Bản báo cáo thuyết minh “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án thí điểm (báo cáo cuối kỳ - tháng 2 năm 2018)”, trong đó có quy hoạch chi tiết các công viên đã được chuẩn bị rất công phu, với chất lượng cao, đem đến cho TP. Huế một bức tranh mới sinh động, đa dạng và bền vững.

Tuy nhiên, để các công viên được hoàn thành mỹ mãn hơn, tránh những bất cập ngoài ý muốn, tránh những trắc trở không mong đợi, phải cải tạo các công viên một cách tốt nhất.

Về hiện trạng về chủng loại, số lượng, chất lượng và phân bổ cây xanh hiện hữu, theo chúng tôi, nội dung này rất quan trọng, vì nếu nắm bắt được nội dung này, chúng ta mới có cơ sở để tái quy hoạch: trồng mới loài gì, vì sao trồng những loài này, mỗi loài bao nhiêu cây? trồng thay thế loài gì, vì sao phải thay thế, thay thế bao nhiêu loài, bao nhiêu cá thể/loài. Rất tiếc, trong báo cáo thuyết minh không thấy nội dung này.

Về chủng loại, số lượng, chất lượng và phân bổ cây xanh (bao gồm cả cây bóng mát và cây cảnh) cần trồng được ghi trong báo cáo thuyết minh, bản báo cáo ghi khá đầy đủ chủng loại cây xanh cần trồng cho từng công viên, nhưng không nêu yêu cầu về chất lượng cây và không chỉ rõ vị trí từng chủng loại, mà chỉ đánh dấu mang tính đồ hoạ chung chung. Thiết nghĩ, cần làm kỹ điều này để lấy ý kiến đóng góp ngay bây giờ nhằm tránh tình trạng khi triển khai trồng có thể bộc lộ những bất cập, nhược điểm, bất hợp lý.

Riêng về chủng loại cây cần trồng cho từng công viên được ghi ở các bảng trong báo cáo thuyết minh có rất nhiều chỗ thiếu chính xác, nhất là về tên khoa học các loài cây. Điều này có thể dẫn đến việc đưa trồng nhầm loài, không đúng với quy hoạch, chưa nói đến việc khi đặt hàng cây giống, họ có thể cung cấp cây không đúng chủng loại. Thậm chí do sai tên khoa học mà sau này đưa trồng cây ô nhiễm môi trường, chẳng hạn như cây ươi, với tên khoa học Scaphium macropodum (cây này còn được gọi là ươi thạch); đưa cây này vào trồng công viên đến mùa quả sẽ hấp dẫn người dân leo trèo khai thác dẫn tới nguy cơ tai nạn. Ngoài ra, khi quả chín rơi rụng hạt gặp mưa hoá nhầy có thể gây trượt ngã cho người đi lại trong công viên và hấp dẫn ruồi nhặng. Tương tự, cây phượng vàng với tên khoa học là Caesalpinia pulcherrima cũng là một sự nhầm lẫn đáng tiếc, vì Caesalpinia pulcherrima là một loại cây bụi cho hoa màu vàng hoặc màu đỏ cam, thường được người dân trồng trong vườn để thu hoạch hoa bán phục vụ cúng tế nên người Huế gọi là cây phượng cúng, tên phổ thông là kim phượng. Cây này không phải là cây bóng mát, cũng không phải là cây trồng làm cảnh ở công viên. Ở đây có thể người lập bảng đã nhầm với cây phượng vàng hay phượng vĩ hoa vàng (Delonix elata) hoặc cây lim xẹt cánh (Peltophorum pterocarpum). Nếu chọn cây lim xẹt cánh, theo tôi là không nên, vì cây này hiện hữu dày đặc khắp TP. Huế và đang bị phê phán, vì nó chỉ có ưu điểm cho hoa vàng sặc sỡ, nhưng mang nhược điểm lớn là quả màu rỉ sắt, lá nhỏ và rụng nhiều khó quét dọn, thân cành không đẹp, bộp, dễ bị tước cành, gãy thân khi gặp gió.

Hiện nay, ở bờ sông dọc công viên Thương Bạc, góc cầu Phú Xuân, đang hiện hữu một cây ngô đồng tuổi trung niên. Cứ đến dịp Festival Huế, cây này ra hoa rộ, phô diễn một vòm hoa màu tím phớt hồng rất bắt mắt. Nhiều du khách đã dừng chân chụp ảnh, nhìn ngắm. Điều đáng tiếc là chỉ có duy nhất một cây ở khoảng không gian thơ mộng này, mà nó lại bị lấn át, che khuất bởi hai cây tạp là sầu đông (xoan) và bàng. Theo tôi, cần hạ giải hai cây tạp vừa nói để cho cây ngô đồng được thông thoáng, phát triển cân đối, đẹp và bền vững. Nếu được thì bổ sung vào bản quy hoạch công viên nội dung: “Trồng một hàng cây ngô đồng dọc bờ sông, men theo công viên Thương Bạc” sẽ làm đẹp hơn công viên hai bờ sông.

Đỗ Xuân Cẩm