn về tinh thần suốt đời, thì kẻ gây ra tội cũng cần phải trả cái giá nào đó!”

Cha mẹ bị cáo T buồn bã: “L không chết, nhưng đang mạnh khỏe, lại thành ra “khiếm khuyết”, gia đình họ không chấp nhận khẩn cầu của gia đình tui, xin tòa cho con tui được hưởng án treo, cũng có cái lý của họ. Về phần con tui, hắn là đứa từ trước đến nay ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, năm mô cũng nhận được giấy khen của nhà trường, chỉ vì một phút nông nổi dẫn đến hành động sai quấy. Bị xử 3 năm tù, đồng nghĩa với việc hắn phải chấm dứt học hành, tương lai đóng cửa. Xót xa quá!

Vừa lúc đó, T trong bộ đồng phục học sinh từ nhà sau, ôm cặp sách lầm lũi ra khỏi cổng. “Bên công an chưa kêu “đi”, nên hắn vẫn không bỏ học ngày mô. Không biết con tui còn được mang sách vở đến trường đi học như ri thêm mấy ngày nữa!” Gương mặt nhòa nước mắt của mẹ bị cáo T lúc này lại gợi lên rõ mồn một gương mặt thất thần của mẹ nạn nhân L, khi nhìn đứa con lần những bước chân xô lệch và cánh tay thõng thượt, di chứng nặng nề sau khi bị đánh.

Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù

1 án tử hình, 1 chung thân và 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2,5 - 14 năm tù là bản án nghiêm khắc dành cho 11 thanh niên trong vụ hỗn chiến kinh hoàng dưới chân đèo Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) làm 2 người chết, 3 người trọng thương.

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù
Mất tình ruột thịt

Bất kể vụ tranh chấp nào phải “mang đến” chốn pháp đình cũng phức tạp. Nhưng phức tạp và đau lòng nhất vẫn là những vụ án mà đương sự là người thân ruột thịt trong một gia đình.

Mất tình ruột thịt
Bi kịch do sử dụng ma túy

Học đến lớp 11 thì bỏ học nửa chừng vì bị chúng bạn lôi kéo sử dụng chất ma túy, Lê Ngọc Phú Thịnh (SN 1995, trú phường Kim Long, TP. Huế) trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Đau đớn hơn khi mà nạn nhân lại chính là bà nội của y.

Bi kịch do sử dụng ma túy
Lời cảnh tỉnh

Thiếu cẩn trọng khi tham gia giao thông, người thiệt mạng, người còn vị thành niên bị pháp luật xử lý.

Lời cảnh tỉnh
Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

Theo đó, tuyên mức án tử hình đối với Phan Văn Bá (SN 1976) và Lê Kim Huân (SN 1990), cùng trú TP. Đà Nẵng; đồng thời tuyên án chung thân đối với Phạm Đăng Huy (SN 1981), trú tỉnh Bình Thuận, trong vụ vận chuyển 14 bánh heroin (gần 5kg) từ Hà Tĩnh vào phía nam, bị bắt giữ tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

TIN MỚI

Return to top