“Tôi không biết những du khách này khi về nước họ sẽ nghĩ như thế nào về những thứ họ vừa trải qua ở Việt Nam?”. Giám đốc một công ty du lịch ở Phong Nha đã thốt lên một cách đầy xót xa, khi kể lại câu chuyện trên đây.

Có hơn 50.000 du khách quốc tế vẫn đang ở tại Việt Nam, phần lớn là khách châu Âu. Họ đến đây trước khi chính phủ Việt Nam áp dụng biện pháp phòng chống dịch: tạm dừng nhập cảnh với người đến từ 27 quốc gia châu Âu (từ ngày 14/3). Tình trạng du khách nước ngoài bơ vơ không chỉ ở Ninh Bình hay Quảng Bình, mà vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi khác.

Dù rằng đợt dịch mới bùng phát mạnh từ đầu tháng 3 này có nhiều ca dương tính với SARS CoV-2 là du khách đến từ châu Âu, nhưng không phải người châu Âu nào cũng mang mầm bệnh đến Việt Nam. Điều quan trọng là, du khách quốc tế đến đây từ lời mời của chúng ta. Họ đã mang tiền bạc, mang việc làm, mang cả cơ hội phát triển... đến cho chúng ta. Khi chưa có dịch bệnh, chúng ta chào đón du khách nước ngoài đầy hồ hởi, phục vụ rất chu đáo, khiến cho rất nhiều du khách phải thốt lên rằng: người Việt thật thân thiện và tốt bụng!

Tất nhiên, rồi thì các vị khách cũng sẽ về tới nhà mình, rồi thì dịch bệnh cũng sẽ qua, lúc đó, du khách sẽ nhìn về Việt Nam bằng con mắt thế nào? Họ có quay trở lại với xứ sở này nữa không? Và chúng ta, sau cơn hoảng loạn vì con virus, sẽ nói với bạn bè thế giới như thế nào đây về những gì vừa diễn ra?...

Kinh doanh du lịch mà buộc lòng phải từ chối du khách là việc vạn bất đắc dĩ của doanh nghiệp, và quả thật, nỗi lo của các khách sạn, nhà hàng khi phải đón khách trong phập phồng rủi ro, cũng cần được thông cảm. Thế nhưng, nỗi lo du khách không quay lại Việt Nam sau cơn dịch, chỉ vì họ đã bị đối xử tệ bạc trong cơn dịch, phải là nỗi lo lớn hơn.  

“Phải có cách nào chứ không sẽ xấu hình ảnh Việt Nam vô cùng” là câu hỏi nhức nhối của một người làm du lịch tại Ninh Bình, sau khi chứng kiến vị khách nước ngoài bật khóc vì bị cả 6 khách sạn từ chối. Câu hỏi đó đã nhận được sự quan tâm của nhiều người, cả chuyên gia du lịch lẫn các doanh nghiệp. TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia, cho rằng, việc quan trọng là phải tìm giải pháp hợp lý, hợp tình.

Giải pháp - đó là vấn đề cần bàn mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định đặt ra trên trang facebook của mình. “Dịch bệnh, ai cũng lo lắng, nhưng làm sao để không xảy ra tình trạng này? Chính quyền cần làm gì? Doanh nghiệp cần làm gì và cần chính quyền hỗ trợ gì?”... Những ý kiến bàn luận cũng như những giải pháp đưa ra, cho thấy khó hay dễ tùy thuộc vào nhận thức của từng cá nhân, từng doanh nghiệp. Và xem ra cũng không phải là khó khăn gì lắm. Bởi vì, trong khi các khách sạn, nhà hàng từ chối khách nước ngoài, thì vẫn có cơ sở du lịch sẵn sàng đưa khách về nhà nghỉ của mình để phục vụ.

Hành động của ông chủ resort Sun & Sea ở Thuận An, vui vẻ giao khu du lịch của mình vừa mới sửa chữa xong, để làm khu cách ly người nghi nhiễm COVID-19, đã là câu trả lời thuyết phục cho rất nhiều câu hỏi đặt ra trên đây.

MINH DÂN