Chính sách “mở cửa”

Tháng 9/2015, khi mỗi ngày có hàng ngàn người di cư đổ vào châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra một tuyên bố đáng kinh ngạc. Đối mặt với các cuộc chiến đang hoành hành ở Trung Đông, bà Merkel cho biết sẽ tiếp nhận “không giới hạn” số người tị nạn vào Đức. Lời hứa này - cùng với một số lợi ích hào phóng nhất giành cho người tị nạn trên thế giới - đã biến quốc gia này trở thành thiên đường của những người xin tị nạn.

Cảnh sát đưa 3 mẹ con người Afghanistan rời khỏi chuyến tàu đến Đức . Ảnh: Washingtonpost

Vào thời điểm đó, chính sách mở cửa với người tị nạn của Thủ tướng Merkel nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế, và nước Đức trở thành đầu tàu kéo theo hàng loạt tuyên bố tiếp nhận người tị nạn tại các nước châu Âu khác.

Áp lực lên Thủ tướng Merkel

Theo thống kê, trong năm 2015, nước Đức đón 1,1 triệu người tị nạn, là nước nhận nhiều người tị nạn nhất châu Âu. Tuy nhiên, Thủ tướng Angela Merkel và chính sách “mở cửa” của bà hiện đang phải đối mặt với áp lực rất lớn, gánh chịu sự chỉ trích của dư luận trong nước và các đảng phái đối lập, một phần do hàng loạt vụ gây rối và tấn công khủng bố gần đây do các đối tượng người nhập cư gây ra.

Chỉ trong tháng 7/2016, nước Đức xảy ra bốn vụ tấn công. Một vụ tấn công bằng rìu, một vụ xả súng, một vụ tấn công bằng dao và một vụ đánh bom tự sát khiến 13 người thiệt mạng, trong đó có 3 kẻ tấn công, cùng với hàng chục người bị thương khác. Từ đó, các phe đối lập chỉ trích bà Merkel đã đẩy nước Đức vào mối nguy hiểm khi ba trong bốn kẻ tấn công là người nhập cư đang xin tị nạn.

Các vụ việc trên khiến uy tín của bà Merkel sụt giảm mạnh. Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây tại Đức, chỉ còn 47% số người được hỏi hài lòng với công việc của nhà lãnh đạo, và tỷ lệ ủng hộ chính sách tị nạn của bà Merkel giảm xuống chỉ còn 34%.

Đẩy mạnh kiểm soát và trục xuất

Từng được coi là thiên đường của người xin tị nạn nhưng giờ đây, nước Đức đã bắt đầu thay đổi. Kể từ tháng 3 năm nay, việc kiểm soát nghiêm ngặt hơn ở Balkans, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm giảm mạnh số lượng di dân mới, mặc dù mỗi tuần vẫn có hàng trăm người di cư - chủ yếu từ Syria, Iraq, Afghanistan và châu Phi - cố gắng vào Đức.

Văn phòng Liên bang về người di cư và tị nạn của Đức (BAMF) cho biết, tính đến cuối tháng 8/2016, Berlin ước tính có tối đa 300.000 người xin tị nạn sẽ tới nước này trong năm nay, chưa bằng 1/3 so với tổng số người xin tị nạn ở Đức năm 2015.

Theo các quan chức Đức, quy mô dòng người kéo đến nhỏ hơn cho phép họ thẩm vấn những người di cư một cách chặt chẽ hơn và áp dụng các quy tắc để loại trừ những người di cư kinh tế và chủ nghĩa cơ hội. Tờ Bild của Đức dẫn lời Chánh văn phòng Nội các kiêm Điều phối viên của Chính phủ nước này về chính sách với người tị nạn, ông Peter Altmaier cho biết trong năm 2015, có tổng cộng 37.220 người tị nạn tại Đức tự nguyện hồi hương và 22.200 trường hợp bị trục xuất và theo ông, cần tăng gấp đôi số trường hợp người tị nạn bị trục xuất khỏi Đức trong năm nay.

“Thực tế của Đức ngày nay đã khác rất nhiều so với câu chuyện cổ tích về vấn đề tị nạn của mùa hè năm ngoái”, Karl Kopp - phát ngôn viên của nhóm hỗ trợ nhập cư Pro Asyl nói.

Theo Washingtonpost ngày 28/9, điều này xảy ra khi nước Đức “chết chìm” trong đống tồn đọng hàng trăm nghìn đơn xin tị nạn. Năm ngoái, nước này chi đến 5,91 tỷ USD để viện trợ cho các nhu cầu và nơi trú ẩn cho người tị nạn, hơn gấp đôi chi phí năm 2014.

Hiện nay, Đức đang từ chối hơn 1/3 số đơn xin tị nạn của những người đã đến nước này, và cũng đang cố gắng đàm phán để hồi hương hàng loạt người di cư từ Afghanistan. Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maizière thậm chí còn nói rằng, Đức muốn đưa nhiều người tị nạn trở về Hy Lạp, nơi mà hầu hết người di cư đặt chân đến đầu tiên ở châu Âu.

Ở thành phố Salzburg - nơi năm ngoái trở thành cửa ngõ chính để vào Đức của người di cư - Cảnh sát Đức còn mạnh tay hơn. Kể từ tháng 6, họ được phép lên các chuyến tàu ở đây để ngăn chặn những người di cư bất hợp pháp. Một số người di cư bị giam giữ một thời gian ngắn trong các nhà tù của Áo. Hầu hết có 14 ngày để rời khỏi đất nước này hoặc xin tị nạn ở đây.

Mesut Mahmud, 37 tuổi, một người Syria từng mơ về một cuộc sống mới ở Đức - sau khi trải qua bốn tháng tị nạn ở Hy Lạp, đã cay đắng thừa nhận rằng, “tôi buộc phải từ bỏ hy vọng về một cuộc sống ở Đức - nơi mà tôi nghĩ rằng, gia đình mình sẽ được an toàn, tự do và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng giờ tôi nhận ra rằng, đó không phải là miền đất hứa”.

Trong tháng 8/2016, Đức từ chối nhập cảnh cho 1.070 người trong số 2.300 người di cư (chiếm 46%), buộc những người này phải dừng chân ở biên giới nước Áo.

TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ Washingtonpost, NYTimes & Reuters)