ClockThứ Tư, 04/01/2017 12:01

Thương & trách...

TTH - Tin vào mối quan hệ thân tình lâu năm, bị hại đưa tiền để bị cáo “chạy” việc. Việc chẳng thấy đâu, vậy mà bị hại (4 người trong một gia đình) vẫn chưa cảnh giác, tiếp tục 3 lần “sập bẫy”, “nộp” cho bị cáo tổng cộng 405 triệu đồng.

Vợ bị cáo là em kết nghĩa với bị hại, do đó bản thân bị cáo cũng thường qua lại nhà bị hại. Với quan hệ thân tình như vậy, đồng thời bản thân bị cáo là một công an, nên gia đình bị hại rất tin tưởng. Khi biết nhiều người trong gia đình bị hại có nhu cầu xin việc làm, “xin điểm” tại trường đại học, bị cáo nảy sinh ý đồ dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền. Khoe mình có mối quan hệ thân thiết với những người có thẩm quyền tại các cơ quan, trường học có khả năng xin việc và xin điểm thi, bị cáo bảo những người trong gia đình bị hại muốn có việc, đạt đủ điểm (điểm các môn thi bị “nợ”) thì đưa tiền để bị cáo “chạy”, xin giùm. Tin vào mối thân tình, tin vào nghề nghiệp của bị cáo, nên người anh cả không đắn đo suy nghĩ giao 175 triệu đồng tích cóp bao năm, hi vọng em gái (tốt nghiệp đại học đã lâu) có cơ hội vào làm kế toán tại một công ty ở Huế.

Việc của người em gái chưa thấy đâu, bị cáo lại “gạ” xin cho em rể của bị hại vào làm kỹ sư tại một cơ quan sở, với “giá” 63 triệu đồng. Tiếp đó, bị cáo bảo sẽ xin cho một thành viên khác vào dạy tại một trường trên địa bàn thị xã Hương Trà, gia đình bị hại lại tiếp tục “sa bẫy”, giao cho bị cáo 120 triệu đồng. Với thủ đoạn tương tự, bị cáo chiếm đoạt tiếp của người cháu trong gia đình (đang học đại học) 47 triệu đồng để xin điểm cho 17 môn học mà cậu này còn thiếu. Trước tòa, bị cáo khai tổng số tiền chiếm đoạt được đã tiêu xài hết, không đem đồng nào về cho vợ con.

Từ khi sự việc bị vỡ lở, gia đình bị hại ai nấy đều bàng hoàng, chua xót. Đến lúc ra tòa, trong ánh mắt, nét mặt của họ vẫn còn nguyên nỗi bàng hoàng, chua xót. Lúc đại diện viện kiểm sát công bố cáo trạng, lúc bị cáo khai nhận tội, bị hại trình bày trước hội đồng xét xử, những người dự khán không khỏi xì xào, bàn tán. Đối với bị hại, thương nhưng cũng đáng giận. Chính sự cả tin của mình lại “tiếp tay” cho kẻ xấu. Thủ đoạn lừa đảo “chạy” việc không còn mới mẻ. Ấy vậy mà, gia đình nạn nhân lại 4 lần dễ dàng “sập bẫy” trong “một tay” bị cáo.

“Tui bòn từng đồng để nuôi con ăn học…”, là câu nói nghèn nghẹn của bố bị hại (người bố quanh năm suốt tháng chân lấm tay bùn, còng lưng đổ mồ hôi trên đồng ruộng) khiến ai nấy cũng nghẹn lòng. Tất nhiên, hành vi lừa đảo chiếm đoạt 47 triệu đồng để “xin điểm” là đáng lên án, bị pháp luật xử lý. Thế nhưng, việc cậu con trai phụ lòng cha, không lo học hành, thiếu điểm “triền miên”, phải cậy nhờ cha mẹ, định dùng tiền để “mua”, là điều khó có thể thông cảm. Gia đình xuôi theo con cũng là một kiểu “tiếp tay” cho việc làm không đúng. Hội đồng xét xử phân tích, là bị hại trong vụ án nên được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, tòa cũng phê bình về hành vi đạo đức của bị hại. “Là sinh viên, việc của anh là học để trau dồi kiến thức, kỹ năng. Điểm có được là do học tập mà có, chứ không phải dùng tiền để mua”- vị hội thẩm nhân dân nhấn mạnh. Bị hại cúi mặt ngại ngùng...

TAND TP. Huế tuyên phạt bị cáo 8 năm 6 tháng tù. Vợ bị cáo đã thay chồng nộp khắc phục hậu quả 10 triệu đồng, nên tòa buộc bị cáo phải bồi thường tiếp số tiền 395 triệu đồng cho các bị hại. Tòa tuyên bị cáo phải trả lại tiền, thế nhưng mặt mũi các bị hại ai nấy vẫn ỉu xìu. Có lẽ họ hiểu rằng, lấy lại được số tiền “mồ hôi nước mắt” đó còn khó hơn cả lên trời hái sao.

Phan Hoàng Mai

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hậu quả đáng tiếc

Hành động trái pháp luật, người phụ nữ ấy không những không “giữ” được phần tài sản mà tòa án đã chia cho chồng mà còn vướng vòng lao lý...

Hậu quả đáng tiếc

TIN MỚI

Return to top