Thủ tướng Lý Hiển Long thể hiện sự trẻ trung của nhà lãnh đạo gần dân và hiểu thời cuộc - Ảnh: AFP |
Thời gian gần đây, mạng xã hội tại Singapore dậy sóng với đoạn video ghi lại cảnh một cặp vợ chồng mắng mỏ và xô đẩy một cụ già trong quán ăn.
Những hình ảnh ứng xử kém văn hóa ấy, tiếc thay, lại không hiếm tại một quốc gia có nền kinh tế tri thức phát triển như Singapore.
|
Còn nhiều việc phải làm
Sau nhiều năm nỗ lực, thành quả kinh tế của Singapore được cả thế giới ghi nhận. Nhưng xét về khía cạnh văn hóa, Singapore, vốn tạo cảm giác như một xã hội công nghiệp, lại chưa có nét riêng, sự văn minh, ít ra so với sự kỳ vọng của chính họ, dù đó là một sự kỳ vọng tương đối khắt khe.
Trong đoạn video, một ông lão 76 tuổi bưng theo khay thức ăn và hỏi một phụ nữ độ 40 tuổi rằng liệu ông có thể ngồi chung bàn hay không.
Đáp lời cho câu hỏi lịch sự đó là thái độ khó chịu của người phụ nữ. Sau đó, một người đàn ông được biết là chồng của người phụ nữ trên xuất hiện và huých vai khá mạnh khiến ông lão suýt ngã.
Cặp vợ chồng trung niên ấy bị cảnh sát phạt vì hành vi gây rối trật tự công cộng và nhiều cáo buộc cho rằng họ dùng lời lẽ xúc phạm người cao tuổi.
Báo Straits Times ngày 20/5 dẫn lời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đề cập tới chính nội dung đoạn video kể trên làm minh chứng cho thấy người Singapore còn nhiều việc để làm, nếu muốn hướng tới một xã hội hoàn thiện.
Theo ông Lý Hiển Long, người Singapore đã đi một chặng đường dài để hôm nay Singapore trở thành một xã hội hiện đại, phát triển, nhưng cái gốc văn hóa châu Á vẫn còn.
Tại Singapore, người dân có luật bất thành văn là dùng một tờ giấy để đánh dấu “đặt bàn” khi đi ăn ở các cửa hàng hoặc tại một khu mua sắm như trong đoạn video.
Tuy nhiên, điều này cũng chỉ cho thấy thực tế rằng Singapore chưa thoát khỏi một phần tiêu cực trong văn hóa châu Á: văn hóa xếp hàng.
“Sau tất cả thì tại nhiều nước, nếu không xô đẩy, chen lấn để lên phía trên thì bạn đơn giản cũng bị hất ra ngoài. Và nếu có dùng mảnh giấy để “đặt chỗ”, mảnh giấy ấy cũng bị ném đi” - ông Lý Hiển Long nói.
Tự tôn có ý thức
Không quá vô tình khi phát biểu của ông Lý Hiển Long được trình bày vào ngày 19/5, tại buổi lễ khai trương Trung tâm văn hóa cộng đồng người Hoa ở Singapore. Ông Lý đã nói khá nhiều điều về khía cạnh văn hóa và mở rộng ra là chủ đề sắc tộc, bản sắc dân tộc.
Kế thừa di sản từ hướng đi của cha, cố thủ tướng và là nhà sáng lập đất nước Singapore Lý Quang Diệu, ông Lý Hiển Long giữ lập trường Singapore “không phải là một nồi lẩu thập cẩm, mà là một xã hội nơi mỗi sắc tộc được khuyến khích giữ gìn bản sắc, truyền thống của mình, tôn trọng đón nhận bản sắc của người khác”.
Ông Lý Hiển Long nhấn mạnh rằng phương pháp tiếp cận đa sắc tộc đã tạo ra nét đặc trưng của chính Singapore.
Thậm chí người Singapore khi du lịch ra nước ngoài có thể nhận diện nhau chỉ bằng nụ cười và hành động, dù họ sẵn sàng chịu ảnh hưởng từ cộng đồng người Malaysia, người Trung Quốc, Ấn Độ...
Ông nói: “Chúng ta muốn hòa nhập chứ không phải hòa tan... Kết quả là đã có những biến thể người Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, người lai Âu và một sự nhận diện dân tộc mà tất cả chúng ta cùng sẻ chia, lan tỏa và kết nối những bản sắc cá nhân với văn hóa sắc tộc”.
Những vấn đề văn hóa sẽ khó đáp ứng với lịch sử non trẻ của nước Singapore hiện đại. Nhưng có lẽ cách tốt nhất vẫn là thực tế người Singapore muốn hướng tới cái tốt từ những hành động nhỏ.
Như ông Lý Hiển Long nói, việc xã hội lên án hành vi từ đoạn video nêu trên dẫu sao cũng là tín hiệu tốt, vì thậm chí “sẽ còn tồi tệ hơn nếu mọi người xem đó là chuyện bình thường”.
Sự góp sức của người tốt sẽ khiến xã hội tốt lên. Điều này làm liên tưởng đến trường hợp một người Việt Nam bị chủ cửa hàng tại Singapore lừa mua chiếc IPhone 6 cách đây vài năm. Khi ấy, người Singapore sửa sai bằng cách quyên góp tiền để đền bù thiệt hại cho nạn nhân.
Theo Tuổi trẻ