Biển người khác biển ta ư?

Khách khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh lúc 24 giờ, bay đến Dubai 6 giờ sáng, quá cảnh tại đây 5 tiếng, rồi bay thêm 7 tiếng mới tới được Mauritius. Điều gì đã làm cho du khách của một đất nước có bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam tìm tới đảo quốc giữa Ấn Độ Dương? Biển người khác biển ta ư?

Do Mauritius là đảo nên khách đi hướng nào cũng gặp biển. Biển người khác biển ta ư? Biển của người được nhà nước cấm đánh bắt gần bờ, vì muốn dành trọn bãi biển phục vụ cho khách du lịch. Do vậy du thuyền, ca nô dập dìu trên sóng nước. Nhóm thuyền kia chở khách đi lặn. Nhóm thuyền này chở khách ngắm san hô. Riêng thuyền chở tác giả bài viết này thì đi thẳng ra đại dương tìm cá heo để bơi chung và để lắng tai nghe cá heo hát. Không chỉ khai thác du lịch từ biển và bãi biển, Mauritius còn khai thác biển từ trên không. Nhiều trực thăng được du khách thuê bay trên mặt biển để ngắm trọn quần đảo và nhảy dù xuống biển.

Biển người khác biển ta ư? Mauritius được bao bọc bởi một bờ cát trắng mịn và sạch đến không ngờ. Nước biển gần bờ có màu xanh cẩm thạch đẹp long lanh. Thì ra, Mauritius được vành đai san hô bảo vệ. Mặc kệ Ấn Độ Dương có sóng to gió lớn. Mặc kệ nước biển Ấn Độ Dương lạnh và xanh thẫm, mặt nước bao quanh Mauritius vẫn xanh mơn trớn, vẫn ấm và vẫn êm…

Mauritius, “nhỏ mà có võ”

Dù nằm chơi vơi trên Ấn Độ Dương nhưng Cộng hòa Mauritius vẫn thuộc về châu Phi và là thành viên của Tổ chức Thống nhất châu Phi. Mauritius có diện tích 2.040 km2 (TP. Hồ Chí Minh 2.095 km2). Theo số liệu Liên Hiệp quốc, tính đến ngày 9/12/2018, dân số Mauritius là 1.269.664 người (bằng 1/8 dân số TP. Hồ Chí Minh). Tổ chức tiền tệ quốc tế cho thấy, sức mua ngang giá (PPP) năm 2018 Mauritius đạt 22.836.000 USD/người, hạng 61 (Việt Nam 7.378.000 USD/người, hạng 124). Kinh tế Mauritius năm 2018 tăng 9% so với năm 2017. Hèn chi, một đảo quốc nhỏ xiu xíu thế mà có đường băng cho Airbus A380 chở kín 900 khách .

Nguồn thu của đảo quốc Mauritius chủ yếu là du lịch. Mỗi năm có hơn 1,5 triệu du khách đến với Mauritius và 45% quay lại nhiều lần sau đó. Đã có số liệu cho thấy, mỗi du khách chi tiêu khoảng 1.000 USD/ngày (chưa tính tiền resort) trên đảo quốc này. Do vậy, Mauritius còn có tên “Đảo của nhà giàu”.

Tính đến năm 2015 đã có 150 resort được đầu tư trên đảo Mauritius, mỗi resort chiếm vài chục hecta, chưa kể các khách sạn và homestay. Nguồn khách từ châu Âu chiếm 65%/ tổng số du khách. Tính đến năm 2018, số khách Việt Nam đến Mauritius gần 500 người. Đặc biệt, hơn hai năm nay có một chàng trai Việt Nam 30 tuổi cư ngụ trên đảo. Chàng nổi tiếng với vườn rau quê nhà, tô phở 50 USD, nếu kèm thêm chả giò thì lên tới 120 USD/phần.

Tìm đến Mauritius là những người thích sống chậm, thích nói chuyện với chim chóc và thì thầm với cá heo. Có người ngồi đàn piano hằng giờ, có vị tìm một góc vắng đọc sách. Và có khách chơi với đàn kiến cả buổi chiều. Dường như với họ, trên đời này chỉ có đàn, có sách và có bầy kiến.

Rất nhiều diễn viên điện ảnh, ngôi sao ca nhạc nổi tiếng, người mẫu, thương gia, chính khách…, cũng chọn cách sống thầm lặng trong các resort Mauritius. Ban ngày gặp họ ngoài bờ biển với một hình thức như dân du mục, tối đến bên cây nến trên bàn ăn phái nữ diện như bà hoàng, còn phái nam trịnh trọng như vua (quy định mặc khi ăn tối của resort).

Mauritius, sự hấp dẫn khác biệt bởi đa, đa và đa

Lịch sử Mauritius cho thấy từ thế kỷ thứ 10 cho tới thế kỷ 21 đã có những người Ả Rập, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp, Anh tới khai phá, chiếm hữu, khai thác, lập nghiệp và kinh doanh trên vùng đất này. Nhóm giới chủ lại đưa người Nam Phi, người Ấn Độ và có cả người Trung Quốc đến Mauritius làm thuê cho họ. Bao nhiêu dân tộc là bấy nhiêu màu da, bấy nhiêu văn hóa, bấy nhiêu ngôn ngữ, bấy nhiêu tôn giáo, bấy nhiêu ẩm thực, bấy nhiêu thời trang, bấy nhiêu lối sống; quả là “đa, đa và đa”. Mauritius như một thế giới thu nhỏ. Chính điều đó là sự khác biệt và làm nên sự hấp dẫn của đảo quốc này. Hiện nay, khoảng cách giàu nghèo tại Mauritius khá rộng. Dù “Cái bánh” không chia đều cho mỗi người nhưng ai cũng có phần.

Tiểu học và trung học tại Mauritius là giáo dục bắt buộc, được nhà nước miễn phí 100%. Hiện nay Mauritius có 8 trường đại học, trong đó 1 trường của nhà nước và 7 trường của tư nhân. Do nhu cầu của nền kinh tế Mauritius, các trường đại học tư nhân chú trọng đào tạo khoa học, kỹ thuật nông nghiệp và kỹ năng phục vụ du lịch. Nhiều sinh viên đi du học ở nước ngoài, và vì có mối quan hệ lâu đời nên các trường đại học châu Âu là nơi sinh viên Mauritius ưu tiên tìm đến. Bộ Đại học Mauritius cũng đưa ra một kế hoạch đột phá, từ 2020, mỗi gia đình có ít nhất một người tốt nghiệp đại học và thu hút một trăm ngàn sinh viên nước ngoài đến Mauritius du học.

Mauritius có một hệ thống y tế cung cấp các dịch vụ khám và điều trị miễn phí cho mọi công dân và cả du khách; nổi trội là chăm sóc thai sản. Y tế cộng đồng của Mauritius đáp ứng tốt vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, phòng bệnh và tiêm ngừa định kỳ.

Tỷ lệ tôn giáo tại Mauritius dựa trên tỷ lệ dân số. Hindu 51,9%. Cơ đốc giáo 31,4%. Hồi giáo 15,3%. Phật giáo 0,4%... Các giáo dân sống hòa thuận tại Mauritius, ít có xung đột tôn giáo tại đảo quốc này.

“Mauritius - niềm vui sướng”

Ngày đầu tiên đặt chân tới Mauritius, do không phân biệt được người nước này với người nước khác, chúng tôi hồ đồ nhận diện dân tộc qua màu da: Sữa (da trắng), cà phê sữa (da màu) và cà phê đen (da đen). Đón chúng tôi tại sảnh resort là một nữ “cà phê đen” duyên dáng, tạo ấn tượng với nụ cười tươi khoe hàm răng trắng lóa. Nàng nói tiếng Pháp với người Pháp, tiếng Anh với chúng tôi, tiếng Hà Lan với khách Hà Lan, tiếng Đức với khách Đức rồi quay qua nói tiếng địa phương với người bản địa (thiệt tình khi nghe nàng nói nhiều ngôn ngữ cùng một lúc, tác giả bài viết toát mồ hôi hột vì nể phục!). Chỉ chừng đó thôi cũng đủ cho du khách hiểu tại sao kinh tế của viên ngọc Mauritius tăng bình quân 9% mỗi năm.

Bộ trưởng Du lịch Mauritius ông Hon Michael Yeung Yuen nói, slogan du lịch của chúng tôi rất cụ thể “Mauritius - niềm vui sướng”.Và ngành du lịch Mauritius phải phục vụ cho du khách cảm nhận sâu sắc niềm vui sướng trong những ngày ở đảo quốc này.

Bài, ảnh: Tạ Thị Ngọc Thảo