Những chuyến biển thắng lợi
Với những ngư dân đánh bắt xa bờ, thời gian chính của họ là lênh đênh trên từng con sóng ngoài khơi xa. Đời biển chỉ được nghỉ ngơi vào những ngày đứng trăng, giữa tháng âm lịch. Đó cũng là khoảng thời gian những đoàn tàu đầy ắp thủy hải sản lần lượt vào bờ. Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hòa (thôn Đông Hải, Lộc Trì), một ngư dân có tiếng đánh bắt xa bờ ở xã Lộc Trì. Khi chúng tôi đến cũng là lúc các bạn tàu đang vui vẻ trong buổi liên hoan sau chuyến tàu thắng lợi.
Những chiếc tàu công suất từ 800CV trở lên liên tiếp được đóng mới ở Lộc Trì
Cuộc liên hoan lần này thêm rôm rả vì tàu ông Hòa vừa trúng chuyến đánh bắt và thu mua thủy hải sản. “Đời biển đánh bắt xa bờ không nói trước điều gì. Nhưng được cái là sau mỗi chuyến đi, ít nhiều cũng có lợi nhuận, không bao giờ lỗ. Trung bình thu được 150 triệu đồng mỗi chuyến. Sau khi chia, mỗi người được khoảng 15 triệu đồng. Có những chuyến được “lộc trời”, kiếm trên dưới nửa tỷ đồng cũng không phải hiếm”, ông Hòa tâm sự.
Ngày 6/6/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao ký Quyết định số 1206/QĐ-UBND về việc công nhận Công ty TNHH Thuận Mậu (xã Lộc Trì) đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Đây là cơ sở đóng tàu từ 400CV trở lên đầu tiên ở huyện Phú Lộc. |
Con tàu 800CV của ông Nguyễn Thái (thôn Đông Hải, xã Lộc Trì) vừa mới hạ thủy được hơn hai tháng và ngay lập tức đã có hai chuyến ra khơi đầu tiên. Tàu mới, máy mạnh và có lẽ là cái “duyên” với những vùng biển xa mà hai chuyến đi biển vừa rồi đều mang lợi nhuận cao. Ông Thái chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ đánh bắt gần bờ với chiếc gọ dưới 40CV. Những ngày thuận trời thu nhập khá, nhưng không ổn định. Có khi quần với biển một đêm ròng rã mà không đủ tiền dầu. Thấy bạn bè, anh em đi đánh bắt xa bờ có thu nhập ổn định, tôi cũng đóng một chiếc. Sau khi đóng xong tốn hơn 2,5 tỷ đồng. Hai chuyến đi vừa rồi, trừ các chi phí và trả công xong tôi cũng dư được trên một trăm triệu đồng. Vậy là ổn!”.
Ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho biết, hiện nay toàn xã có 30 tàu đánh bắt xa bờ, mỗi năm đóng mới được 3-4 chiếc. Tất cả các hộ có tàu đánh bắt xa bờ đều có nhà cửa khang trang. Xã đang khuyến khích bà con mạnh dạn đầu tư đóng tàu lớn. Với sự hỗ trợ của của Nhà nước theo Nghị định 67 và vốn đối ứng của người dân, đặc biệt, xã Lộc Trì đã có một cơ sở đóng tàu lớn, từ 400CV trở lên, thời gian đến sẽ còn nhiều tàu ở Lộc Trì được đóng mới và vươn khơi.
Chủ động vươn khơi
Từ khi Công ty TNHH Thuận Mậu hoạt động, đã đóng mới 4 tàu, 3 tàu công suất 800CV được hạ thủy và ra khơi. Còn một tàu được đóng theo Nghị định 67 với công suất 1.000CV chuẩn bị hoàn thiện. Ông Trần Mậu, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Mậu cho biết, trước đây, cơ sở ông có đóng tàu, nhưng chỉ những tàu có công suất nhỏ. Nhiều hộ muốn đóng tàu lớn phải thuê nơi khác. Từ khi chuyển sang đóng tàu lớn, công ty đã nhận nhiều hợp đồng đóng tàu của người dân trong xã. Từ đây đến cuối năm, công ty sẽ đóng thêm 2 tàu lớn nữa. Công ty đã tập hợp được đội ngũ đóng tàu lành nghề của Phú Lộc đến làm việc; giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người.
Những người thợ lành nghề ở Phú Lộc quy tụ về xã Lộc Trì để đóng tàu
Ông Trần Ngọt, chủ “tàu 67” đang được đóng mới chia sẻ: “Tâm nguyện của tôi là đánh bắt xa bờ. Kinh phí đóng một chiếc tàu rất lớn, nhờ chính sách cho vay vốn đến của Nhà nước mà tôi mới có thể đóng được con tàu này. Vốn để đóng con tàu là khoảng 5,5 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước cho vay ưu đãi 70% và vốn đối ứng của gia đình là 30%. Với chiếc tàu này, tôi có thể di chuyển ở bất kỳ đâu trên vùng biển của đất nước mình. Hy vọng, khi tàu ra khơi gặp được nhiều may mắn. Đánh bắt thật nhiều thủy hải sản, phát triển cuộc sống gia đình”.
Ngư dân xã Lộc Trì tâm sự rằng, những con tàu của địa phương khi đánh bắt xa bờ xem nhau chẳng khác gì anh em ruột trong một gia đình. Các tàu giữ liên lạc với nhau và luôn đánh bắt với khoảng cách gần. Nếu một tàu gặp sự cố nào đó thì các tàu khác sẽ kịp thời ứng cứu. Khi một tàu chong đèn đánh bắt, nếu thấy những đàn cá lớn sẽ báo các tàu khác cùng đến đánh bắt, chia sẻ nguồn lợi với nhau.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc khẳng định, đánh bắt xa bờ mang lại kinh tế cao cho ngư dân xã Lộc Trì. Những con tàu lớn liên tiếp được đóng mới khi vươn khơi sẽ góp phần khẳng định chủ quyền trên biển của nước ta. Thời gian đến, huyện tiếp tục tạo điều kiện, giúp ngư dân làm thủ tục nhanh chóng, thuận tiện khi đóng tàu theo Nghị định 67.
Khó khăn của ngư dân Lộc Trì nói riêng và các xã trong khu vực đầm Cầu Hai nói chung là cửa biển Tư Hiền đang bị bồi lấp. Tàu ra vào cửa rất khó, riêng tàu lớn trên 400CV ra vào không được. Vì vậy, khi vào mùa mưa bão, ngư dân phải gửi tàu ở các nơi khác, vừa bất tiện, vừa không yên tâm. |
Đức Quang