Phiên tòa diễn ra ngày 27/9, do Chánh án TAND huyện Phú Lộc, Trương Công Thi làm chủ tọa. Dù trời mưa to, nhưng rất nhiều người dân xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc vẫn đội mưa đến trụ sở TAND huyện để nghe xét xử vụ án tranh chấp trâu giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Bùi Dũng (thôn 8, xã Lộc Hoà) và bị đơn là ông Huỳnh Hùng (thôn 6, xã Lộc Hòa).
Gay cấn việc tranh chấp
|
Chánh án Trương Công Thi trong lần thẩm định tại chỗ tại chuồng trâu nhà ông Hùng (ảnh từ clip)
|
|
Những người làm chứng tại phiên tòa cam kết khai đúng sự thật. Ảnh: Quỳnh Anh
|
Theo ông Dũng: Tháng 12/2012, vợ chồng ông Dũng mua của ông Nguyễn Thuận 1 con trâu mẹ đang có chửa 04 tháng với giá 20 triệu đồng. Mua xong, ông Dũng đưa trâu về nhà nuôi 15 ngày. Sau đó, ông Thuận thả bầy trâu vào rừng nên ông Dũng cũng đưa trâu vào thả cùng bầy trâu của ông Thuận trong rừng. Trong thời gian thả trâu vào rừng, ông Dũng vào thăm trâu 3 lần, nhưng đến lần thứ ba là ngày 05/5/2013, khi vào thăm thì phát hiện trâu bị mất. Ông Dũng thuê người đi tìm, phát hiện con trâu của mình đang nằm trong đàn trâu của ông Hùng. Ông Dũng đến xin lại trâu nhưng ông Hùng không chịu trả và nhất quyết nói đó là trâu của mình. Lúc này, ông Dũng phát hiện con trâu của ông, đang do ông Hùng giữ, đã bị làm dấu sau mông, đồng thời phát hiện con trâu đã sinh nghé. Hai bên không tự giải quyết được, ông Dũng nhờ chính quyền địa phương can thiệp, sau đó “cầu cứu” Tòa án.
Theo ông Trương Công Thi, đây là vụ án rất đặc thù và khó. Bởi lẽ, đối tượng tranh chấp là súc vật do người dân nuôi thả trong rừng nên rất khó để xác định chủ sở hữu. Do đó, quá trình điều tra, xác minh, thẩm định, xét xử phải hết sức thận trọng, khách quan, để người dân tin tưởng vào pháp luật.
|
Ông Hùng lại cho rằng, con trâu mẹ đang tranh chấp, có 5 năm tuổi, là con kế út của con trâu mẹ đầu đàn (gọi là trâu Sứt) của gia đình ông, sinh ra. Trâu Sứt quá già nên đã bị bán để mổ thịt. Đầu tháng 04/2013, trâu mẹ đang có tranh chấp đẻ nghé con. Con trâu này ông Hùng làm dấu tròn sau mông, bằng cách lấy thanh sắt, bẻ vòng tròn hơ vào lửa cho nóng, rồi đè lên mông phải của con trâu, tránh lẫn lộn. Thời gian làm dấu là vào tháng 03/2013. Ông Hùng khẳng định, con trâu mẹ và con nghé đang tranh chấp, thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông.
Khi được hỏi đặc điểm nhận dạng và đặc tính của con trâu đang tranh chấp, cả ông Dũng và ông Hùng đều miêu tả giống y chang nhau. Cả hai bên đều đưa ra lý lẽ, con người mới có đăng ký nhân khẩu, xe mới có đăng ký biển kiểm soát, riêng trâu thì không. Để biết trâu của ai chỉ có thể “chứng minh bằng cảm thức”. Ai cũng khẳng định hai con trâu đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của mình, khiến tòa cũng phải “đau đầu”. Tuy nhiên, trong khi ông Hùng không có bất kỳ người nào làm chứng, để chứng minh con trâu đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của mình, thì có 7 người làm chứng xác nhận, con trâu thuộc sở hữu của ông Dũng. Những người làm chứng đều có “thâm niên” nuôi trâu. Họ khẳng định, chỉ cần nhìn “mặt” trâu là phân biệt được giữa con trâu này và con trâu khác. Sở dĩ họ “nhớ mặt” con trâu đang tranh chấp là vì lần đầu tiên ông Dũng mua được con trâu nên ai cũng đến xem và chúc mừng. Nhưng khi tòa hỏi có ai có cách nhận dạng khác dựa trên cơ sở khoa học, chứ không phải dựa vào cảm tính thì không ai lên tiếng. Chủ tọa thốt lên: “giá mà con trâu biết nói...”.
Phán quyết được đồng tình
Phiên tòa “tranh ngưu” diễn ra căng thẳng, nguyên đơn và bị đơn đều bảo vệ lý lẽ của mình. Tuy nhiên, sau khi xem xét, đánh giá mọi tình tiết, chứng cứ thể hiện tại phiên tòa và thể hiện trong cả quá trình tòa án điều tra thu thập chứng cứ, thẩm định... HĐXX nhận định: Trong 8 người làm chứng, có 7 người xác nhận con trâu đang tranh chấp là trâu ông Dũng, còn 1 người không khẳng định con trâu đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ai.
Quá trình từ khi diễn ra tranh chấp đến lúc xét xử, lời khai của ông Dũng luôn thống nhất, trong khi đó lời khai của ông Hùng có nhiều mâu thuẫn. Ông Hùng còn có nhiều hành vi cản trở khi cơ quan pháp luật thu thập chứng cứ. Lập luận quan trọng khác, chính là kết quả thẩm định trực tiếp. Theo đó, khi thực hiện hai phương pháp thẩm định tại chỗ cho kết quả: Con trâu đang tranh chấp nhốt trong chuồng trâu nhà ông Hùng có hiện tượng đứng riêng lẻ. Khi lùa con trâu này vào giữa đàn trâu thì con trâu này tự tách ra đứng riêng. Khi lùa trâu tranh chấp vào đàn trâu của chủ trước của con trâu nguyên đơn mua, thì con trâu tranh chấp tỏ ra thân thiện.
Mặt khác, phúc đáp Quyết định trưng cầu giám định của TAND huyện Phú Lộc, Trạm Thú y huyện kết luận về độ tuổi, đặc điểm, đặc tính của con trâu và kết luận con trâu đang tranh chấp có nhiều khả năng trước đây không thuộc bầy đàn với đàn trâu của ông Hùng. Riêng nội dung giám định xác định con trâu đang tranh chấp có thuộc bầy đàn của ông Thuận (là người bán trâu cho ông Dũng) hay không, không thực hiện được, vì bị đơn (ông Hùng) cản trở quyết liệt. Từ những chứng cứ phân tích nêu trên, HĐXX đã tuyên hai con trâu đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn (ông Dũng). Tất cả người dân tham dự phiên tòa (trừ người thua kiện) đồng tình với quyết định của tòa án. Họ cho rằng, đây là phán quyết thấu tình đạt lý.