ClockThứ Ba, 22/05/2018 13:45

Cảnh báo mất an toàn trong lao động

TTH - Bốn tháng đầu năm 2018, Thanh tra Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội nhận được khai báo, tin báo 5 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trong quá trình sản xuất, trong đó có 4 vụ làm chết 4 người.

Nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu, phòng chống bệnh nghề nghiệpPhát động Tháng An toàn vệ sinh lao độngMức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động

Cần đảm bảo an toàn khi làm việc ở trên cao. Ảnh minh họa

Không an toàn

Mới nhất là trong tháng 4, tại công trình thi công cửa hàng xăng dầu trên đường Ngự Bình (TP. Huế), nhóm công nhân đang đổ bê tông sàn trần cây xăng thì giàn giáo bất ngờ đổ sập. 9 người bị thương phải vào bệnh viện cấp cứu, may mắn là tất cả chỉ bị thương nhẹ.

Thông tin từ Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, trong 4 tháng đầu năm, Thanh tra Sở nhận được khai báo, tin báo 5 vụ TNLĐ nghiêm trọng, trong đó có 4 vụ làm chết 4 người. Các vụ TNLĐ dẫn đến chết người đều xảy ra trong lĩnh vực xây dựng, sửa chữa máy móc nhà máy, đa phần là do sập giàn giáo, ngã từ trên cao. Năm 2017, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH nhận được khai báo, tin báo 10 vụ tai nạn xảy ra khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, hoặc đi trên đường khi thực hiện nhiệm vụ được phân công... Không nhận được khai báo, tin báo vụ TNLĐ nghiêm trọng, chết người nào xảy ra trong quá trình sản xuất.

Ông Hoàng Văn Phước, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Trong năm 2018, các công trình xây dựng ở Thừa Thiên Huế tăng nên cần sử dụng một số lượng lao động lớn. Đặc thù của ngành xây dựng là sử dụng lao động thời vụ, đa số xuất phát từ nông thôn và làm thêm lúc nông nhàn. Những lao động này thiếu kinh nghiệm làm việc trên cao, hơn nữa, công tác huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động (AT,VSLĐ) cho lao động thời vụ chưa được một số doanh nghiệp quan tâm đúng mức”.

Siết chặt

Theo ông Lê Quang Thuần, Chuyên viên Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH, nhận thức của người sử dụng lao động về AT,VSLĐ chưa đầy đủ, còn quá đơn giản nên không tổ chức huấn luyện AT,VSLĐ cho người lao động; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; không có nội quy, quy trình làm việc an toàn cho máy, thiết bị…

Ý thức chấp hành pháp luật về AT,VSLĐ của người lao động còn thấp, chỉ mong có việc làm, có thu nhập mà chưa quan tâm đến việc tuân thủ quy trình làm việc an toàn. Đến các công trường, không hiếm gặp những tình huống người lao động không tuân thủ các biện pháp bảo đảm ATLĐ, nội quy, quy trình làm việc an toàn cũng như không sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân, không dự các khóa huấn luyện về AT,VSLĐ do người sử dụng lao động tổ chức.

Mới đây, Sở LĐ-TB&XH tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về AT,VSLĐ tại các công trình lớn trên địa bàn. Đa số các nhà thầu lớn đều trang bị các trang thiết bị đảm bảo yêu cầu. Tuy vậy, vẫn còn một số chệch choạc.

Ông Phan Quang Trung, Phó Chánh thanh tra Phụ trách Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cho hay: “Qua thanh tra, các doanh nghiệp đã tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về ATLĐ. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ trong việc trang bị các phương tiện bảo hộ cá nhân, xây dựng nội quy, quy trình biện pháp AT,VSLĐ tại nơi làm việc, chưa thường xuyên giám sát, nhắc nhở người lao động trong quá trình lao động...”.

Đối với các công trình dân dụng nhỏ lẻ, khâu kiểm tra, giám sát của cán bộ LĐ-TB&XH cấp xã, phường, thị trấn đang còn hạn chế. Ông Phước đề nghị: “Đối với các công trình dân dụng, xây nhà tư nhân ở các địa phương thì cán bộ LĐ-TB&XH theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tham mưu cho UBND xã, phường, thị trấn xử lý những trường hợp không đảm bảo ATLĐ”. 

Sở LĐ-TB&XH khuyến cáo người sử dụng lao động rà soát các quy định của pháp luật về AT,VSLĐ để thực hiện đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, nhằm phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Các chủ sử dụng lao động không thể bỏ qua khâu tập huấn về an toàn cho người lao động làm việc ở những nơi có tính chất nguy hiểm.

Trong Tháng AT,VSLĐ năm nay (tháng 5/2018), ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn về ATLĐ cho các doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH còn tổ chức tập huấn cho lao động phổ thông ở nông thôn, nhất là ở các địa phương có đông lao động tham gia làm việc ở các công trình xây dựng. Một biện pháp quan trọng nữa là, Sở LĐ-TB&XH cần tăng cường chế tài đối với các doanh nghiệp không thực hiện tốt công tác AT,VSLĐ. Ông Thuần nhấn mạnh: “Hiện nay, việc xử lý các vụ TNLĐ nghiêm trọng và chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Các vụ TNLĐ chết người hầu hết đều xử lý hành chính nội bộ, số vụ truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ chiếm khoảng 2% nên không có tác dụng giáo dục, phòng ngừa việc tái diễn và thiếu các giải pháp hữu hiệu để giảm TNLĐ”.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu nối thị trường lao động

Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thành phố Huế hoạt động định kỳ và thường xuyên theo hình thức trực tiếp, trực tuyến đã giúp kết nối nhu cầu của người tìm việc và việc tìm người hiệu quả, minh bạch.

Cầu nối thị trường lao động
Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

Chiều 19/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị có các UVTV Tỉnh ủy: Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Chí Tài, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S
Nguy cơ mất an toàn tại các "điểm đen" giao thông

Gần đây, hệ thống giao thông ở Phong Điền không ngừng được đầu tư, nâng cấp, kết nối thông suốt. Tuy nhiên, hiện tại các ngã ba, ngã tư ở các quốc lộ (QL), tỉnh lộ (TL)… qua địa bàn Phong Điền có nguy cơ thành “điểm đen”, mất an toàn giao thông (ATGT).

Nguy cơ mất an toàn tại các điểm đen giao thông

TIN MỚI

Return to top