Bãi tập kết cát, sỏi trái phép của ông bà Nguyễn Thị Hường - Lê Hiếu Nhân
Bãi tập kết cát, sỏi của ông bà Nguyễn Thị Hường - Lê Hiếu Nhân rộng khoảng 700m2, nằm trên địa bàn P. Thủy Biều. Diện tích này thuê của ông Thân Trọng Hải, cũng ngụ tại P. Thủy Biều.
Trong khi đó, bãi tập kết cát, sỏi của ông Thân Thúc Trai thuộc địa phận P. Thủy Xuân, có diện tích hơn 2.000m2, nằm trong diện tích hơn 3.000m2 đất của gia đình ông này. Và tuy thuộc địa phận 2 phường, nhưng 2 bãi tập kết này chỉ cách nhau chưa đầy 200m.
Đáng nói, dù tồn tại gần 10 năm nay, nhưng tất cả những diện tích đất nói trên đều chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), cũng như không có giấy phép bến bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi. Ngoài ra, những bãi này đều đặt băng tời để vận chuyển cát từ dưới nước lên bờ - dấu hiệu của việc mua cát khai thác trái phép.
Tìm hiểu lý do, nếu như bà Hường cho biết: “Mình bãi nhỏ, bán buôn ít và sạch sẽ nên phường “lơ lơ” cho làm”, thì với ông Trai, đó là: “Gia đình tui là hộ kinh doanh cá thể, có giấy phép kinh doanh vật liệu xây dựng, hiện gia đình đang làm GCNQSDĐ. Khi có GCNQSDĐ sẽ tiếp tục làm giấy phép bến bãi tập kết cát, sỏi”.
Qua trao đổi, ông Võ Đăng Thái, Quyền Chủ tịch UBND P.Thủy Biều thừa nhận, bãi tập kết cát, sỏi của vợ chồng ông bà Nguyễn Thị Hường - Lê Hiếu Nhân trên địa bàn là không hợp pháp. “Không chỉ bãi bà Hường - ông Nhân mà bãi của ông Trai thuộc địa phận P. Thủy Xuân cũng đều không có giấy phép. Đây là khu vực UBND TP. Huế đang đề nghị Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh đưa vào quy hoạch bãi tập kết cát, sỏi. Tuy nhiên, một khi UBND tỉnh chưa đồng ý thì rõ ràng, những bãi tập kết này đang hoạt động trái phép”, ông Thái khẳng định.
Băng tời tại bãi tập kết cát, sỏi trái phép rộng hơn 2.000m2 của ông Thân Trọng Trai
Nguyên do tại sao biết trái phép nhưng vẫn tồn tại thời gian rất dài trên địa bàn mình quản lý, theo ông Thái, do bãi bà Hường - ông Nhân ở khu vực xa dân cư, người dân xung quanh không phản ánh, đồng thời, thẩm quyền của phường chỉ có thể xử phạt chủ đất là ông Thân Trọng Hải (người cho ông Nhân, bà Hồng thuê đất làm bãi tập kết) về việc sử dụng đất sai mục đích, còn việc xử phạt bãi tập kết cát, sỏi ngoài thẩm quyền.
“Thật ra tỉnh, thành phố đã nhiều lần xuống kiểm tra. Thành phố cũng tổ chức nhiều phiên họp liên quan đến vấn đề quy hoạch các bãi tập kết cát, sỏi nói trên nhưng do còn “mắc” khâu thủ tục cấp GCNQSDĐ nên cứ dây dưa đến bây giờ”, ông Thái cho biết.
Có một thực tế, do tồn tại trái phép nên bên cạnh không tuân thủ các điều kiện theo quy định, như: xây tường bao, lắp đặt bảng hiệu…, những bãi tập kết này đã và ảnh hưởng ít nhiều đến cảnh quan môi trường ở khu vực đồi Vọng Cảnh - nơi đang thu hút ngày càng nhiều người dân, du khách đến tham quan, ngắm cảnh, cũng như dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông do đường sá nhỏ hẹp lại phải “cõng” trên mình mỗi ngày hàng chục lượt xe tải ra vào cùng tình trạng rơi vãi cát, sỏi dọc đường ở khu vực này.
Với những thực trạng trên, nếu đồng ý những bãi tập kết này tồn tại thì chính quyền các cấp, các ngành sớm đưa vào quy hoạch để người dân ổn định kinh doanh. Ngược lại, nên giải quyết dứt điểm để tránh tình trạng những bãi tập kết cát, sỏi trái phép cứ dai dẳng trong thắc mắc của dư luận tháng này qua năm nọ.
Về bãi tập kết cát, sỏi trái phép của ông Thân Thúc Trai, tối 8/7, khi phóng viên liên hệ với bà Trần Thị Ngọc – Chủ tịch UBND P. Thủy Xuân để trao đổi những vấn đề liên quan, bà Ngọc cho biết đang bận học và hẹn đầu tuần sau trả lời.
Báo Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Bài, ảnh, clip: Nhân - Khánh