Người di cư tại nhà ga ở Munich. Nguồn: AFP

Theo số liệu của LAF, từ tháng 1-8/2016 đã ghi nhận trên 2.100 trường hợp người tị nạn ở Berlin nộp đơn xin tự nguyện hồi hương, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế, tính tới cuối tháng 8/2016 đã có trên 1.200 người hồi hương trong khi số người tị nạn tới các cơ sở tư vấn về vấn đề hồi hương cũng tăng mạnh. 

Theo cơ quan trên, người tị nạn muốn hồi hương nhiều nhất đến từ Iraq (25%), tiếp đến là người Afghanistan (20%) và người Albania (10%), trong khi người tị nạn tới từ Syria không thể hồi hương do đất nước này vẫn chìm trong bạo lực và chiến tranh. 

Về nguyên nhân hồi hương, nhiều trường hợp người tị nạn cho biết họ muốn trở về quê hương để chăm sóc người thân, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về sự bấp bênh và không có việc làm tại Đức. 

Lực lượng tư vấn cho người tị nạn hồi hương có nhiệm vụ lo giấy tờ thông hành, sắp xếp chuyến bay và hỗ trợ tài chính thời gian đầu khi họ trở về quê hương, phù hợp với các quy định của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM).

Liên quan vấn đề trên, Chính phủ Đức có kế hoạch chi 100 triệu euro để đào tạo nghề cho người xin tị nạn nếu họ đồng ý hồi hương sau này. 

Theo Bộ trưởng Phát triển liên bang Đức Gerd Müller, mục đích của Chương trình hồi hương người tị nạn ở Đức này là tạo điều kiện cho các trường hợp không có cơ hội được thừa nhận tị nạn (chủ yếu là người tị nạn đến từ Maroc, Tunisia, Senegal, Pakistan,...) trở về quê hương, trong đó các nghề được đào tạo gồm thợ cơ khí, thợ điện-nước và thợ xây./.

Theo Vietnam+