Nhiều ngư dân muốn học nghề tại địa phương Ảnh: Đức Quang
Từ khi xảy ra hiện tượng cá chết, Thừa Thiên Huế có nhiều chính sách hỗ trợ ban đầu để người dân vượt qua khó khăn do không thể ra khơi. Tuy nhiên, việc hỗ trợ gạo, tiền cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Nhiều chính sách lâu dài giúp đỡ ngư dân được đề xuất, như đào tạo và tìm kiếm việc làm, ưu tiên xuất khẩu lao động... Sau chuyến thị sát ở Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ Lao động TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, sẽ có kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ để hỗ trợ ngư dân đi xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Tất nhiên, ngư dân đi xuất khẩu theo diện này sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo, giới thiệu việc làm... Những lao động thuộc hộ nghèo bị ảnh hưởng thì áp dụng cơ chế miễn phí đào tạo giáo dục định hướng, đào tạo ngoại ngữ, hỗ trợ tiền ăn, ở, cấp tiền đi lại trong thời gian đi học...
Tuy nhiên, việc chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân thực sự không dễ dàng. Bao đời nay, ngư dân quen sống với biển, nếu không đi biển, họ có thể làm gì? Những lao động đã lớn tuổi, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu như chuyển sang một nghề mới. Ngư dân xuất khẩu lao động, có thu nhập, thậm chí thị trường này ổn định và lương bổng cao nhưng chính người trong cuộc lại thấy âu lo với chính sách này. Bài toán sinh kế cho ngư dân vùng biển không dễ, nhất là ngư dân trở thành công nhân hoặc sang xứ người làm ăn.
Thực tế, xuất khẩu lao động chỉ dành cho đối tượng từ 18 đến 40 tuổi, trong khi, lực lượng có độ tuổi này chiếm khoảng 1/3 số lao động khai thác gần bờ tại địa phương. Mặt khác, kinh phí cho xuất khẩu lao động cũng khá cao nên khả năng ngư dân khó đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu lao động cũng là “sân chơi” bình đẳng cho tất cả lao động. Họ phải tuân thủ quy định, tiêu chuẩn chung như trình độ ngoại ngữ, học vấn, tay nghề, sức khỏe, những khác biệt về văn hóa, phong tục, kể cả cách đánh bắt… “Không dễ dàng để hội đủ các tiêu chuẩn trên nếu ngư dân không xác định rõ mục tiêu, quyết tâm rèn luyện và đào tạo cho dù có nhận được sự ưu đãi lớn về chính sách ”, ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động TB&XH nhận định.
Về miền biển những ngày này, ngư dân mong muốn được đào tạo nghề để sản xuất tại địa phương. Bấy lâu, họ cứ theo đuôi con cá, bám biển, thế nên, không đủ tự tin và chưa chuẩn bị tâm lý, để từ ngư dân trở thành công nhân cũng là điều dễ hiểu. Nhiều năm liền, chương trình đào tạo nghề nông thôn không kiếm ra người học nghề, dẫu, miễn phí. Nhiều người trải lòng, bọn tui ít chữ, viết tên mình còn chưa xong thì mần răng đi mô xa được. Chỉ chừng ấy thôi cũng khiến họ nản lòng. Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với một số xã ở huyện Phú Vang gần đây, nguyện vọng của người dân được đề đạt. Họ muốn chuyển đổi từ khai thác gần bờ ra khai thác xa bờ, chế biển thủy sản hoặc xây dựng làng nghề nước mắm, muốn được đầu tư khu hậu cần nghề cá trên địa bàn để người dân không phải rời làng. Xa hơn, những người trẻ muốn học nghề máy trưởng, thuyền trưởng để đánh bắt xa bờ.
Hơn 10 tỉ đồng hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho trên 2.500 ngư dân (10% lao động) bị ảnh hưởng trực tiếp mà Thừa Thiên Huế kiến nghị hỗ trợ là điều cần thiết. Những mục tiêu cần thực hiện trong giai đoạn tới là khôi phục, phát triển hoạt động đánh bắt hải sản bằng cách tạo điều kiện cải hoán, nâng cấp tàu cá cho ngư dân. Đào tạo nghề sửa chữa máy nổ, hàn, may, điện cho ngư dân… đã được tính đến. Chiến lược dài hơi hơn là xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng gia trại, trang trại; xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi... giúp ngư dân sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, chuyển đổi nghề gì cũng phải dựa vào trình độ, khả năng của người dân. Hơn nữa, các địa phương cần phải tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, phù hợp với từng loại lao động, nhất là, phải giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm thì việc chuyển đổi nghề mới đem lại hiệu quả.
Những ngư dân sinh ra ở làng biển, “sinh nghề tử nghiệp” với biển, vì vậy, họ không dễ chấp nhận chuyển nghề. Tuy nhiên, đây là cơ hội để ngư dân có một công việc ổn định, hiệu quả hơn khi được các cấp, các ngành đầu tư, hỗ trợ. Vấn đề đặt ra, người dân phải được đả thông tư tưởng, những thông tin chính xác nhất phải đến với họ. Phương án tốt nhất hiện nay là cùng bàn bạc với người dân trước khi đưa ra quyết định chuyển đổi nghề.
Vẫn biết giải pháp hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho ngư dân cần phải được gấp rút triển khai, nhưng phải thật cẩn trọng và khoa học. Chuyển đổi sinh kế như thế nào, chuyển đổi ra sao, cần tiến hành khảo sát thực tế, điều tra xã hội học để nắm bắt nhu cầu của ngư dân. Từ đó, các ban ngành liên quan mới đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế từng địa bàn, từng cụm dân cư, từng nhóm ngành nghề sản xuất cụ thể mới đưa ra các giải pháp và mức kinh phí cụ thể cho từng giải pháp hỗ trợ chuyển đổi sinh kế chứ không thể nóng vội đưa ra những con số đầu tư một cách máy móc, khiên cưỡng, gây ra phản ứng trái chiều.
HUẾ THU