Ca sĩ Tân Nhân quê làng Mai Xá bên Cửa Việt (Quảng Trị) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Tên tuổi cô với bài hát “Xa khơi” nổi tiếng có lẽ nhiều người đã biết. Nhưng tuổi thanh xuân của cô lại gắn bó với đất Cố đô như rất nhiều người trong gia tộc họ Trương. Cô từng tham gia hoạt động cách mạng rất sớm khi đang học Trường Đồng Khánh. Vốn hiếu động, nhanh nhẹn, mặc dù là nữ sinh Đồng Khánh, nhưng cô hăng say tập võ, rồi lập hội bí mật là “Đảng Sơn Hà” mà cô là “đảng trưởng”!

...Cho đến một ngày, hoạt động bị lộ, xe an ninh Pháp đến khám nhà, may mà cô trốn thoát rồi cả tổ đi lên căn cứ ở gần lăng Gia Long. Cô thoát ly gia đình theo cách mạng từ đó, lúc chưa đầy 15 tuổi.

Những ngày tháng hoạt động ở Huế, Tân Nhân đã để ý tới chàng trai quê Hà Tĩnh, dáng người thư sinh tên là Lê Khánh Căn, nhưng số phận đưa đẩy, mãi tới khi ra chiến khu Việt Bắc họ mới nên duyên chồng vợ. Cũng trong hồi ký, Tân Nhân viết: “Chúng tôi biết nhau từ những ngày đầu cách mạng. Anh làm Bí thư Chi bộ Trường Khải Định (Huế), tôi được bầu làm Ủy viên tuyên truyền huấn luyện của nữ sinh Đồng Khánh. Chúng tôi lao vào hoạt động yêu nước hăm hở… Trên một chuyến đò dọc từ Huế ra, tôi đã nghe một đồng chí lãnh đạo công an hồi đó (anh Ngọc) nhận xét: “Thanh niên Huế có Khánh Căn là triển vọng…”.

Chỉ vậy thôi. Với cô gái trẻ Tân Nhân lúc đó, Lê Khánh Căn cũng như Nguyễn Tăng Hích (tức nhạc sĩ Trần Hoàn), Nguyệt Tú (về sau là phu nhân của tướng Lê Quang Đạo)… thuộc lớp trên, “đó là những thần tượng cao vời ít khi chúng tôi được gặp mặt”. Vì thế mà cả khi hai người gặp nhau, lúc Tân Nhân ra học trường Huỳnh Thúc Kháng ở Châu Phong (Hà Tĩnh), họ cũng chỉ mới thầm biểu lộ cảm tình với nhau.

Cổ kính

Sau đó thì chàng ra Việt Bắc, nàng tặng chàng một chiếc khăn nhỏ và biến cố lớn xảy ra khi nàng xung phong vào Đoàn văn công Mặt trận Bình Trị Thiên và Trung Lào do nhà viết kịch Bửu Tiến làm trưởng đoàn. Đó là thời kỳ gian khổ nhất của mặt trận Bình Trị Thiên. Tân Nhân nhớ lại: “Có lần tôi sốt rét gầy yếu quá, anh Bửu Tiến đưa cho tôi một miếng đường đen và giễu: “Hỡi nàng công chúa vô sản, ưu tiên nàng!”… Cùng lúc đó, nhạc sĩ chỉ huy Cao Xuân Hạo ra hiệu ngầm xin một nửa. Một lần, chúng tôi bị bao vây mọi phía: trên trời máy bay, dưới sông ca nô, trên bộ địch vây quanh… Bị bất ngờ, chúng tôi từng tốp theo hướng núi xanh mà chạy…”.

Hạnh phúc bất ngờ đồng thời cũng là bi kịch trong quãng thời gian non trẻ mới bước vào đời của Tân Nhân bắt đầu từ đây. Nghe tin đồn bay ra Trường Huỳnh Thúc Kháng là Tân Nhân đã chết, chàng Hoàng Thi Thơ đã “truy điệu” cô bạn đồng hương với bài hát “Xuân chết trong lòng tôi” khiến cả trường chuyền nhau hát mà nước mắt tuôn rơi. “Xuân ơi xuân/Chim xa đàn/Xuân ơi xuân/Ngờ đâu xuân chết trong lòng tôi/Trong tiếng đàn…”.

Nào ngờ họ gặp lại nhau và kết quả mối tình ấy cũng thật bất ngờ: Trong khi chàng về thăm quê bị kẹt lại thì nàng mới biết mình mang thai... Trong hồi ký chỉ mấy chục trang, Tân Nhân chỉ dành mấy dòng kể “sự tích” mối tình dang dở: “Xót xa thay, đó là một mối tình bất hạnh. Trong chuyến về thăm nhà vùng tạm chiếm, anh bị kẹt lại và từ đó chúng tôi mãi mãi cách chia. Cháu Hoài, kết quả của mối tình mà chúng tôi tưởng rằng rất đẹp đẽ ấy, hơn nửa cuộc đời mới biết mặt cha… ”.

Thật may là sau hơn 30 năm, khi nối được liên lạc, hai mẹ con mới biết là người nhạc sĩ “lỡ bước”, chứ dù ở “bên kia bờ Hiền Lương”, cả đời ông chỉ viết để bày tỏ tình yêu với quê hương, đất nước. Nhờ thế, nhiều nhạc phẩm của ông nay đã được biểu diễn rộng rãi. Chuyện xưa đã qua gần 70 năm, người trong cuộc không giãi bày, không phải ai cũng hiểu được cặn kẽ. Mới đây, năm 2016, nhà văn - nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam – người anh, người bạn đồng hương của Tân Nhân và cả Hoàng Thi Thơ, người hiếm hoi chứng kiến một phần nỗi đau ấy của Tân Nhân, trong bài viết dài đến 13 trang (sách “Nghệ sĩ Tân Nhân & Xa khơi” – NXB Văn học, 2017) đã cho chúng ta biết thêm nhiều chi tiết thú vị về cuộc đời người nghệ sĩ rất thân thiết với ông, thậm chí khi Tân Nhân vừa “vượt cạn” một mình ở vùng quê xa huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, ông đã đạp xe đến thăm.

Tân Nhân đã vượt qua tất cả, đã kiên cường giữ được “hạt giống” nhỏ bé người nhạc sĩ để lại trong hoàn cảnh vô cùng éo le chính là nhờ tuổi thanh xuân đã được tôi luyện trong thời gian hoạt động ở Huế và chiến trường Bình Trị Thiên. Nhờ đó hôm nay chúng ta có nhà văn - chiến sĩ Châu La Việt mà khi khai sinh lại là Lê Khánh Hoài! Cũng có thể nói, nhờ “duyên nợ” với Huế sâu đậm, với hai tên tuổi lẫy lừng của Huế, mới có cái tên này. Thoạt đầu là việc nhà thơ Tố Hữu - vốn quen biết Lê Khánh Căn hồi hoạt động ở Huế - đã “kéo” chàng trai từng là Bí thư chi bộ Quốc học Huế ra Việt Bắc làm thư ký cho mình. Một người nữa là nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (1919 - 2002); tình cờ, năm 2019 này lại đúng kỷ niệm 100 sinh của ông. Chính là người nhạc sĩ lừng danh với “Đêm đông”, “Bình Trị Thiên khói lửa” đã “cứu” Tân Nhân thoát khỏi giai đoạn khó khăn nhất trong đời. Tân Nhân nhớ lại: “… Cho đến một chiều nọ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương lên tìm đưa tôi về Đoàn Văn công Hà Nội. Thế là tôi vội gửi cháu Hoài cho bà ngoại và người mợ để ba lô lên đường…”. Nói cách khác, Nguyễn Văn Thương sớm nhận ra tài năng của cô cựu nữ sinh Đồng Khánh đang “lỡ bước”, đã chắp cánh cho “con chim non” bay xa để rồi có “Xa khơi” làm rung động trái tim hàng triệu người.

Người ta thường nói “ông Tơ bà Nguyệt” xe duyên, nhưng với Lê Khánh Căn- Tân Nhân thì chính nhà thơ Tố Hữu và nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương mới là hai nhân vật quan trọng nhất chắp nối, sắp đặt cho họ nên vợ chồng. Ở Hà Nội sau 1954, gặp lại Tân Nhân, Lê Khánh Căn “ngỏ lời”, nhưng “nàng” không dám nhận lời vì “chưa hoàn hồn sau lần qua sông đầu tiên”. Nhưng rồi Tết đến, chàng rủ nàng đến chúc Tết nhà thơ Tố Hữu. “… Vừa thấy chúng tôi, anh Tố Hữu vui mừng: “Tổ chức đi thôi…”. Anh Căn phân trần: “Chúng tôi còn khó khăn, sợ chưa làm tốt…”. Anh Tố Hữu lại nhiệt tình: “Khỏi lo, để bọn mình giúp”. Thế là với tâm hồn nồng hậu của nhà thơ, cũng là nhà lãnh đạo, anh gửi giấy mời vào mồng 4 Tết…”.

 Tân Nhân đã ghi lại việc mình nên duyên chồng vợ với Lê Khánh Căn đơn giản và vui vẻ như đám cưới có nhiều “ông lớn” tới dự (như Hoàng Minh Giám, Hoàng Tùng, Xích Điểu…) mà “món ngon nhất” chính là mấy bài hát của cô dâu. Thành vợ chồng rồi, nhưng chuyện “duyên nợ” với Huế của cặp đôi này còn có… “tập hai” thú vị: Hơn hai chục năm sau, con trai của họ trở thành rể nhà thơ Tố Hữu! Nay chàng đã là một giáo sư toán học có tầm quốc tế…

Tròn 10 năm trước (2008) ca sĩ Tân Nhân đã “đi xa”, chuyến đi cuối cùng để tìm gặp lại hai mối tình mà bà đều quý trọng! Nhưng tiếng hát “Xa khơi” thì còn mãi với Huế, với công chúng yêu ca nhạc của cả nước. Nhà báo Lê Khánh Căn sau nhiều năm làm việc ở báo “Nhân dân”, nổi tiếng với bút danh Hồng Chuyên qua nhiều bài chính luận sắc sảo, đã âm thầm viết bộ tiểu thuyết sử thi nhiều tập “Huế ngày ấy”. Thật tiếc là ông mới hoàn thành tập I thì qua đời. Năm 2016, Châu La Việt – với sự giúp đỡ của nhà văn – Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội Nguyễn Bình Phương - đã cho xuất bản tập I dày hơn 600 trang. Tuy chỉ mới là tập I, “Huế ngày ấy” đã phản ảnh khá sinh động cuộc chiến đấu của Thừa Thiên Huế giai đoạn từ Cách mạng Tháng 8 cho đến lúc xây dựng chiến khu Hòa Mỹ, trong đó có hình bóng đồng chí Nguyễn Chí Thanh và cô nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa…

Phải có tình yêu sâu đậm với Huế mới và được những trang văn như thế!...

Bài: Nguyễn Khắc Phê
Ảnh nền: Thanh Toàn