Chất thải điện tử đặt ra nguy cơ ngày càng tăng đối với môi trường và sức khỏe toàn cầu. Ảnh: ITU

Nhằm nhấn mạnh thách thức đang gia tăng từ hàng núi thiết bị điện tử được thải ra trên toàn thế giới, 7 tổ chức của LHQ đã phối hợp để công bố một báo cáo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, trong một nỗ lực để đưa ra một số giải pháp cho vấn đề có quy mô khổng lồ, khiến thế giới đối mặt với bệnh tật nhiều hơn và góp phần làm suy thoái môi trường.

Cụ thể, báo cáo chung kêu gọi một tầm nhìn mới đối với chất thải điện tử dựa trên khái niệm “kinh tế tuần hoàn”, trong đó một hệ thống tái tạo có thể giảm thiểu sự rò rỉ của chất thải và năng lượng.

“Chất thải điện tử là một thách thức toàn cầu đang gia tăng, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người trên toàn thế giới”, ông Stephan Sicars, Giám đốc bộ phận Môi trường tại Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp quốc (UNIDO) cho biết.

“Để giảm thiểu mối đe dọa này, UNIDO hợp tác với nhiều cơ quan khác nhau của LHQ và những đối tác khác trong một loạt các dự án chất thải điện tử, tất cả đều được dựa trên cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn”, ông Stephan Sicars nói thêm.

Cũng theo báo cáo trên, một quá trình thảo luận phải được thực hiện để thay đổi hệ thống, một quá trình hợp tác với các thương hiệu lớn, những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các học viện, các tổ chức công đoàn và xã hội dân sự.

Biến lời nói thành hành động

Những công việc đáng chú ý đang được tiến hành để khai thác một nền kinh tế tuần hoàn. Chẳng hạn như, Chính phủ Nigeria, Cơ quan Môi trường Toàn cầu và Chương trình Môi trường LHQ đã công bố khoản đầu tư trị giá 2 triệu USD để chính thức hóa ngành công nghiệp tái chế chất thải điện tử ở Nigeria. Khoản đầu tư mới sẽ thúc đẩy hơn 13 triệu USD trong việc tài trợ bổ sung từ khu vực tư nhân.

“Hàng ngàn tấn chất thải điện tử được xử lý bởi những người lao động nghèo nhất thế giới trong những điều kiện tồi tệ nhất, khiến sức khỏe và cuộc sống của họ gặp rủi ro. Chúng ta cần những chiến lược về chất thải điện tử tốt hơn và các tiêu chuẩn xanh, cũng như sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các Chính phủ, người sử dụng lao động và các đoàn thể để làm cho nền kinh tế tuần hoàn hoạt động cho cả con người lẫn hành tinh”, ông Guy Ryder, Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) lưu ý.

Mặc dù chất thải điện tử ngày càng tăng, “Một Tầm nhìn Tuần hoàn Mới” chỉ ra tầm quan trọng của các công nghệ từ Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (Internet of Things), một mạng lưới các thiết bị chứa thiết bị điện tử và kết nối cho phép chúng trao đổi dữ liệu, thông qua các tiến bộ điện toán đám mây, tất cả có thể dẫn đến việc tái chế thông minh hơn và theo dõi chất thải điện tử.

“Một nền kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích to lớn về môi trường và kinh tế cho tất cả chúng ta. Sự sống còn của hành tinh sẽ phụ thuộc vào mức độ chúng ta giữ được giá trị của các sản phẩm trong hệ thống bằng cách kéo dài tuổi thọ của chúng”, bà Joyce Msuya, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ nhận định.

Thanh Ngân (Lược dịch từ UN News)