Phân tích báo cáo chiến lược do các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố có nhận định, tăng trưởng GDP trong quý 1/2019 sẽ chậm hơn so với cùng kỳ năm trước, và áp lực lạm phát không lớn.

Lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt

Theo VDSC, lạm phát trong quý 1/2019 có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng không nên chủ quan. Bởi theo số liệu từ Tổng cục thống kê (GSO), lạm phát trong 2 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64%, trong khi lạm phát cơ bản tăng 1,82%. Áp lực lạm phát trong quý này không quá lớn và được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố cả bên trong và bên ngoài.

VDSC nhận định, tăng trưởng GDP Việt Nam trong quý 1/2019 sẽ chậm hơn so với cùng kỳ năm trước, và áp lực lạm phát không lớn. (Ảnh minh họa: KT)

Trong đó, giá dầu có thể thấp hơn năm ngoái do nguồn cung dồi dào và lo ngại về tăng trưởng kinh tế thế giới. Giá dầu trung bình năm nay sẽ chỉ ở mức khoảng 65 USD/thùng so với 71 USD/thùng, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ. Điều này giúp giảm khoảng 0,34 điểm phần trăm vào CPI chung.

Trong khi giá thịt lợn, một trong những nguyên nhân chính khiến lạm phát năm 2018 tăng mạnh, sẽ hạ nhiệt trong nửa đầu năm do dịch bệnh. Các dịch vụ Nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế, và giáo dục sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ để hỗ trợ mục tiêu lạm phát của Chính phủ.

Tính đến nay đã có 7 tỉnh thành phía Bắc ghi nhận có dịch tả Châu Phi, trong số đó có Hà Nam là thủ phủ chăn nuôi heo của khu vực phía Bắc. Dịch tả lây lan đã khiến giá heo ở thị trường phía Bắc giảm sâu. Theo ghi nhận của VDSC, giá thịt lợn hơi khu vực phía Bắc giảm xuống còn 40.000 đồng/kg từ mức 47.000 – 50.000/kg ngày 11/2/2019, mức giảm 18%. Xu hướng giảm của miền Bắc cũng khiến giá thịt lợn của hai miền Trung và Nam giảm.

Mặc dù các quan chức năng đã sử dụng nhiều biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh, tuy nhiên dịch tả Châu Phi đang lây lan khá nhanh. Theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, người dân sẽ được đền bù 38.000/kg cho heo bị tiêu hủy do dịch bệnh. Có nghĩa mức đền bù vẫn thấp hơn giá thị trường hiện nay, nhất là thấp hơn nhiều so với khu vực miền Trung và Nam. Do vậy, có khả năng người chăn nuôi sẽ bán tháo heo để thu lãi, cộng với nhu cầu tiêu thụ heo có thể giảm do dịch bệnh, sẽ khiến giá heo tiếp tục giảm sâu.

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh và các tỉnh/thành cấm nhập khẩu heo từ nơi có dịch, điều này sẽ khiến giá heo tại tỉnh/thành này tăng và hiện tượng phân hóa giá heo theo địa phương.

Sau 6 tháng nếu dịch heo tiếp tục phát triển và ảnh hưởng mạnh tới các tỉnh/thành chăn nuôi heo lớn như Hà Nam, Nam Định, Bắc Giang, Đồng Nai thì sẽ khiến nguồn cung heo giảm mạnh và đẩy giá heo tăng trở lại.

Trong khi đó, giá thuốc và dịch vụ y tế sẽ điều chỉnh tăng khoảng 10-12% theo thông tư số 39/2018/TT-BYT, điều này sẽ góp phần làm tăng 0,5-0,6 điểm phần trăm vào CPI chung. Ngoài ra, giá điện có thể được điều chỉnh tăng 8,36%, đóng góp 0,29% vào CPI, theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vương.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng, lạm phát cơ bản vẫn đang trong xu hướng tăng. Hơn nữa, tăng lương tối thiểu vùng ngày 1/1/2019 và tăng lương cơ bản bắt đầu từ ngay 1/7/2019 cũng khiến nguy cơ lạm phát cơ bản tiếp tục tăng. Nhiều khả năng lạm phát cơ bản sẽ chạm mức 2% trong năm nay.

GDP quý 1 sẽ tăng chậm hơn cùng kỳ năm ngoái

Trong bối cảnh đó, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm lại. Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 9,2%, thấp hơn mức tăng 13,7% cùng kỳ năm 2018.

Hơn nữa, thành tích tăng trưởng của Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Samsung. Hiện tại, hoạt động sản xuất của Samsung đang có dấu hiệu suy giảm. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện cũng giảm 7,3%. Sản xuất điện thoại linh kiện giảm đã ảnh hưởng đến người lao động khi 2 tỉnh thành mà Samsung có nhà máy ghi nhận lượng lao động giảm, Thái Nguyên giảm 4% và Bắc Ninh giảm 6,4%.

VDSC cho rằng, kết quả tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và khả năng sẽ thấp hơn tăng trưởng GDP danh nghĩa. Cán cân thương mại, dù vẫn được kỳ vọng sẽ thặng dư trong năm 2019, có thể sẽ thu hẹp do nhu cầu nhập khẩu dầu thô và máy móc phục vụ cho các dự án lớn của Vingroup, Thaco và hoạt động đầu tư công.

Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP trong quý 1/2019 sẽ chậm hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc Thủ tướng Chính phủ kêu gọi Ngân hàng Nhà nước mở tín dụng và giảm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên ngay tháng 3 sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các quý sau trong môi trường lạm phát thấp và được kiểm soát./

Theo VOV