Ngặt nỗi, đâu biết hàng đến lúc nào mà chờ. Vậy nên việc mình thì mình cứ làm bình thường thôi. Bao giờ người ta gọi rồi hẵng hay.

Hôm ấy, chừng 10h sáng thì shipper gọi. Đúng lúc đang có việc ở xa. Tôi hỏi chiều em giao được không. Đầu dây kia trả lời OK. Vậy là suốt buổi chiều hôm ấy tôi “trực chiến”, không dám đi đâu, sợ nhỡ việc của shipper tội nghiệp. Các em giao hàng lương tiền đâu có bao nhiêu mà bắt người ta phải chạy đi chạy lại mãi.

Nhưng, đã chiều lắm rồi vẫn không thấy gọi. Tôi phải bấm máy gọi, đầu dây bên kia không thấy shipper trả lời. Tắt mặt trời, biết là hàng sẽ không tới. Thôi, đợi mai vậy.

Chiều hôm sau, điện thoại reo, và tôi ra nhận hàng. Gặp shipper, tôi phàn nàn sao hôm qua hẹn mà không thấy tới, làm tôi không dám bỏ ra ngoài, cứ ở nhà chờ cả buổi.

Shipper có vẻ ngạc nhiên: “Dạ, em đâu có gọi hẹn?”

Tôi mở nhật ký điện thoại, đây này, giờ ấy, ngày ấy….

Shipper phân bua: “Dạ, hôm qua là của người khác, không phải em. Hôm nay công ty giao thì em chuyển ngay đây ạ.”.

Tôi hiểu ra, và thấy rất ngạc nhiên. Hóa ra cái doanh nghiệp vận chuyển ấy hình như không có quy chế quy định gì cả, cứ ai đâu biết ấy. Hết ca chẳng cần bàn giao, chẳng cần báo cáo tình trạng hàng hóa có gì cần lưu ý… Làm ăn kiểu ấy, khách hàng phiền lòng, họ phản ánh với shop. Lặp đi lặp lại thì shop sẽ chuyển doanh nghiệp vận chuyển. Bây giờ doanh nghiệp làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa không thiếu, sơ sẩy là “chết” trong cuộc cạnh tranh chứ không phải đùa.

Doanh nghiệp phải có quy chế, và nhân viên phải thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm với quy chế đó. Ấy không chỉ là vì “nồi cơm” chung, mà còn là vì đạo đức nghề nghiệp. Nếu như ngược lại, thì tương lai của doanh nghiệp và của cả người lao động là điều hoàn toàn có thể đoán trước.

Thượng Bích