Kiểm tra nhà chứa nấm rơm, nấm linh chi

Có triển vọng kinh tế

Về xã Phú Lương, “thủ phủ” trồng nấm rơm lớn nhất của tỉnh, chúng tôi được các xã viên HTX Nông nghiệp Phú Lương 1 giới thiệu về mô hình trồng nấm rơm trên mùn cưa. Nhiều xã viên cho hay, chất lượng nấm rơm trồng trên mùn cưa không thua kém nấm trồng trên rơm rạ.

Đang tưới nước tạo độ ẩm cho hai luống nấm rơm trồng trên mùn cưa, anh Nguyễn Việt Tuấn, phụ trách kỹ thuật trồng nấm tại HTX Nông nghiệp Phú Lương 1 giới thiệu: “Mấy hôm trước, HTX cho thu hoạch mẻ nấm rơm trồng trên mùn cưa đầu tiên được người mua rất thích. Hiện nay, mẻ nấm rơm mới cũng đang lên”.

Theo anh Tuấn, phong trào trồng nấm rơm tận dụng nguồn nguyên liệu là rơm rạ đã có từ lâu ở xã Phú Lương. Nhờ nghề trồng nấm rơm, các hộ gia đình có thêm thu nhập. Riêng mô hình trồng nấm rơm trên mùn cưa mới được HTX đưa vào trồng trong năm nay và thấy có triển vọng về kinh tế. Nấm rơm trồng trên mùn cưa mọc đều hơn so với trồng trên rơm rạ và chất lượng nấm được thương lái đánh giá cao.

Anh Tuấn cho biết, trồng nấm rơm trên mùn cưa cũng có thời gian thu hoạch như trồng trên rơm rạ, mất 3 – 4 tháng. Không giống như nấm rơm trồng trên rơm rạ phải đóng bọc kín, trồng nấm rơm trên mùn cưa chỉ cần đắp mùn cưa thành luống cao rồi cấy giống. Kỹ thuật chăm sóc nấm rơm trồng trên mùn cưa cũng không khó khăn lắm. Hàng ngày, chỉ mất 2 tiếng đồng hồ chăm sóc, tưới nước lên mùn cưa, tạo độ ẩm cho nấm mọc. Quy trình trồng nấm thuận tiện như vậy, đỡ được công sức chăm sóc rất nhiều.

Tận dụng mùn cưa

Theo ông Nguyễn Thụ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Lương 1, với việc đưa nấm rơm vào trồng trên mùn cưa đã giúp cho HTX giảm rất nhiều chi phí và sử dụng triệt để nguồn nguyên liệu mùn cưa dồi dào tại địa phương để phát triển nghề trồng nấm rơm.

Ông Thụ phân tích: Trước đây, HTX chỉ sử dụng mùn cưa để trồng nấm linh chi, nấm sò. Trung bình sau 3 - 4 tháng trồng, nấm linh chi cho thu hoạch, bán ra thị trường với giá 900.000 đồng/kg. Nhưng sau vụ trồng nấm linh chi, nấm sò, số mùn cưa bị thải loại. “Mùn cưa sau khi được sử dụng trồng một vụ nấm linh chi, một vụ nấm sò sẽ được sử dụng trồng nấm rơm. Sau vụ trồng nấm rơm, số mùn cưa được tái sử dụng trồng thêm một vụ nấm sò, sau đó sử dụng làm phân vi sinh bón cho cây trồng.  Nguồn mùn cưa được sử dụng một cách triệt để”. Ông Thụ chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Phú Lương cho biết: Hiện nay, toàn xã có gần 1.200 vòm nấm, ước thu nhập mỗi năm trên 8 tỷ đồng. Việc thử nghiệm trồng nấm rơm trên mùn cưa thành công, mở ra hướng trồng nấm rơm mới, tận dụng triệt để nguồn mùn cưa tại địa phương, đa dạng hóa các loại nấm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

VÕ THẠNH