ClockThứ Sáu, 31/03/2017 14:12

Chuyện ngoài mong muốn

TTH - Nguyên đơn là anh cả. Bị đơn là em dâu và các cháu (tức vợ, con của người em trai kế đã mất). Em trai út có mặt làm chứng tại phiên tòa dân sự tranh chấp tài sản do TAND TP. Huế xét xử. Sáng ấy chỉ se se, nhưng nguyên đơn tuổi gần 80 ngồi co ro chừng như đang lạnh lắm. Đôi mắt chừng như mờ đi khi ông trình bày “câu chuyện” không hề mong muốn.

Căng thẳng

Theo nguyên đơn: Thửa đất diện tích 110 m2, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, tọa lạc mặt tiền đường Bà Triệu (TP. Huế) tòa định giá 3,9 tỷ đồng, hiện do bị đơn và các cháu sử dụng, nguồn gốc do ông tạo lập.

Cách đây chừng 50 năm (lúc đó nguyên đơn 30 tuổi) thương cha mẹ nghèo mãi đi ở nhà thuê, làm thuê làm mướn nuôi con, ông gom số tiền dành dụm được mua miếng đất nêu trên. Mãi 3 năm sau, vào năm 1970 ông mới có tiền dựng nhà, đưa cha mẹ và các em về ở. Năm 1981, em dâu về làm dâu, cùng ở với cha mẹ chồng. Năm 1985, nguyên đơn mời cha mẹ, các em  họp gia đình, xác nhận bằng một biên bản nội dung, nhà là do nguyên đơn mua. Cha, mẹ, và các em đều nhất trí ký vào biên bản. Năm 1997, Nhà nước có chính sách làm mộc kê để quản lý và đóng thuế, nguyên đơn thực hiện thủ tục này. Sổ mộc kê do một mình ông đứng tên.

Cha rồi mẹ lần lượt qua đời, vợ chồng, con cái bị đơn tiếp tục ở. Năm 2009, em trai nguyên đơn mất. Một thời gian sau, em dâu đòi bán nhà, chia tài sản. Nguyên đơn không đồng ý vì lý do nhà do mình tạo lập, không phải là di sản của cha mẹ để lại. Em dâu “co kéo” với anh chồng nhiều năm. Trong gia đình không tự giải quyết được nên nguyên đơn đành khởi kiện ra tòa án, đòi lại nhà.

Nguyên đơn bức xúc cho rằng, em dâu quản lý sử dụng nhà, tiền cho thuê mặt bằng cả chục triệu đồng/tháng ông cũng không có ý kiến gì. Vậy mà “bà ấy” gây trở ngại việc thăm nom, hương khói, kỵ giỗ cha mẹ. Ông mua đất làm nhà là để cha mẹ ở. Cha mất, còn mẹ. Mẹ mất còn các con phụng thờ hương khói. Không ngờ em trai của ông cũng mất nên “bà ấy” chiếm đất. Bị đơn gào lớn: “Anh ăn nói cho đàng hoàng. Ai chiếm đất? Không được chỉ tay vô mặt người khác”. Thẩm phán chủ tọa phải nhắc nhở: “Hai bên không được cãi nhau tay đôi”.

Trĩu nặng tâm tư

Trả lời tòa về thắc mắc của bị đơn, bà đã về làm dâu năm 1981, tại sao biên bản họp gia đình năm 1985, mà bà không có mặt, nguyên đơn lý giải vì tài sản có trước khi bị đơn về làm dâu. Lúc đó, đã có em trai ông (chồng bị đơn) tham gia cuộc họp gia đình. Bị đơn cho rằng, chữ ký trong biên bản họp gia đình, không phải là chữ ký của chồng bà. Lúc này tòa đặt câu hỏi, tại sao tòa tạo điều kiện để bị đơn đi giám định chữ ký, bà lại không làm? Theo bị đơn, bà không thu thập được chữ ký của chồng mười năm trước và 10 năm sau thời điểm lập biên bản, cũng không có tiền để làm giám định.

Trả lời câu hỏi tòa đặt ra, vì sao mua nhà đất (nêu trên) nhưng nguyên đơn không ở, lại ở chỗ khác, giọng nguyên đơn không nén nổi bùi ngùi. Ông trình bày, cha mẹ vì vất vả nuôi con nên rất nghèo khổ, không có nhà. Thương cha mẹ nên dù bản thân cũng đang ở trọ, nhưng ông cũng dùng tiền dành dụm được mua đất, làm nhà  để cha mẹ và các em ở. Lúc đó nhà chật chội nên ông vẫn ở thuê, tiếp tục làm lụng ki cóp mãi sau này mới mua được miếng đất ở đường Nguyễn Sinh Cung. Tòa quay qua hỏi, nếu cho rằng nhà đất đang tranh chấp là của cha mẹ chồng để lại, bị đơn có giấy tờ gì để chứng minh? Bị đơn cho rằng bà về làm dâu sau này nên không biết giấy tờ gì. Người em trai út (là nhân chứng) trình bày: Ông ở Sài Gòn cũng không có nhà, đang ở trọ. Nhưng nhà đất ở đường Bà Triệu (TP.Huế) là của anh trai cả nên sau khi cha mẹ mất, ông không thể đòi hỏi, chia phần.

Theo nguyên đơn, sau khi em trai mất nếu em dâu và các cháu ở êm đẹp thì không sao, nhưng “bà ấy” đòi bán nhà nên xảy ra chuyện. Đến nước này, ông đồng ý hỗ trợ 500 triệu đồng để em dâu và các cháu ra khỏi nhà, tìm chỗ ở mới. Bị đơn  khăng khăng, chia tài sản của cha mẹ chồng để lại thì bà nhận chứ không nhận sự hỗ trợ của nguyên đơn. Lúc này người em út thốt lên: “Chị ơi, mấy cháu ơi, không có tòa án nào bằng tòa án lương tâm. Nghĩ lại đi. Anh không đời nào để chị và mấy cháu thiệt thòi mô”. Nhưng bị đơn vẫn không “lay chuyển”.

Một tuần sau phiên xét xử, tòa tuyên án. Căn cứ các tài liệu chứng cứ đã thu thập, xác minh, lời trình bày các bên đã thẩm định tại phiên tòa, TAND TP.Huế chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Tòa nhận định, bị đơn không đồng ý nhận 500 triệu đồng nguyên đơn đề nghị hỗ trợ, nhưng quá trình sử dụng, đã góp phần làm tăng giá trị của bất động sản, nên xử buộc nguyên đơn thanh toán 10% giá trị tài sản cho bị đơn là 390 triệu, 40 triệu đồng bị đơn đã từng bỏ ra sửa chữa nhà.

Bị đơn và mấy người con đuổi theo hội đồng xét xử la ó, phản đối. Thắng kiện, nhưng nguyên đơn không hề tỏ ra vui mừng, đứng lặng ngoài hành lang phòng xét xử, gương mặt già nua trĩu nặng tâm tư...

QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Truyền thông phòng chống tội phạm ma túy nhân Ngày Pháp luật Việt Nam

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, sáng 9/11, tại phường Thủy Lương, Viện KSND TX. Hương Thủy phối hợp Thị đoàn và Hội Luật gia thị xã tổ chức phiên toà giả định vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” nhằm tuyên truyền, phòng chống tội phạm phạm ma túy.

Truyền thông phòng chống tội phạm ma túy nhân Ngày Pháp luật Việt Nam
Phiên tòa giả định: Án giả nhưng hiệu quả thật

Được xây dựng từ các tình tiết của những vụ án có thật, gắn với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, trình độ dân cư vùng miền, những “Phiên tòa giả định” (PTGĐ) do các cơ quan tố tụng tổ chức được xem là một trong những mô hình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đoàn viên, thanh niên và học sinh, sinh viên.

Phiên tòa giả định Án giả nhưng hiệu quả thật
Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thông qua phiên toà giả định

Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Quảng Điền vừa phối hợp với UBND xã Quảng Ngạn tổ chức “Phiên tòa giả định tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân” nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong đoàn viên, thanh niên và Nhân dân trên địa bàn huyện.

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thông qua phiên toà giả định

TIN MỚI

Return to top