Bộ đội Biên phòng tuyên truyền dịch bệnh cho ngư dân Phú Lộc

1. Nếu thường nhật, những cuộc trở về của họ trong nhộn nhịp, ồn ào thì bây giờ im lặng và vắng ngắt! Ngư dân cho tàu cập bến liền được cán bộ địa phương, lực lượng biên phòng xác minh thông tin, hướng dẫn kê khai y tế… Lý do là bởi trong hành trình vươn khơi dài ngày, tàu cá của họ đã “chạm” đến các bến cảng tỉnh bạn – nơi tâm điểm của dịch COVID-19. Chủ tịch UBND xã Lộc Trì, (huyện Phú Lộc), Cái Trọng Như nói dứt khoát trong điện thoại: “Bằng các nguồn tin từ cơ sở, chúng tôi chủ động rà soát, cập nhật hành trình của ngư dân sau khi trở về địa phương”.

Làng biển Lộc Trì bây giờ đã nổi tiếng với đội tàu hậu cần, đánh bắt xa bờ công suất lớn vào loại hiện đại nhất nhì tỉnh. Nhờ biển, nhiều ngư dân xây nhà 2, 3 tầng, hình thành nên một dãy nhà hiện đại nối dài trên con đường bê tông sấp mặt vào biển. Nhưng ngư dân Lộc Trì lại thường xuyên vắng nhà, họa hoằn lắm trong năm tàu của họ trở về quê hương được đôi ba chuyến. Điều này xuất hiện nhiều năm rồi chứ không phải bây giờ!

Tàu luôn gắn với biển

Lão ngư Trần Vẹm (xã Lộc Trì) không phải lần đầu tôi gặp. Trong tâm trí của tôi, ông là người cũ thuộc thế hệ “khai sinh” ra những con tàu công suất lớn tại vùng đất này. Bây giờ cái mới của người đàn ông da đen sạm này là 10 chiếc tàu công suất lớn, tất cả khởi sinh từ nỗ lực gìn giữ nghiệp ngư truyền thống của ông cha để lại. Chỉ cần nhẩm tính sơ một cách tối thiểu, mỗi chiếc tàu trị giá khoảng 10 tỷ đồng thì tài sản của gia đình ông là con số nhiều người không dám mơ ước. Khối gia sản ấy được ông chia đều cho những đứa con nối nghiệp. Lênh đênh sóng nước, như nhiều con tàu khác ở Phú Lộc, đội tàu gia đình ông nương nhờ cảng cá Thọ Quang (TP. Đà Nẵng) neo đậu, thậm chí nơi đất khách, gia đình ông hình thành nên một chuỗi thu mua, cung ứng hải sản. Khi những con tàu đang “làm bạn” cùng sóng nước, đùng một cái, Đà Nẵng trở thành tâm dịch của cả nước. Những chuyến trở về vì thế gian truân hơn. “Ngặt nghèo lắm, dịch COVID-19 khiến tàu trở về bị kiểm soát vòng trong, vòng ngoài. Rồi trong kỳ nghỉ trăng, chúng tôi trở về Huế cũng được kiểm soát chặt chẽ, khai báo y tế đủ cả”, ông Vẹm nói.

Ở Phú Lộc, không chỉ ở Lộc Trì mà một số địa phương khác, trong cái lịch trình vươn khơi bám biển, nhiều tàu cá buộc phải “ghé thăm” Đà Nẵng. Bởi thế mà, khi dịch COVID-19 bùng phát, ngoài kiểm soát trên bộ, chính quyền các địa phương phải kết hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng canh trên tuyến biển. Rồi vận động người dân tự nguyện khai báo. Điều đó không thừa khi đã xuất hiện một số ngư dân từ Đà Nẵng trở về Huế bằng đường biển để né cách ly.

Ngư dân Thuận An cho tàu cập cảng tiếp nhiên liệu

COVID-19 hoành hành, mặt biển dẫu êm nhưng vị nước lại mặn chát hơn thường nhật. Bây giờ, đang bước vào thời kỳ cuối vụ trước khi nghỉ đông. Đà Nẵng phong tỏa, thay vì đánh tàu ngược xuôi thì nhiều ngư dân “bó gối” cách ly tại nhà. “Để con đường tiêu thụ hải sản bớt ghập ghềnh, chúng tôi buộc phải ghé các cảng cá ở Đà Nẵng. Nhưng nay, tình hình dịch bệnh phức tạp thì chưa biết lúc nào chúng tôi lại vươn khơi như mọi năm. Ở Huế nhưng ai cũng ngóng, theo dõi sát sao tình hình ở Đà Nẵng. Dịch bệnh như ri hải sản cũng khó tiêu thụ và bây giờ Nhà nước có chính sách gì thì chúng tôi phải chấp hành”, ngư dân Lê Tạo (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) bày tỏ.

2. Dịch bệnh nhưng ngư dân không vì thế mà bỏ biển. Nghề ngư là kế mưu sinh hiếm hoi ít chịu tác động của COVID-19 hơn các ngành nghề khác. Khắp các bãi biển, gió từng đợt luồn qua khe cát, sau cơn áp thấp nhiệt đới vừa qua, tàu thuyền lại nối đuôi vươn ra biển lớn. Phía bến cảng, âm thanh từ loa truyền thanh phát ra như một điệp khúc. Dù thế nào công tác phòng dịch vẫn đặt lên hàng đầu. “Dịch bệnh không thể đùa được, vươn khơi nhưng cũng phải phòng”, ngư dân Nguyễn Quang (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) nói. Rồi anh lái sang chuyện đánh bắt, ngư trường.

Không chỉ anh Quang mà hầu như khắp các miệt biển, ngư dân đang gặp khó. Sản lượng thấp, giá cả không như ý là điều mà ngư dân không phải bây giờ mới than thở. “Tàu tôi hơn 1.000 CV, sản lượng đánh bắt năm nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước và những mẻ lưới có “giá trị cao” cũng ít gặp”, anh Quang nói.

Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: “Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp, việc kiểm soát người và phương tiện trên biển rất quan trọng. Ngoài triển khai công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định của Nhà nước, chúng tôi còn tăng cường lực lượng ở các tổ chốt biên phòng, trạm biên phòng tuyến biển, vùng cửa sông của biển để kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện. Đối với vùng bãi ngang, chúng tôi cũng thành lập các đoàn tuần tra, thông qua các phương tiện kỹ thuật giám sát phương tiện hoạt động trên biển và tuyên truyền tình hình dịch bệnh đến ngư dân, khi phát hiện các phương tiện lạ xuất hiện trên địa bàn cần báo với lực lượng chức năng”.

Thông tin từ Giám đốc Cảng cá Thuận An Trương Quang Nhất càng chứng minh thêm một năm biển mất mùa: “Qua thống kê của cảng cá, sản lượng năm nay chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái”.

Trên biển là thế còn trên bờ cũng chẳng khá hơn. Anh Quang cho rằng đều do “con covid” gây ra cả. Trung Quốc hạn chế đường tiểu ngạch, hải sản mất giá vì bí đường tiêu thụ... những cơ sở cấp đông được xem là đầu mối tiêu thụ hải sản cho ngư dân cũng lao đao vì hàng tấn cá tồn kho, không lối thoát. Dẫu không đến nỗi ngăn sông cấm chợ nhưng họ rơi vào tình thế giữa hai gọng kìm, xuất vào Đà Nẵng cũng không được và chuyển hàng đến Quảng Trị cũng không xong.

“Vì COVID-19 mà đường đi của hải sản không thể thông thương. Chính điều đó khiến các đầu nậu có cớ ép giá hải sản của ngư dân và lý do không phải là vô lý”, anh Quang trần tình.

Dẫu thế nào cuộc sống cũng phải tiếp diễn, ngư dân hàng ngày vẫn bám biển. Tàu cá lênh đênh, đến khi cập bờ, hàng trăm người xúm lại trên bến cảng. Những khuyến cáo của các cơ quan chức năng về đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn dẫu chưa bao giờ được đặt trong tâm trí, nhưng bây giờ ngư dân phải tập làm quen. Nghề biển đặc thù, không tập trung đông người thì chẳng bao giờ có bến cảng, chợ búa. Nhưng không có nghĩa vì điều đó mà bất chấp tất cả. Ông Trần Dũng (thị trấn Thuận An) bảo, trên biển bắt ngư dân đeo khẩu trang mà kéo lưới thì nghe buồn cười nhưng khi tàu đi tàu đến, những yêu cầu đó từ phía chính quyền, cơ quan chức năng thì phải chấp hành. “Tàu cập bờ hàng chục người xúm lại, từ tiểu thương, thuyền viên, người phục vụ hậu cần… ai dám chắc họ đến từ đâu. Dù ngư dân chúng tôi quá quen với hiểm nguy, nhưng dịch bệnh không thể lường trước như những sự số trên biển, đảm bảo an toàn không chỉ dành riêng cho bản thân”, ông Dũng bày tỏ.

Rồi một ngày, dịch bệnh COVID-19 cũng phải ngừng lại, nhưng đời ngư dân, con tàu không thể quên sóng nước. Đâu đó có tiếng thở dài trên mạn tàu sau những lần cập bến, nhưng bây giờ họ phải vươn khơi dẫu cho phía sau con tàu sóng biển nhè nhẹ, tĩnh lặng và mênh mông.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN