Người dân Giang Hải chung sức cùng lực lượng chức năng gia cố kè chống sạt lở biển
Hàng chục điểm sạt lở
Người dân xã Vinh Hải (nay là Giang Hải, Phú Lộc) phải căng mình đối phó với nạn sạt lở bờ biển, lặp đi lặp lại khi mùa mưa bão về. Tiếp cận hiện trường bờ biển xã Giang Hải, chúng tôi được anh Lê Văn Tương, cán bộ địa chính xã chia sẻ, suốt mấy ngày qua anh luôn sát cánh cùng lực lượng chức năng khiêng cát, đá, rọ thép đắp kè chắn sạt lở bờ biển...nhằm bảo vệ ô tôm, ao cá, vườn màu khỏi bị biển “nuốt”.
TL21A nối từ làng ra biển xã Giang Hải gần như mất dấu do cát bồi. Gần 1 km bờ biển đoạn nối từ thôn Mỹ Cảnh đến xã Vinh Hiền đã bị sóng nuốt chửng, trơ những gốc phi lao xác xơ trước gió.
Anh Tương cho biết, bão số 9 vừa tan, nhiều ngôi nhà, hàng quán của người dân bị đánh sụp, sóng đập tan các bờ kè tạm bằng đá và bao cát của người dân đắp lên trước đó. Một thanh niên đang cùng bà con thu dọn cây dương gãy đổ lùng nhùng trong tấm áo mưa không giấu nổi sự mệt mỏi: “Thời gian gần đây, nhất là những tháng cuối năm 2018, triều cường dâng cao có lúc khiến nước biển tràn qua TL21A, cát vùi lấp dày gần cả mét, bà con ở đây căng
sức phối hợp để giao thông qua lại ổn định. Bão số 9 vừa rồi biển nuốt chửng gần 1 km đường TL21A, nguy cơ mở thêm cửa biển tại đây”.
Ông Mai Văn Quế, thôn Mỹ Cảnh, xã Giang Hải cho biết, tình trạng sạt lở bắt đầu cách đây cũng hơn 10 năm nay. Mỗi năm bờ biển tại địa phương bị sóng ngoạm từng mảng lớn. Tốc độ sạt lở ngày càng nhanh, ăn vào đất sản xuất, hoa màu... Riêng quán của ông nền xi măng vỡ theo sóng biển, một số điểm tạo thành hàm ếch lớn chui lọt cả người, cột trụ nghiêng ngã. “Năm nào cũng thế. Hồi trước bờ biển ở ngoài xa 200-300m, nay đã vào đây. Nhà cửa, quán sá phải di chuyển nhiều lần...”, ông Quế nói.
Bờ biển dài gần nửa cây số ở thôn 4, cạnh xã Vinh Mỹ cũng bị khoét sâu. Những “cánh rừng” phi lao được bà con địa phương trồng 20-30 năm trước để phòng hộ tại đây đang dần bị xóa, nhiều cây dương liễu cổ thụ nằm trơ gốc, đe dọa đời sống hàng trăm hộ dân.
Chị Lê Thị Lệ, thôn 4 lo lắng: “Cách đây mấy năm nhà tôi cách bờ biển hơn 200m, nhưng giờ nó đã tiến gần sát hông nhà. Xung quanh nhà tôi đã di dời gần hết, chắc cũng đến lượt mình thôi”.
Bão số 9 vừa tan, dọc bờ biển trên địa bàn tỉnh có 10 điểm bị sạt lở với chiều dài gần 14 km. Xung yếu nhất ngoài khu vực xã Giang Hải (Phú Lộc), nhiều đoạn sạt lở nặng, như xã Phú Thuận (Phú Vang) hơn 3 km bị xói lở sâu vào 7-10m, phá tan rừng phòng hộ và ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân thôn Tân An, Trung An, An Dương 1; xã Phong Hải (Phong Điền) tiếp tục bị sạt lở khoảng 3 km với chiều sâu từ 5-10m, uy hiếp đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở đây; xã Hải Dương (Hương Trà) tiếp tục bị xói lở khoảng 1 km....
Chống chọi và chờ đợi
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận thông tin, với tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng ở địa phương, những ngày qua huyện Phú Vang huy động khá đông bộ đội, công an, người dân sở tại để gia cố đê bao với hàng nghìn bao cát, đá ở các vị trí xung yếu dài hơn 300 mét. Đây chỉ giải pháp tạm thời, nếu căn cơ bền vững về lâu dài rất mong ban ngành chức năng tỉnh, Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng đê kè chống sạt lở tại địa phương.
Giữa năm 2019, người dân các xã vùng biển đón tin vui khi tuyến đê kè chống sạt lở khẩn cấp từ Thuận An (Phú Vang) đến Vinh Hiền (Phú Lộc) với kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Theo đó, tuyến kè được đầu tư xây dựng tại khu vực xung yếu tại bờ biển xã Vinh Thanh (Phú Vang) dài 570 mét và hơn 2.500 mét tại xã Giang Hải (Phú Lộc). Hệ thống kè được xây kiên cố bằng bê tông, trên đỉnh kè kết hợp đường giao thông, tường chắn sóng. Ngoài ra, trồng bổ sung thêm rừng phi lao bị gãy đổ, khôi phục lại rừng phi lao phòng hộ phía sau đỉnh kè trong chương trình phòng chống biến đổi khí hậu ven biển...
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Phan Công Mẫn thông tin, đến thời điểm này tuyến kè trên đang vào giai đoạn hoàn thiện và đã phát huy hiệu quả phòng chống sạt lở biển tại Giang Hải. Tuy nhiên hiện tại, bờ biển xã Giang Hải còn nhiều đoạn xung yếu nằm ở địa bàn thôn 4 và thôn Mỹ Cảnh đến xã Vinh Hiền dài hơn 1,5 km. Nguy cơ sạt lở bờ biển ở khu vực này không chỉ xuất hiện trong điều kiện gió bão mà còn ngay cả trong thời tiết bình thường. Giang Hải đang rơi vào tình trạng “biển tiến dân lùi” quá bất thường nhưng nội lực địa phương thì hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Phương, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, gần đây, địa phương đầu tư xây dựng kiên cố tuyến kè biển dài gần 4 km đã phát huy tác dụng rất tốt cho các đoạn xung yếu ở Phú Vang, Phú Lộc...
Sau những đợt bão lũ lớn mới đây, tình trạng sạt lở bờ biển vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn; riêng khu vực Phú Vang, Phú Lộc có khoảng 2,5 km bị sạt lở nặng cần xử lý khẩn cấp và tỉnh đang có kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư kiên cố nhằm hạn chế tình trạng biển xâm thực.
Bài, ảnh: Song Minh