Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Một số vấn đề về việc làm và tiếp cận chính sách liên quan của lao động phi chính thức tại Việt Nam”, do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây.

Khảo sát của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho thấy, hơn 70% lao động phi chính thức không biết đến các chính sách lao động, việc làm, hơn 40% người lao động tự do chưa bao giờ nghe nói đến BHXH tự nguyện, chỉ có 21% biết đến chính sách này và 35% số người được hỏi sẵn sàng tham gia BHXH tự nguyện.

Tỷ lệ người lao động tự do biết đến BHXH tự nguyện còn rất hạn chế. (Ảnh minh họa)

Gần 10 năm phát triển BHXH tự nguyện, hiện chỉ có 237.000 người tham gia. Số tham gia chủ yếu là người đã đóng BHXH bắt buộc được một số năm và họ tiếp tục đóng để được hưởng lương hưu khi về già.

Điều đáng nói, vẫn còn gần 40 triệu người lao động trong khu vực phi chính thức, người lao động tự tạo việc làm, giúp việc gia đình, nông dân, ngư dân... thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện nhưng chưa đăng ký tham gia.

Bà Trịnh Thu Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dân số, lao động, việc làm, Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết nguyên nhân số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp do công tác tuyên truyền đến người lao động còn hạn chế, chủ yếu là qua pano, áp phích, phát tờ rơi; cán bộ phụ trách tuyên truyền có kiến thức chưa sâu; chế độ của BHXH tự nguyện chưa đầy đủ như BHXH bắt buộc, không hấp dẫn người lao động tham gia, không đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trước mắt là chế độ thai sản và tai nạn lao động...

Hiện, chính sách vẫn thiếu sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, thiếu sự gắn kết giữa các chế độ trong một hệ thống an sinh xã hội... Bên cạnh đó, người lao động ở Việt Nam chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để “tích lũy” cho tuổi già.

Bà Trịnh Thu Nga cho hay: “Theo mức kỳ vọng của người lao động thì họ có thể đóng ở mức trung bình là 400.000 đồng/tháng. Mức đóng này theo tính toán của chúng tôi chiếm 7,1% thu nhập bình quân của người lao động. Rõ ràng với mức đóng tối thiểu là 154.000 đồng/tháng hay cao hơn nữa ở khu vực phi chính thức vẫn có khả năng đóng được. Vấn đề không phải tổ chức thực hiện hay mức đóng mà là khâu tuyên truyền, phổ biến của chúng ta chưa đầy đủ, chưa đến được với người dân hay chưa thuyết phục được người dân”.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó trưởng Ban thu, BHXH Việt Nam cho biết, ngoài số lao động phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì số người lao động khu vực chính thức hưởng BHXH một lần, rời khỏi hệ thống an sinh xã hội cũng đang gia tăng, từ đầu năm đến nay đã có gần 600.000 người.

Để thu hút nhiều người tham gia BHXH tự nguyện, từ ngày 1/1/2018, Nhà nước sẽ hỗ trợ mức đóng cho người lao động từ 10% đến 30% tùy từng đối tượng. Chủ trương này được kỳ vọng sẽ nâng mức bao phủ BHXH, đồng thời giúp những người lao động tự do có thêm quyền lợi.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết: “Chúng tôi cũng đề xuất phải đưa ra nhiều gói BHXH linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều sự lựa chọn phù hợp. Trong việc hoạch định chính sách cũng cần có thêm những bài toán bảo đảm nguyên tắc đóng-hưởng, bảo đảm sự bền vững của Quỹ BHXH. Để tăng cường an sinh xã hội, đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ tăng lên để làm giúp người lao động ở khu vực này giảm được khó khăn hơn nữa, có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện. Chúng tôi cũng đề xuất Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội sớm ban hành, phê duyệt đề án giao chỉ tiêu BHXH xuống các địa phương”.

Mong muốn của những người lao động tự do là bên cạnh việc hỗ trợ về mức đóng, Nhà nước cần mở rộng thêm những chế độ hưởng cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Bởi lẽ, hiện nay, người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, đối với người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất.

Theo VOV