Qua hơn 50 bức ảnh tư liệu về khoa cử, về Văn Miếu- Quốc Tử Giám Thăng Long- Hà Nội và Phú Xuân - Huế; một số tài liệu tranh khắc; 9 văn bản hành chính châu bản; 82 thác bản văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám Thăng Long- Hà Nội, 32 thác bản văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Phú Xuân - Huế, 2 thác bản văn bia Tiến sĩ võ tại Võ Miếu Huế…đã khái quát nên truyền thống giáo dục, đào tạo của Việt Nam từ năm 1075 đến 1919 với tên tuổi của gần 3.000 nhà khoa bảng.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám của Hà Nội và Huế không chỉ là nơi đã đào tạo ra hàng ngàn nhân tài cho đất nước mà còn là nơi hun đúc và bảo tồn nhiều truyền thống quý báu của dân tộc như: hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, coi trọng nhân tài…
Văn Miếu Thăng Long- Hà Nội được xây dựng năm 1070 là nơi thờ Khổng Tử và các bậc Tiên hiền, Tiên nho… Quốc Tử Giám xây dựng năm 1076 phía sau Văn Miếu là Trường học cao cấp đầu tiên của Việt Nam.
Khi Phú Xuân - Huế trở thành Kinh đô của Việt Nam, đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn chủ trương xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám tại Huế vào năm 1808 nằm bên bờ sông Hương, phía Tây Kinh thành Huế. Quốc Tử Giám xây dựng chính thức cạnh Văn Miếu vào năm 1820, là nơi tập trung các học sinh trong nước về Kinh dùi mài kinh sử. Vào thời Thành Thái, năm 1908, Quốc Tử Giám được dời về khu vực phía đông của Kinh Thành như hiện nay.
Xuân Hồng