Cây phượng tím đang ra hoa trong khuôn viên trụ sở UBND phường Phú Hoà
Phượng tím có nguồn gốc vùng á nhiệt đới và nhiệt đới Nam Mỹ, là cây nguyên sản của Brazil và Argentina, do cây cho hoa màu tím rất đẹp nên được nhiều nước ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương trồng để trang trí. Tại Việt Nam, Phượng tím được du nhập vào Đà Lạt từ những năm đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước, đã thể hiện sự thích hợp với môi trường sinh thái, nhiều cây sinh trưởng phát triển khoẻ và ra hoa rộ hằng năm. Nó là loài cây ưa sáng, không kén đất nhưng sinh trưởng, phát triển tốt nhất trên nền đất tơi xốp thoát nước tốt, ẩm nhưng không úng, pH 5,5 – 8. Trong điều kiện thích hợp, chỉ sau khi trồng vài ba năm đã có khả năng cho hoa. Nếu trồng thành hàng ven đường, khoảng cách cây cách cây thích hợp từ 3,5 – 4 m.
Do cây có kiểu lá gần giống phượng, lại cho hoa màu tím nên nó được gọi là phượng tím, chứ thật ra nó chẳng có mối quan hệ họ hàng gì với phượng. Trong khi phượng thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae) thì phượng tím thuộc họ Chùm ớt (Bignoniaceae) với tên khoa học là Jacaranda mimosifolia; tên tiếng Anh là blue jacaranda, fern tree, brazilian rose wood; tên tiếng Pháp là flambouyant bleu.
Sở dĩ trong tâm thức của đại đa số quần chúng ở Huế chưa có hình ảnh cây phượng tím dù nó đã được du nhập về Huế gần cả hai thập kỷ nay nhưng số lượng cá thể không nhiều, được phân bố tản mác nhiều nơi nên khó gây dấu ấn. Hằng năm, vào khoảng giữa tháng 7 đến cuối tháng 8 dương lịch một số trong những cây này cho hoa, nhưng hoa không nhiều nên ít bắt mắt. Chính vì thế lắm người ngày ngày qua lại nơi cây khoe sắc nhưng vẫn không chú ý.
Chúng tôi thấy hiện nay trên địa bàn thành phố Huế đã có ít nhất là 19 cây phượng tím được trồng làm cảnh với tuổi trồng biến thiên trong khoảng từ 3 –19 năm. Trong số đó, cây có độ tuổi lớn nhất toạ vị trong khuôn viên trụ sở UBND phường Phú Hoà (51 Huỳnh Thúc Kháng). Cây này được trồng vào khoảng năm 2001 – 2002, đến nay đã cao hơn 10 mét, đường kính tán khoảng 5 - 6 mét, đường kính thân hơn 40 cm. Cây đã ra hoa nhiều năm và là cây cho hoa nhiều nhất trong tất cả những cây ở Huế, nhưng hoa vẫn không được nhiều như những cây phượng tím ở Đà Lạt.
Cây thứ hai nằm trong khuôn viên sân vườn nhà số 62 đường Hàn Thuyên. Cây này còn nhỏ, với chiều cao khoảng 5 mét, nhưng tán rất hẹp, không cân đối, đường kính thân khoảng hơn 20cm, cho hoa không nhiều. Do không tiếp cận được chủ nhà nên chúng tôi không rõ năm trồng. Ở vỉa hè đường Nguyễn Trường Tộ đoạn từ đường Lê Lợi đến Ngô Quyền tồn tại 4 cây được trồng từ năm 2006, trong số đó cây lớn nhất có chiều cao khoảng 4 mét, đường kính thân khoảng 20 cm. Cả 4 cây đều mảnh khảnh, tán rất hẹp, không cân đối và thân nghiêng về một phía vì nền đất không phù hợp và bị che sáng nhiều năm liền bởi những cây bóng mát có sẵn từ trước.
Trên vỉa hè đường Phan Đình Phùng đoạn khuôn viên Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế có 1 cây phân làm 2 thân, một trong hai thân đã chết khô, thân còn lại cao khoảng 5 mét, đường kính thân khoảng 20cm. Ở công viên Kim Long đoạn dọc đường Nguyễn Phúc Nguyên có 12 cây được trồng cách đây 3 năm, đến nay chỉ cao khoảng 2 mét, đường kính thân 4 – 6cm.
Gần đây, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng gửi tặng Thừa Thiên Huế 50 cây phượng tím. Cây còn nhỏ, chiều cao khoảng 1,5 mét trở lại, hiện đang được ươm nuôi ở bờ sông Hương dọc công viên Kim Long chờ cây đạt tiêu chuẩn trồng sẽ đưa trồng theo phương án khả thi.
Qua thực tế vừa nêu, chúng ta có thể rút ra một bài học kinh nghiệm cho việc sau này đưa trồng số cây được gửi tặng vừa nói ở trên. Theo chúng tôi, Trung tâm Công viên Cây xanh Huế nên đưa trồng điểm xuyết một số cây ở những địa điểm có không gian thích hợp trong các công viên dọc hai bờ sông Hương. Ngoài ra, cũng nên nghiên cứu chọn một đường phố nào đó có điều kiện sinh thái thích hợp để trồng nhằm tạo ra một điểm nhấn mới lạ. Nên chọn đường có vỉa hè rộng để có không gian thông thoáng, không chọn đường có nhiều nhà cao tầng nhằm tránh tình trạng che sáng khiến cây mọc nghiêng ra phía lòng đường sẽ mất đẹp và thiếu bền vững. Đồng thời cần quan tâm xem xét nền đất, tránh tình trạng chua úng hoặc có quá nhiều công trình kỹ thuật ngầm gây ảnh hưởng cho sự phát triển hệ rễ của cây. Được thế thì mới có hàng cây sinh trưởng tốt, ngoại hình đồng đều, hình thái cân đối, sinh trưởng phát triển tốt, sớm cho hoa và khi đã cho hoa thì hoa sẽ nhiều, màu hoa tươi thắm.
Bài, ảnh: Đỗ Xuân Cẩm