Bể bỏ bao gói thuốc BVTV tại đồng ruộng xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) để lẫn lộn các loại rác

Chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), bình quân mỗi năm, trên địa bàn tỉnh sử dụng khoảng 300-350 tấn thuốc BVTV. Trong đó, lượng bao gói chiếm khoảng 14% trọng lượng. Như vậy mỗi năm thải ra môi trường trên 42 tấn bao gói thuốc BVTV các loại.

Việc sử dụng thuốc BVTV chưa có xu hướng giảm, trong khi khâu xử lý chưa được người nông dân, cơ quan chủ quản chú trọng thực hiện đảm bảo yêu cầu. Vì thế, ô nhiễm môi trường từ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng ở khu vực nông thôn đang ở mức báo động.

Không phải HTX nông nghiệp hay địa phương nào cũng đều xây bể chứa bao gói, vỏ chai thuốc BVTV, nên lượng rác nguy hại này còn nằm vương vãi trên các đồng ruộng, ao hồ, kênh mương, một số được vứt chung với rác thải sinh hoạt. Theo phân tích, lượng thuốc BVTV còn sót lại trong bao gói từ 1-2%. Nếu những bao vỏ này bị ném xuống kênh mương, dòng nước, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Hương Hồ 1- Bùi Văn Sâm cho biết, năm 2018, HTX đầu tư hơn 12 triệu đồng xây 24 điểm bể bỏ bao vỏ thuốc BVTV, phục vụ hoạt động sản xuất lúa 2 vụ trên diện tích 115 ha của HTX. Có bể bỏ bao vỏ hợp lý, nên đã giải quyết được tình trạng vứt bao, vỏ bừa bãi ngoài đồng ruộng như trước đây. Bình quân khoảng 1 năm sau khi bể gom rác đầy, HTX tổ chức xử lý bằng hủy đốt tại chỗ.

Mặc dù theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Hương Hồ 1, những vỏ bao này được đơn vị hủy đốt ngoài đồng ruộng và chọn thời điểm xử lý phù hợp, nhưng vì đây là loại rác thải độc hại, nên theo quy định, việc tự ý xử lý như thế này chắc chắn chưa đảm bảo yêu cầu về môi trường và nguy cơ gây ô nhiễm thứ cấp là điều dễ xảy ra.

Mới đây, trên cơ sở tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã ban hành quy chế quy định việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh. Các loại bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phải được thu gom, xử lý riêng với chất thải thông thường và phải được thu gom về các bể chứa.

Qua khảo sát tại các bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được xây dựng ở một số địa phương như Quảng Thọ (Quảng Điền), Hương Toàn (TX. Hương Trà)..., hầu hết sau khi bể đầy đều được xử lý tại chỗ. Theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, để giải quyết tình trạng xử lý còn tuỳ tiện, cần thiết, mỗi đơn vị HTX hoặc 2, 3 đơn vị lân cận cùng kết hợp đầu tư xây dựng khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV để tập kết rác từ các bể chứa. Trong vòng 12 tháng lưu chứa đảm bảo cẩn thận, đơn vị chủ quản cần hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại mà không tự ý đốt hoặc đem chôn.

Ngoài tuyên truyền, vận động ý thức sử dụng, xử lý của người nông dân, nhất là hạn chế sử dụng và thu gom, xử lý đúng nơi, đúng cách, chính quyền địa phương cấp xã cần quy định địa điểm đặt bể chứa, triển khai xây dựng bể chứa bảo đảm yêu cầu. Cần thiết nên giao cho thôn hoặc đội, tổ thu gom rác thải của xã, hoặc HTX nông nghiệp quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo thực tế từng địa phương. Đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa trực tiếp thu gom hoặc ký hợp đồng thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng từ bể chứa đến khu vực lưu chứa và bao gói sau sử dụng không để đúng nơi quy định trên địa bàn quản lý.

Vì đây là rác thải nguy hại, nên đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa cần đứng tên đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại hoặc báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên