Theo sát quá trình gây ươm cây giống

Đón làn gió mới

Dưới tia nắng hiếm hoi của ngày đầu tháng 12, trên những trảng cát trắng ở xã Điền Hương, Phong Chương (Phong Điền) nhộn nhịp cảnh người dân chuyền tay nhau những bầu cây bản địa đã đâm chồi xanh tốt, bắt đầu công việc phủ xanh vùng cát trắng mà đáng ra họ đã muốn làm từ sớm hơn.

Trong ký ức những người sống ở vùng rú cát Hoà-Bình-Chương (3 xã Phong Hoà, Phong Bình, Phong Chương) và vùng cát ven biển Ngũ Điền (huyện Phong Điền), những loài cây, hoa, trái nơi này đã gắn bó mật thiết với con người. Điều kiện lập địa cùng tác động của con người, mấy mươi năm qua, rú cát Phong Điền chỉ trừ những nơi có khu công nghiệp, hồ nuôi tôm hình thành, còn lại là những trảng cát trắng ngày một rộng hơn. Tác dụng che chắn, bảo vệ nhà cửa, vườn tược, làng mạc vùng cát của những rừng rú tự nhiên cũng suy yếu đi.

Thu hái hạt giống từ cây mẹ để gây ươm

Gắn bó vùng quê cát trắng Điền Hương suốt hơn 70 năm, ông Trần Danh không quên những khó khăn mà bà con phải hứng chịu vì mất rú. Ông Danh chia sẻ: Tâm niệm “rú tàn thì làng mạt”, nên nhiều năm qua, bà con cố giữ. Nhưng do điều kiện lập địa, thời tiết và không giàu kiến thức khoa học, tỷ lệ thảm cát hoang hóa vẫn khó được phủ xanh.

Năm 2018, vùng rú cát ven biển miền Trung được đánh thức trở lại. Khởi xướng và dẫn độ ý tưởng này chính là những người mê cây, yêu thiên nhiên của Viện Tài nguyên & Môi trường-Đại học Huế (IREN). Ròng rã hơn 1 năm, họ cùng những đồng nghiệp, nhà tài trợ của Tổ chức Sáng kiến Khí hậu quốc tế (IKI)-CHLB Đức và chính quyền, cộng đồng người dân vùng cát tiến hành khảo sát thực địa, nghiên cứu để triển khai dự án phục hồi cồn cát, rừng ngập mặn bị suy thoái (gọi tắt dự án CFR).

TS. Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Tài nguyên & Môi trường cho rằng, đến nay, vùng cát vẫn còn là vùng “trắng” trong tư liệu nghiên cứu của ngành lâm nghiệp. Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, nhóm thực hiện dự án CFR chọn con đường “nương” theo hệ sinh thái, tuân theo quy luật tự nhiên để hồi sinh rừng cây bản địa dọc cồn cát ven biển của 3 tỉnh Bắc Trung bộ: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Ngăn “cát bay, cát nhảy”

Đây được xem là dự án gieo ươm cây bản địa vùng cát đầu tiên của Việt Nam. Quá trình để có cây giống, thành viên dự án phải đi hái, nhặt hạt giống ở các rú cát tự nhiên của huyện Phong Điền, Quảng Điền và xã Hải Dương (tỉnh Quảng Trị). Chính vì ít có những nghiên cứu về cây bản địa nên quá trình thu gom hạt giống gặp nhiều khó khăn do khó xác định chính xác thời gian, chu kỳ ra hoa, kết quả.

Qua nhiều thử thách, cuối cùng, 4 vườn ươm được IREN đặt hàng và cùng phối hợp đã ươm thành công 580 nghìn cây bản địa gồm 12 loài cây: sở, dẻ, nuốt kò ke, bời lời, tràm gió, chai lá cong, gõ lau, trâm nổ, táu duyên hải..., tương thích để trồng phục hồi 450ha trên rú cát ven biển 3 tỉnh Bắc Trung bộ.

Kiểm tra thực địa quá trình sinh trưởng, phát triển nhóm cây bản địa được trồng mới

Kết cấu rừng tự nhiên vùng cát thường mọc thành từng cụm từ 9-15 loài cây, nên thiết kế trồng rừng của dự án mô phỏng theo sự phân bố dạng cụm này. Các cụm thực vật tạo ra tiểu sinh cảnh thuận lợi về khả năng giữ ẩm và tích lũy vật chất hữu cơ, giúp hạn chế những tác động bất lợi từ “cát bay, cát nhảy” do gió.

“Ban đầu, nhiều người chưa tin. Nhưng khi dự án nên hình hài, nhất là sau khi trồng thí điểm 1,5ha các loại cây bản địa vào tháng 8/2019 ở cồn cát xã Điền Hương đạt tỷ lệ sống trên 90% càng có cơ sở khẳng định kế hoạch phủ xanh hàng trăm ha đất cát trống sẽ thành công”, ông Danh bày tỏ.

Hình thành vùng sinh thái và sinh kế

Theo nghiên cứu, phía Bắc của Thừa Thiên Huế có bãi đất ngập nước Ô Lâu thuộc hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai kết nối với vùng đất của huyện Hải Lăng (Quảng Trị) tạo thành vùng ngập nước có tính đa dạng sinh học cao. Mục tiêu của dự án CFR chính là muốn phục hồi, trồng tiếp các rú cây bản địa ở Điền Hương để nối lại thảm thực vật với phía Nam Quảng Trị và các vùng trằm chết, mở rộng vùng đầm, đập. Đồng thời, trồng khoảng 100ha cây bản địa ở xã Phong Chương để nối Điền Hương-Phong Chương thành bãi rừng rú, tạo vùng chim di cư và tài nguyên động thực vật chưa được khai phá.

Vốc nắm cát còn rịn hơi nước, Hồ Ngọc Anh Tuấn, cán bộ IREN, thành viên dự án CFR giải thích, so với các loài cây trên đất “thông thường”, từ lúc nguyên sơ, cây bản địa trên rú cát phân bố rậm rạp đã bảo vệ cư dân khỏi các tác động của thời tiết cực đoan và giúp họ phát triển sản xuất. Việc hồi phục lại các hệ sinh thái sẽ giữ và tăng thêm tài nguyên nước ngọt sau các cồn cát, giúp người dân có thể thả nuôi các loại cá thương phẩm...

Còn nhiều khoảng trắng trên vùng rú cát Phong Điền

Theo TS. Hồ Đắc Thái Hoàng cần 10 năm, thậm chí hơn thế mới thấy được sự đổi thay, kết quả của trồng rừng, nhất là phục hồi rừng cây bản địa. Nhưng tin chắc, kế hoạch trồng theo 3 nhóm cây: nhóm nằm trong sách đỏ, đặc hữu; nhóm sinh kế và nhóm phục hồi sinh thái sẽ đạt mục tiêu phục hồi giá trị sinh thái, bảo vệ các cồn cát, cửa sông và tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư thích ứng trước biến đổi khí hậu. Những nhóm cây này hình thành sẽ mở thêm hướng phát triển du lịch sinh thái cho vùng cát ven biển; tạo vùng nguyên liệu ổn định, phục vụ làm dược liệu (như cây tràm gió) và dầu ăn (ép từ trái cây sở) có giá trị lớn về thương mại.

Dự án “Thích ứng dựa vào hệ sinh thái ở vùng duyên hải Bắc Trung Bộ-Việt Nam: Phục hồi và đồng quản lý cồn cát và rừng ngập mặn bị suy thoái” (gọi tắt dự án CFR) giao cho cộng đồng địa phương hoàn thành trồng 450ha cây bản địa và 50ha cây ngập mặn trong 2 năm 2019 và 2020 tại vùng cát ven biển, nội đồng của 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Riêng Thừa Thiên Huế trồng khoảng 250ha tại 2 xã Điền Hương và Phong Chương. Thành công của dự án sẽ làm cơ sở áp dụng phục hồi cho những cồn cát trắng tương tự dọc vùng duyên hải miền Trung.

Bài: Hoài Thương

Ảnh: H.Thương - .A. Tuấn