Chiếu sáng có định hướng để không làm ô nhiễm môi trường chiếu sáng và hướng đến nghệ thuật trong chiếu sáng đòi hỏi phải có quy hoạch tổng thể,  đầu tư kinh phí và ý tưởng thiết kế, phù hợp với từng khu vực, từng loại hình chiếu sáng để hài hòa với quá trình phát triển của đô thị, tránh trường hợp xung đột nhau, gây ô nhiễm ánh sáng, giảm mỹ quan, lãng phí điện năng.

Đối với loại hình chiếu sáng phục vụ giao thông, ngoài việc phải tạo môi trường ánh sáng tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho phương tiện và con người lưu thông, an ninh - an toàn xã hội, thì chiếu sáng đường phố nếu được thiết kế tốt cũng góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị vào ban đêm. Một khi có thiết kế riêng hệ thống điện chiếu sáng cho từng tuyến đường cụ thể thì sẽ nâng cao tính thẩm mỹ và hiệu quả của chiếu sáng. Chúng ta có thể cân nhắc cách bố trí kiểu dáng, chủng loại cột đèn phù hợp đặc điểm của con phố, không gian công cộng khác nhau, hay những yếu tố như đặc điểm kiến trúc hay tính lịch sử của công trình, không gian, cây xanh, mặt nước... Nếu công năng chính của con đường là tuyến giao thông, việc thiết kế chiếu sáng sẽ khác so với các tuyến phố nằm trong khu dân cư, đặc biệt đối với các phố đi bộ hay đường dạo ven sông phục vụ ngắm cảnh, đèn chiếu sáng phải được thiết kế như là một phần của cảnh quan chung, phù hợp với hạ tầng các thiết bị công cộng khác như ghế, thùng rác hay phục vụ cho sinh hoạt nghỉ ngơi, vui chơi…

Trong lĩnh vực kiến trúc, chiếu sáng sẽ thực sự tạo những hiệu ứng thú vị bất ngờ khi việc tổ chức chiếu sáng chú trọng tập trung làm nổi bật kiến trúc, các tác phẩm mang tính nghệ thuật.

Theo các chuyên gia về thiết kế ánh sáng, bí quyết đơn giản trong nghệ thuật chiếu sáng là “chiếu sáng đúng mục tiêu".  Để làm được điều này, chiếu sáng phải dựa theo quy mô, tính chất và đặc điểm kiến trúc của công trình. Ở đây, chiếu sáng không đơn thuần là lắp đặt đèn mà còn thỏa mãn các yêu cầu như: nổi bật hướng nhìn chính của công trình, làm rõ giới hạn của công trình, khắc họa các chi tiết đặc thù như cổng, vòm, mái, tường, cột, phù điêu…; đồng thời, tạo ra sự tương phản sáng tối, màu sắc, chiều sâu. Công trình chiếu sáng kiến trúc là công trình chiếu sáng đi vào chiều sâu, mang tính ổn định, bền vững nên để mang lại hiệu quả chiếu sáng nghệ thuật cần phải phân cấp kịch bản cho công trình có cấp độ chiếu sáng khác nhau, chia vào những thời điểm khác nhau trong tuần, trong năm để giảm bớt sự đơn điệu và không gây lãng phí năng lượng.

Một loại hình chiếu sáng cũng rất cần được quan tâm ở Huế là chiếu sáng phục vụ cho các sự kiện lễ hội văn hóa. Thực tế, trong các dịp lễ, tết, Festival Huế, thành phố đều ưu tiên tổ chức trang trí đèn cho nhiều con đường trong các sự kiện, lễ hội như đường Lê Lợi, Trần Hưng Đạo… Chiếu sáng dạng này có thiên hướng trang trí đèn đa sắc màu, theo chủ đề của từng sự kiện lễ hội. Tuy nhiên, trong quá trình tính toán thiết kế chiếu sáng trang trí lễ hội cần chú trọng đến tính an toàn cho người thưởng ngoạn về công năng nơi sử dụng không gian, an toàn điện và tiết kiệm điện, dễ tháo lắp trong quá trình thi công. Với công nghệ LED đang phát triển mạnh mẽ,  việc chiếu sáng trang trí lễ hội sử dụng công nghệ này vừa an toàn vừa tiết kiệm, đồng thời có tính thẩm mỹ rất cao. Với chiếu sáng quảng cáo cũng cần có sự quan tâm thích đáng bởi cũng tạo ra sắc màu cho đô thị. Hiện nay, việc chiếu sáng quảng cáo đang “trăm hoa đua nở” dẫn đến tình trạng tiêu tốn khá nhiều điện năng, mất thẩm mỹ. Vì vậy, quy hoạch quảng cáo cần chú trọng đến sử dụng bố trí ánh sáng nhằm hòa mình vào quy hoạch chiếu sáng tổng thể chung của đô thị, góp phần làm đẹp diện mạo chung của đô thị vào ban đêm.                 

Cảnh quan kiến trúc ban đêm của TP. Huế rất quan trọng, với khái niệm mới “kiến trúc ánh sáng đô thị”. Đó là tổng hợp những kiến thức về sử dụng ánh sáng nhân tạo làm nổi bật kiến trúc đô thị về đêm. Muốn có giải pháp hoàn hảo cho vấn đề này, một mặt đòi hỏi phải phân tích kỹ cấu trúc qui hoạch đô thị. Như với Huế là nghiên cứu khu vực bờ bắc hay bờ nam, hai bên bờ sông Hương, các công trình điểm nhấn như: Kỳ Đài, Ngọ Môn, cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, tượng đài Quang Trung...; các trục đường văn hóa chính thường xuyên diễn ra sự kiện lớn, như: Lê Lợi, Trần Hưng Đạo... Ngoài ra, phải hiểu biết sâu sắc các kiến thức kiến trúc, kỹ thuật và thẩm mỹ chiếu sáng để thực hiện ý tưởng chiếu sáng mỹ thuật nhằm tôn tạo kiến trúc quần thể của một đô thị.

Thời gian tới, trong quy hoạch kiến trúc, thiết nghĩ nội dung về chiếu sáng đô thị cần đưa vào như một yêu cầu trong xây dựng đô thị, xem đây là điều kiện có tính pháp lý trong quản lý qui hoạch đô thị.

 Quang Phong