Thu gom, phân loại rác ở Hương Trà

Nói cách khác, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, từ việc ăn, ở, đi lại đều gắn liền với các dụng cụ, phương tiện từ chất dẻo tổng hợp.

Nhựa được dùng phổ biến đến mức hầu như chẳng ai để ý đó là vật liệu tổng hợp, gây hại cho sức khỏe con người và ảnh hưởng đến môi trường. Sau khi sử dụng, chất dẻo trở thành phế liệu. Không khó để nhận ra, trong các thùng rác gia đình, các đống rác trên mọi nẻo đường hay điểm tập kết rác, từ đô thị đến nông thôn... loại rác phế liệu nhiều nhất vẫn là các bao bì, túi nilon. Thậm chí trên các cánh đồng, nhiều chai nhựa, túi nhựa bị “bỏ quên” khắp nơi.

Các sản phẩm chất dẻo tổng hợp kể trên phần lớn được sản xuất từ Polyetylen hoặc Polyvinyl. Bản thân hai chất này không độc hại nhưng các chất phụ gia pha trộn trong quá trình sản xuất thì rất độc hại. Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất dẻo phế thải? Biện pháp được áp dụng đầu tiên là đốt cháy. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp tối ưu (do khi cháy, sẽ sản sinh các khí độc). Chôn sâu trong lòng đất cũng chưa phải là biện pháp thỏa đáng (vì gây ô nhiễm môi trường). Trong thực tế, phần lớn số chất dẻo phế thải này kết thúc chu kỳ sản phẩm của chúng tại các bãi chôn lấp rác.

Vì vậy, tiết giảm, tái sử dụng và tái chế chất thải, nhất là sản phẩm từ chất dẻo tổng hợp sẽ góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh, hình thành thói quen sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Tại Thừa Thiên Huế, việc tái sử dụng và tái chế chất thải từ lâu được các trường mầm non “tiên phong” thực hiện để làm các sản phẩm đồ chơi cho các em học sinh, như ở trường mầm non Thủy Dương (Hương Thủy), mầm non Hoa Mai, mầm non I, II (TP. Huế)... với hàng nghìn tác phẩm đồ chơi, đồ dùng phục vụ công tác giảng dạy cũng như vui chơi cho các em rất độc đáo. Hội phụ nữ các cấp có các phong trào nói không với túi nilon bằng cách tuyên truyền cho chị em sử dụng giỏ khi đi chợ hay hướng dẫn cách phân loại rác tại nguồn cho phụ nữ các xã miền núi...

Có lẽ trong chúng ta ai cũng ý thức được việc tái chế rác thải rất có lợi cho môi trường. Thế nhưng, rất ít người chọn cách tái chế hay phân loại chúng sau khi sử dụng. Tái chế rất dễ dàng, mỗi người đều có thể thực hiện ngay tại nhà bằng những việc rất đơn giản như  từ các sản phẩm bỏ đi (chai nhựa, bao nylon...), bằng tài khéo léo của mình, chúng ta có thể tạo ra nhiều vật dụng có ích. Khi không có nhu cầu sử dụng, hãy gom chất thải lại và giao cho các đơn vị thu gom tại địa phương.

Hoặc đơn giản hơn, hãy hạn chế sử dụng các sản phẩm từ chất dẻo tổng hợp và kêu gọi mọi người cùng tham gia.

Liên Minh