1. Lệnh chỉ của Đoan Nam Vương Trịnh Khải, ban cho ông Võ Bá Lộc làm chức Đội trưởng đội Tượng binh. Tạm dịch nghĩa: Nguyên soái tổng quốc chính Đoan Nam vương (Trịnh Khải) ban lệnh cho Võ Bá Lộc, người xã Nguyệt Biều, huyện Hương Trà, Đội trưởng Đội Hữu Trung, quân Tượng binh địa phương đạo Thuận Hoá làm nhiệm vụ trấn giữ biên cương, vào năm Nhâm Dần (1782) đã cùng chư quân lập công, vậy nên nhân tiện ban chức Đội trưởng đội ấy theo làm việc công. Nay ban lệnh. Ngày 27 tháng 7 năm Cảnh Hưng 45 (1784).

Một trong 4 lệnh chỉ, sắc phong cho ông Võ Bá Lộc

2. Sắc cho ông Võ Bá Lộc Thị Nội Trung tượng Tứ Vệ, làm Cai đội, tặng tước Hầu. Tạm dịch nghĩa: Sắc cho: Thị nội Trung tượng Tứ vệ là Võ Bá Lộc, trải qua chiến trận gian lao, nay thăng Cai đội, tước Viện Trung hầu, tiếp tục đốc suất quân ngũ dưới quyền theo làm nhiệm vụ, nhược bằng chần chừ không tiến, lười biếng trễ nải, thì phải chịu quân pháp. Hãy vâng kính đấy. Ngày 28 tháng 11 năm Quang Trung 2 (1789).

3. Sắc cho ông Võ Bá Lộc được gia tặng “Anh dũng Tướng quân”. Tạm dịch nghĩa: Sắc cho: Thị nội Trung tượng cơ Tứ vệ, cai đội Võ Bá Lộc, trãi qua chiến trận gian lao, nay gia tặng Anh dũng Tướng quân Trung uý, tước Viện Tài tử đốc suất quân ngũ dưới quyền theo làm nhiệm vụ, nhược bằng trể nải lười biếng thì phải chịu quân pháp. Hãy vâng kính đấy. Ngày 28 tháng 4 năm Cảnh Thịnh 1 (1792).
 
4. Sắc cho ông Võ Bá Lộc “Hùng liệt Tướng quân”, tước Hầu. Tạm dịch nghĩa: Sắc cho: Thị nội Trung tượng cơ Tứ vệ Trung uý Võ Bá Lộc, phong thái mạnh mẽ, khí thế cương cường; theo phò đức vua đã hơn mười năm; khó nhọc xông pha, có nhiều khả năng điều khiển tượng binh, trong bốn lần xông trận đã đem hết lòng rong ruổi, được đặc biệt tin dùng; nay tặng Hùng liệt Tướng quân, Hộ quân sứ, tước Viện Tài hầu, cầm quân thường xuyên đánh giặc, theo đuổi việc công, để không thẹn với chí khí thời trai trẻ vậy. Hãy vâng kính đấy. Ngày 16 tháng 10 năm Cảnh Thịnh thứ 3 (1794).
 
Như vậy, ông Võ Bá Lộc có thể đã làm quan từ thời các chúa Nguyễn, đến khi quân Tam Phủ - Kiêu binh “nổi loạn” phế Điện Đô Vương Trịnh Cán, lập Trịnh Khải (Đoan Nam Vương) ngày 24 tháng mười năm Nhâm Dần (28/11/1782) và ban chức Đội trưởng đội Tượng binh cho ông Lộc. Đến thời Tây Sơn – Quang Trung Năm thứ 2 được thăng Cai đội. Sau khi vua Quang Trung mất, Quang Toản (con vua Quang Trung) lên ngôi, ông vẫn phục vụ và có nhiều công trạng, được vua ban sắc khen tặng, phong chức tước vào các năm 1792, 1794.
 
Bản chất lịch sử chủ yếu của các văn bản Hán – Nôm (lệnh chỉ, sắc chỉ) ở Nhà thờ họ Võ (Nhánh 2), làng Nguyệt Biều, phường Thuỷ Biều (TP Huế) đã góp phần chứng minh, giải thích, làm sáng tỏ thêm về một thời kỳ lịch sử: Lê – Trịnh, Tây Sơn ở Thuận Hoá, Phú Xuân trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, còn chứng minh một điều quan trọng: người tài giỏi, tâm huyết, có năng lực thì bất cứ triều đại nào cũng có chỗ đứng trong xã hội.
Phạm Xuân Phượng