Trên mạng xã hội facebook hằng giờ người sử dụng đều có thể bắt gặp những buổi livestream giới thiệu đến cộng đồng mạng những mặt hàng như giày dép, áo quần, mũ nón, thức ăn; những phiên đấu giá cây cảnh, đá phong thủy, tranh ảnh,...mà những người trao đổi, mua bán không cần phải giao dịch trực tiếp với nhau cho đến cả những livestream được ghi tại hiện trường một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, một vụ cháy lớn, đánh nhau với thái độ bình thản đến mức có thể tường thuật chi tiết, cụ thể và cả hình ảnh “cận cảnh”của nạn nhân.

Ngang nhiên hơn, một số tài khoản cá nhân còn “livestream” công khai chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng và sức khỏe của người khác, đưa cả hình ảnh cắt ghép về bản thân, gia đình họ lên mạng xã hội với những lời lẽ thô tục, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục.

Có nhiều người “nghiện” livestream đến mức đi đâu, làm gì, bắt gặp sự kiện, vụ việc gì cũng phát trực tiếp chỉ để chứng tỏ mình là người thạo tin tức, để khoe mẽ với người khác. Thậm chí là trong lúc một gia đình đang làm hậu sự cho người quá cố, thì có những người ngoài gia tộc cũng cố chen lấn vào nơi làm lễ để tìm một chỗ thuận tiện cho việc phát trực tiếp quy trình khâm liệm lên mạng mà không hề được sự đồng ý của gia chủ, khiến nhiều người bức xúc.

Việc tùy tiện sử dụng tính năng livestream của mạng xã hội facebook dù vô tình hay cố ý tán phát những hình ảnh của người khác khi chưa được sự đồng ý, cho phép; hoặc làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khác là một hành vi vi phạm quyền con người nghiêm trọng. Có trường hợp bị ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý thậm chí là tự tử vì hình ảnh của mình được người khác livestream trên mạng xã hội như bị làm nhục trong các vụ đánh nhau, đánh ghen, xúc phạm danh dự, nhân phẩm,… Việc tùy tiện quay phát trực tiếp còn làm lộ bí mật công việc, hoạt động cá nhân riêng tư của người khác; làm lộ địa điểm bí mật quân sự, nơi nhạy cảm về an ninh, quốc phòng, địa điểm cấm quay phim, chụp hình.

Các hành vi trên vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo mức độ. Theo Điểm e, Khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP  về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử quy định hành vi “thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu có nội dung liên quan đến hành vi đánh bạc, dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục (Điểm b, Khoản 4, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP). Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất là 5 năm tù (Điều 155, Bộ Luật Hình sự năm 2015).

Cá nhân sử dụng mạng xã hội facebook cần ý thức rõ trách nhiệm của bản thân trước pháp luật và các quy chuẩn đạo đức xã hội, live stream đúng nơi, đúng lúc, phát huy hiệu quả của tính năng này để phục vụ nhu cầu đúng đắn của bản thân và xã hội.

HOÀI ANH