ClockThứ Bảy, 11/03/2017 05:56

70 năm Chiến khu Hòa Mỹ

TTH - Ngày 12/3/1947, Thường vụ Tỉnh ủy họp tại Nam Dương, Quảng Điền dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh đã quyết định chọn vùng Hòa Mỹ, xã Phong Nguyên (nay là xã Phong Mỹ), huyện Phong Điền làm căn cứ kháng chiến của tỉnh. Sự ra đời của chiến khu Hòa Mỹ năm 1947 đã chứng minh cho quyết tâm đánh Pháp của quân và dân Thừa Thiên Huế.

Chiến khu Hòa Mỹ - địa danh đang được lập hồ sơ đề nghị công nhận An toàn khu thời chống Pháp của Thừa Thiên Huế

Ngày 2/9/1945, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công- nông đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập, cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới. Tuy nhiên, nền độc lập của một nhà nước còn non trẻ chưa được bao lâu, thực dân Pháp tiến hành xâm chiếm nước ta một lần nữa. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta lại bước vào một cuộc trường chinh mới - cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), quân và dân Thừa Thiên Huế đã đồng loạt tiến công vào các vị trí đóng quân của thực dân pháp ở Huế suốt 50 ngày đêm. Do lực lượng còn non trẻ, chưa thể đối đầu với đội quân Pháp được trang bị hiện đại, có cả máy bay, xe tăng, tàu chiến... quân ta phải tạm thời rút lui an toàn khỏi TP. Huế.

Ngày 12/3/1947, Thường vụ Tỉnh ủy họp tại Nam Dương, Quảng Điền dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh đã quyết định chọn vùng vùng đồi núi phía tây của huyện Phong Điền thuộc Hòa Mỹ, xã Phong Nguyên (nay là xã Phong Mỹ) làm căn cứ kháng chiến của tỉnh. 

Chiến khu Hòa Mỹ được xây dựng gồm 7 khu vực theo phiên hiệu CK từ CK1 đến CK7. Từ đây, quân ta đã chủ động được về hậu cần, chiến lược phòng thủ, chiến thuật tác chiến, thông tin liên lạc…Chỉ một thời gian ngắn sau thành lập chiến khu, quân ta đã nghiên cứu và tổ chức tập kích thắng lợi đồn Hộ Thành ở Thành nội Huế vào đêm 23/3/1947 và tiếp đó là trận đánh tiêu diệt đồn Đất Đỏ vào đêm 29 rạng ngày 30/3/1947. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (lúc đó là Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên) đã đưa cả gia đình gồm mẹ, vợ và chị cùng lên chiến khu tham gia kháng chiến. Người con đầu lòng của vợ chồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sinh ở chiến khu Hòa Mỹ được đặt tên là Trường Sơn. Vì vậy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng lấy bút danh là Trường Sơn để nhớ lại kỷ niệm này. Sau này, nhiều cán bộ hoạt động ở chiến khu Hòa Mỹ đã trở thành tướng lĩnh hoặc cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội như: Hoàng Anh, Hà Văn Lâu, Trần Quý Hai, Trần Chí Hiền…

Dưới con mắt của chỉ huy quân đội Pháp ở miền Trung, chiến khu Hòa Mỹ là cái gai lớn, cản trở mưu đồ xâm lược của thực dân Pháp. Vì vậy, chúng đã ra sức điều động nhiều đợt bao vây và tấn công chiến khu Hòa Mỹ bằng cả thủy, lục, không quân trong nhiều tháng liền. Chúng dùng máy bay oanh tạc nhiều cứ điểm quan trọng của chiến khu, đồng thời bao vây, ngăn chặn triệt để tất cả những con đường tiếp tế lương thực vào chiến khu Hòa Mỹ cả đường bộ lẫn đường thủy.

Nhằm bảo toàn lực lượng để tiếp tục kháng chiến chống Pháp, tháng 5/1948, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định chuyển cơ quan lãnh đạo chiến khu vào vùng núi Dương Hòa, huyện Hương Trà. Chiến khu Hòa Mỹ trở thành địa điểm đóng quân của cơ quan Phân khu Bình Trị Thiên (1948 - 1949); lực lượng vũ trang địa phương và Nhân dân vùng chiến khu vẫn tiếp tục xây dựng nơi đây thành hậu cứ vững chắc của cách mạng.

Năm 1954, chiến khu Hòa Mỹ trở thành điểm tập trung của bộ đội ta trước khi tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Giơnevơ.

Hiện nay, một số di tích ở chiến khu Hòa Mỹ như: Nhà Đại chúng, đồn Đất Đỏ, đình làng Lưu Phước đã được công nhận Di tích cách mạng cấp tỉnh. Chiến khu Hòa Mỹ hiện đang được lập hồ sơ đề nghị công nhận An toàn khu thời chống Pháp của Thừa Thiên Huế. 

Chiến khu Hòa Mỹ nối liền với vùng núi phía tây nam của tỉnh là cứ địa chiến lược quan trọng không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự mà còn là vùng kinh tế tiềm năng. Hiện nay, đường 71 từ Phong Xuân, Phong Mỹ lên A Lưới nối liền với đường Trường Sơn đã được xây dựng. Sắp tới, đoạn đường Cam Lộ - Túy Loan (thuộc tuyến đường cao tốc Bắc Nam) sẽ được mở ngang qua vùng chiến khu xưa. Đây cũng là đoạn đường nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) nối liền Việt Nam với các nước Đông Nam Á. Đây sẽ là cơ hội lớn để  chiến khu Hòa Mỹ và các địa phương trong vùng có điều kiện phát triển  kinh tế, giữ vững quốc phòng an ninh.

Nguyễn Thế

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chứng tích 70 năm chiến thắng đồn Đất Đỏ

Chiến thắng đồn Đất Đỏ đã được Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp biểu dương: “Chiến thuật của ta lúc này cũng phải tranh thủ tấn công… Trong tấn công ta phải đánh tiêu diệt. Trận Đất Đỏ là một trận đánh tiêu diệt”.

Chứng tích 70 năm chiến thắng đồn Đất Đỏ
Phản cảm

Chiến khu Hòa Mỹ, xã Phong Mỹ (Phong Điền) từ lâu trở thành điểm đến không chỉ của khách du lịch, mà còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Thế nhưng, ngay gần cạnh tượng đài Chiến khu Hòa Mỹ lại có một thùng đựng rác, với nhiều bao rác rơi vãi xung quanh rất phản cảm (ảnh).

Phản cảm

TIN MỚI

Return to top