Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Ảnh: AFP/Dantri

Vụ thảm sát ngày 15/3/2019 đã giết chết 51 tín đồ Hồi giáo, được phát trực tiếp trên Facebook và video này sau đó được tiếp tục chia sẻ trên Twitter, YouTube và các ứng dụng do Facebook sở hữu bao gồm Whatsapp và Instagram.

Thủ tướng Ardern cho biết chính phủ New Zealand sẽ đầu tư 17 triệu đôla New Zealand (10,73 triệu USD) trong 4 năm để tăng khả năng tìm kiếm, ngăn chặn và xoá bỏ các nội dung cực đoan khủng bố và bạo lực trên mạng.

Khoản đầu tư này sẽ được sử dụng để tăng gấp đôi các công tác điều tra, pháp y, tình báo và ngăn ngừa của Bộ Nội vụ, nữ thủ tướng tuyên bố trong một cuộc họp báo. Đồng thời, chính phủ sẽ thành lập một bộ phận mới gồm 17 người chuyên phụ trách giải quyết các vấn đề này. Quyền hạn của bộ phận mới bao gồm điều tra và truy tố những người phạm tội thông qua cả phát hiện chủ động và làm việc với các đối tác quốc tế và trong nước.

“Thế giới trực tuyến của chúng ta phải là một môi trường tốt, nơi chúng ta có thể trao đổi ý tưởng, chia sẻ công nghệ và duy trì các quyền tự do dân sự, đồng thời bảo vệ người dân New Zealand khỏi các nội dung phản cảm”, Thủ tướng Ardern nhấn mạnh.

Các tập đoàn công nghệ khổng lồ ở Thung lũng Silicon và các nhà lãnh đạo thế giới đều rất ủng hộ phong trào “Lời kêu gọi Christchurch” mà Thủ tướng Ardern phát động nhằm mục đích thiết lập các tiêu chuẩn đạo đức cho các công ty công nghệ và các phương tiện truyền thông để tránh khuếch đại các nội dung cực đoan bạo lực trực tuyến.

Tuần trước, một vụ nổ súng bên ngoài giáo đường ở Đức cũng được phát trực tiếp trên nền tảng trực tuyến Twitch - công ty con của Amazon. Cũng như vụ thảm sát ở Christchurch, video này cũng nhanh chóng bắt đầu xuất hiện ở nhiều nơi khác trên mạng, được chia sẻ bởi cả những người ủng hộ hệ tư tưởng chống Do Thái của hung thủ và các nhà phê bình lên án hành động này.

Ngay sau vụ việc trên, Thủ tướng Ardern nói rằng cuộc tấn công ở Đức là một lời nhắc nhở khác về mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan trực tuyến.

BẢO NGHI (Lược dịch từ CNA)