Vượt những quãng đường vắng hun hút, qua hai con suối, nhiều lần dừng lại hỏi đường, chúng tôi mới tìm được nhà bị cáo. Trong căn nhà trống hoang, không bàn ghế, chẳng có vật dụng gì ngoài mấy chiếc giường cũ, người phụ nữ trẻ ôm đứa con 16 tháng tuổi đang thiêm thiếp ngủ trong cơn sốt, ngồi bệt dưới sàn xi măng. Chị kể câu chuyện buồn với giọng gần như tiếng thở dài.
Tài sản của gia đình ngoài hai cánh rừng mới trồng chưa đến mùa thu hoạch, chẳng có gì đáng giá. Hàng ngày, vợ chồng đi làm thuê nuôi 4 đứa con nhỏ và người mẹ chồng bị liệt. Dù lao động cật lực, gia đình chị vẫn rơi vào cảnh bữa no bữa đói, thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Vợ chồng chị đổ công sức vào việc trồng và chăm sóc rừng, với biết bao hi vọng đến mùa thu hoạch. Vậy nên, thấy cây rừng bị chặt phá, chồng chị xót ruột, đi hỏi hàng xóm cho ra nhẽ. Không ngờ xảy ra sự việc đau lòng.
Biết hành động sai lầm của mình gây hậu quả hết sức nghiêm trọng, làm mất một mạng người, chồng chị vô cùng day dứt và ân hận. Họ quyết định bán hai cánh rừng để lấy tiền khắc phục một phần hậu quả, bồi thường tiền thuốc men lúc nạn nhân cấp cứu tại bệnh viện, tiền mai táng, một phần cấp dưỡng cho các con chưa thành niên của bị hại, tổng cộng 60 triệu đồng. Tai ương nối tiếp, anh bị bắt tạm giam 2 tháng thì người mẹ bại liệt lìa đời. Trước sự kiện tang thương này, chồng chị được cho về lo đám tang mẹ và được tại ngoại đến ngày xét xử. “Gia đình em rất cảm kích vì gia đình nạn nhân đã rộng lòng tha thứ, viết đơn bãi nại, tại phiên tòa cũng xin tòa giảm nhẹ mức án cho chồng em. Tòa xử chồng em 5 năm tù, anh chấp nhận bản án nên không làm đơn kháng cáo xin giảm thêm”, người phụ nữ kết thúc câu chuyện.
Ông Trương Công Thi, Chánh án TAND huyện Phú Lộc: “Hội đồng xét xử đã áp dụng đầy đủ mọi tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo theo quy định của pháp luật, áp dụng mức án phù hợp, thấu tình đạt lý, tạo cơ hội cho bị cáo cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng”.
|
Gia đình bị hại, từ ngày cha mất, cô con gái lớn năm nay vào lớp 10 phải nghỉ học, kiếm việc làm phụ mẹ nuôi 2 em. Vợ bị hại buồn buồn kể. “Tội nghiệp thằng út đang học lớp 2, thường ngày nó quấn ba nhất. Khi ba còn sống, mỗi lúc đi học hay đi mô ra khỏi nhà, nó đều vòng tay lễ phép chào ba. Bây chừ, nó đến bàn thờ, đứng trước di ảnh ba mà thưa... Nhưng sự việc xảy ra cũng ngoài ý muốn. Mình đau, mình khổ, người ta cũng chẳng sung sướng chi, nên mình cũng rộng lòng tha thứ. Chồng tui không may thiệt mạng, nhưng hai gia đình vẫn là hàng xóm láng giềng, còn sống với nhau mãi, thôi thì làm điều chi tốt đẹp được cho nhau thì làm”.
Mẹ nạn nhân cũng ngậm ngùi, xót xa: “Con dâu tui (vợ nạn nhân) mất chồng thì thật là khổ rồi, nhưng dù răng nhà vẫn còn rừng để bám vào mà sinh sống. Chứ “bên kia” rừng đã bán hết, nghe mô được trăm triệu đồng, bồi thường cho gia đình tui 60 triệu. Số tiền còn lại lo đám tang mẹ, chồng đi tù, vợ một mình ôm con dại đau ốm, không lao động được không biết sống ra răng?
Nếu như lường được một gia đình vợ sẽ mất chồng, con sẽ mất cha, gia đình kia, vợ con rơi vào đói khổ cùng cực, thì có lẽ bị hại và bị cáo trong vụ án này sẽ chẳng bao giờ hành động quá đà khiến người thiệt mạng kẻ ngồi tù, kéo theo bao hệ lụy đau lòng. May mà, gia đình bị cáo thực sự ăn năn hối hận và người thân bị hại bao dung vị tha, nên cuộc sống của họ dù còn nhiều cực khổ vẫn rất nhiều hi vọng về ngày mai tốt đẹp hơn.