Tranh chấp quyền thừa kế
|
Ông Sanh, bà Thí và bà Mùi đang ở trong ngôi nhà tạm bợ
|
Đơn khiếu nại và tố cáo cho biết, nguyên thửa đất số 33, tờ bản đồ số 44, diện tích 1.409m2, tọa lạc tại tổ 25, khu vực 5, phường Vỹ Dạ (nay là số nhà 26 Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ, TP Huế) là của vợ chồng ông Tống Phước Song-bà Huỳnh Thị Lý (bố mẹ của bà Thí, bà Mùi và ông, bà nội của ông Sanh) sử dụng ổn định từ năm 1936. Ông Song và bà Lý có 6 người con. Năm 1985, ông Song chết, bà Lý tiếp tục quản lý, sử dụng thửa đất này. Năm 1998, bà Lý được UBND phường Vỹ Dạ cấp giấy chứng nhận chủ sử dụng thửa đất trên; đồng thời, 5 người con bao gồm bà Thí, bà Mùi, bà Thương, bà Hoa, bà Mãi (trừ ông Tống Phước Sanh, cháu nội ông Song) làm giấy khước từ di sản thừa kế và giao lại cho bà Lý toàn quyền sử dụng. Ngày 6/4/2000, bà Huỳnh Thị Lý lập di chúc để lại toàn bộ thửa đất này cho 3 đồng thừa kế là ông Sanh, bà Thí và bà Mùi. Di chúc này được bà Lý điểm chỉ và có chứng thực của UBND phường Vỹ Dạ. Ngày 21/9/2000 bà Lý chết do già yếu.
Thửa đất do bà Lý để lại tiếp tục được 3 đồng thừa kế quản lý, sử dụng và được bà Tống Thị Thí đứng ra kê khai làm các thủ tục đền bù do nằm trong quy hoạch dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu quy hoạch Vỹ Dạ 7. Từ năm 2005, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và TĐC TP Huế bắt đầu tiến hành kiểm kê, thẩm định và lập thủ tục đền bù thực hiện quy hoạch. Lô đất của bà Huỳnh Thị Lý bị Nhà nước thu hồi 540,7m2 để làm đường. Tổng giá trị bồi thường hỗ trợ là 3.160.106.000 đồng. Ngày 18/5/2012, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và TĐC TP.Huế có công văn thông báo kế hoạch chi trả kinh phí bồi thường cho ông Sanh và các đồng thừa kế vào ngày 23/5/2012. Ông Sanh và 2 người cô ruột của mình đã 5 lần thực hiện thủ tục nhận tiền bồi thường theo quy định của pháp luật nhưng Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và TĐC TP Huế không chi trả với lý do các đồng thừa kế đang có đơn khiếu nại.
Có cần sự thỏa thuận của các đồng thừa kế?
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế (trước đây là Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và TĐC) khẳng định, các quyết định phê duyệt giá trị bồi thường khi giải tỏa đều nêu rõ là đền bù cho các đồng thừa kế của ông Tống Phước Song và bà Huỳnh Thị Lý. Hơn nữa, bản di chúc của bà Lý được lập trái pháp luật (Theo Khoản 3, Điều 655 Bộ luật Dân sự năm 1995, di chúc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có chứng nhận của công chứng Nhà nước hoặc chứng nhận của UBND xã, phường, thị trấn. Tại điều 659 cũng ghi rõ: trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết ra di chúc, thì phải nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất 2 người làm chứng...). Đơn khiếu nại của bà Tống Thị Thương gửi cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế cho rằng, cũng như ông Sanh, bà Thí và bà Mùi, 3 người con khác của vợ chồng bà Lý phải được hưởng phần tiền bồi thường nói trên. Vì vậy, phía Trung tâm yêu cầu phải có sự thỏa thuận và ủy quyền cho 1 trong số 6 đồng thừa kế của ông Song bà Lý. Hiện các bên đang có tranh chấp và không có sự ủy quyền hợp pháp cho ai đứng ra nhận tiền đền bù, nên cơ quan có thẩm quyền chưa thể giao các khoản tiền đền bù cho bất cứ một người thừa kế nào.
Trao đổi với chúng tôi, ông Sanh cho biết, từ trước đến nay, ông và hai người cô là bà Mùi, bà Thí đã sinh sống ổn định trên thửa đất này. Các người cô khác như bà Mão, bà Thương và bà Hoa (bà Hoa đã mất năm 2002) đã có nhà ở ổn định nơi khác. Hơn nữa, các bà cô này đều có giấy khước từ di sản do cha mẹ để lại và giao toàn quyền quyết định thửa đất cho mẹ là bà Lý. Do đó, việc bà Lý để lại di chúc thửa đất này cho ông và 2 bà cô là bà Thí, bà Mùi tiếp tục quản lý, sử dụng; đồng thời trông nom nhà thờ là đúng theo quy định của pháp luật. Các trường hợp tranh chấp thửa đất này và tranh chấp tiền đền bù là không có cơ sở. Tháng 12/2012, UBND TP Huế cưỡng chế thu hồi diện tích đất trên khiến gia đình ông lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, không có nhà để ở và cũng không nhận được tiền đền bù, hỗ trợ...
Hiện nay, ông Sanh, bà Thí và bà Mùi đang sống ở ngôi nhà tạm bợ. Để tạo điều kiện trước mắt cho các hộ bị giải tỏa ổn định cuộc sống, phía Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế nên xem xét, tạo điều kiện cho ông Sanh, bà Thí, bà Mùi được nhận 1 phần tiền đền bù theo tỷ lệ tương ứng để họ có điều kiện xây dựng lại nhà cửa. Về lâu dài, nếu gia đình ông Sanh không tự thỏa thuận được với nhau, cần gửi đơn đến TAND TP Huế để giải quyết dứt điểm việc tranh chấp.
Luật sư Trần Nguyễn Hữu Chi, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh:
Các đồng thừa kế theo di chúc đều được nhận tiền bồi thường
Từ năm 1998, bà Lý đã là người toàn quyền sử dụng lô đất trên nên bản di chúc của bà là hợp pháp. Theo Khoản 1, Điều 661 Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định: Việc lập di chúc tại Công chứng Nhà nước hoặc UBND xã, phường, thị trấn phải tuân theo thủ tục sau đây: Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc. Mặt khác, di chúc này cũng được UBND phường Vĩ Dạ xác nhận được lập trong tình trạng bà Lý minh mẫn, không bị ai ép buộc… Như vậy, chiếu theo quy định của pháp luật, ông Sanh, bà Thí và bà Mùi là những người thừa kế theo di chúc đều được nhận khoản tiền bồi thường trên. Người con nào của vợ chồng bà Lý không đồng ý với các đồng thừa kế theo di chúc thì phải yêu cầu tòa án giải quyết. Cán bộ Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và TĐC TP Huế tự cho di chúc của bà Lý không hợp pháp để không chi trả tiền bồi thường là chưa hợp lý.
Luật gia Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia tỉnh, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Thuận Hóa:
Cho các đồng thừa kế tạm ứng số tiền tương ứng để sửa chữa nhà ở
Thửa đất số 33, tờ bản đồ số 44, diện tích 1.409m2, tọa lạc tại tổ 25, khu vực 5, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế có nguồn gốc do bố mẹ ông Song tạo lập từ năm 1936 để lại cho vợ chồng ông Song, bà Lý. Ông Song (sinh 1907), chết năm 1985 (không có di chúc). Với thực trạng hồ sơ như đã nêu thì chưa đủ cơ sở để bà Lý đứng tên là chủ sử dụng đất và chủ sở hữu nhà ở vì ông Sanh là người thừa kế thế vị từ ông nội chưa có thủ tục khước từ nhận di sản. Việc Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và TĐC TP Huế chưa thể chi trả tiền bồi thường với lý do đang có tranh chấp về di chúc, theo tôi là có cơ sở pháp lý. Nếu không có sự ủy quyền hợp pháp cho ai đứng ra nhận tiền đền bù... thì cơ quan có thẩm quyền chưa thể giao khoản tiền đền bù cho bất cứ một người thừa kế nào được. Tuy nhiên, nơi sinh hoạt hiện nay của cả gia đình ông Sanh, hai bà cô và các cháu nhỏ là ngôi nhà tạm bợ sẽ không đảm bảo, nhất là mùa mưa bão sắp tới. Trong khi chờ giải quyết tranh chấp giữa các đồng thừa kế. Theo tôi, cơ quan có thẩm quyền có thể tạm phân chia trên số những người thừa kế theo luật và lập biên bản cho những người thừa kế đang cư trú tại đây tạm ứng số tiền tương ứng dùng vào việc sửa chữa, tôn tạo nhà ở phục vụ nhu cầu cuộc sống, sinh hoạt. Tóm lại, vụ việc này cần phải sớm có biện pháp giải quyết, nếu kéo dài tình trạng này, quyền lợi của những người thừa kế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thanh Hải (thực hiện)
Ông Hoàng Minh Tâm, nguyên cán bộ ngành TAND tỉnh:
“Có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án chia tài sản chung”
Có dịp nghiên cứu hồ sơ khiếu nại, tố cáo của ông Sanh, bà Thí, bà Mùi, chúng tôi nhận thấy, Bản di chúc của bà Huỳnh Thị Lý lập trong trường hợp bà không biết chữ, phải điểm chỉ, thì phải có hai người làm chứng bằng văn bản và được công chứng hoặc chứng thực mới phù hợp pháp luật. Mặt khác, tại Điều 734 Bộ luật Dân sự qui định về thừa kế quyền sử dụng đất, thì: Người được giao đất, cho thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mới có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất cho người khác. Bà Lý để thừa kế quyền sử dụng đất, khi chưa thỏa mãn các điều kiện nói trên, nên di chúc không có hiệu lực pháp luật… Phần tài sản được Nhà nước bồi thường, đó là tài sản chung của các người thừa kế, nếu tranh chấp, thì người thuộc hàng thừa kế của vợ chồng ông Song có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết chia tài sản chung.
Duy Trí (ghi)
|